Sản xuất chè theo hướng VietGap ở Xuân Minh
BHG- Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Xuân Minh (Quang Bình) đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích bà con nhân dân mở rộng vùng chè và phát triển sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap để không ngừng nâng cao giá trị kinh tế của cây chè; thúc đẩy ngành chè địa phương phát triển ổn định, bền vững.
Gia đình anh Triệu Giào Guyện thu hái chè trên diện tích chè trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap. |
Là một xã vùng cao của huyện Quang Bình, cách trung tâm thị trấn Yên Bình gần 40 km. Với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho cây chè Shan tuyết được trồng ở đây mang một hương vị thơm ngon đặc trưng; tạo dấu ấn về một vùng chè đặc sản. Cây chè được xác định là cây kinh tế mũi nhọn, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng cho người dân. Do đó, thời gian qua xã tập trung chỉ đạo các thôn, bản tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng chè và áp dụng mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap để nâng cao chất lượng, sản lượng và giá trị kinh tế của cây chè. Cách đây 3 năm (năm 2013), chính quyền xã triển khai mô hình sản xuất chè VietGap tại 4/10 thôn, bản gồm: Minh Sơn, Minh Tiến, Nậm Chàng và Sơn Quang, với tổng diện tích là 100 ha (68 hộ dân tham gia).
Chủ tịch UBND xã Xuân Minh, ông Phù Văn Quang cho hay: “ban đầu khi triển khai mô hình, nhiều hộ dân dù thấy hay nhưng vẫn ngần ngại, không muốn tham gia; họ sợ phải ghi chép nhiều, có nhiều quy trình nên sợ không theo được. Nắm bắt được điều đó, xã đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền cũng như hướng dân bà con. Đồng thời, Chi cục Quản lí chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Giang đã hỗ trợ, tập huấn quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap cho bà con (mở 2 lớp tập huấn với tổng số 100 học viên) để người dân vững tin vào mô hình sản xuất này”.
Đến nay, diện tích chè được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap được mở rộng lên 200 ha (chiếm 40% tổng diện tích chè toàn xã) đến 10 thôn, bản; với năng suất trung bình từ 45 – 50 tạ/ha. Xã có đến hơn 400 cơ sở chế biến chè nhỏ theo phương thức gia đình, 1 làng nghề chè truyền thống (thôn Nậm Chàng) và 1 Hợp tác xã chế biến, sản xuất chè Xuân Mai (thôn Minh Sơn).
Theo đánh giá của chính quyền xã, sau 3 năm thực hiện mô hình chè VietGap đã phần nào làm thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất chè sạch, an toàn; từng bước nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế của cây chè địa phương. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là giá trị kinh tế của sản phẩm chè VietGap so với chè truyền thông không cao hơn là bao (đều có giá khoảng từ 100.000 – 150.000 đồng/kg), trong khi khâu chăm sóc lại vất vả hơn khá nhiều; điều này, khiến cho nhiều hộ dân không “mặn mà” với mô hình này; đây cũng là điều mà cấp ủy, chính quyền xã đang cố gắng cải thiện.Gia đình anh Triệu Giào Guyện ở thôn Minh Sơn là một trong những hộ trồng và chế biến chè lâu năm, với gần 5 ha chè trồng và chăm sóc theo phương thức truyền thống (chủ yếu dựa vào kinh nghiệm) nên chất lượng chè chưa ngon và giá bán cũng không ổn định. Sau khi được cán bộ hướng dẫn sản xuất chè theo quy trình VietGap, sản phẩm chè của gia đình anh đã được nâng cao cả về chất lượng và giá trị. Anh Guyện chia sẻ: Đăng ký 2 ha chè trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap, gia đình tôi thực hiện nghiêm túc các bước theo quy trình, ghi chép đầy đủ thông tin về thời gian phun thuốc, thu hái và sơ chế chè, đảm bảo sản phẩm chè sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Thêm nữa, gia đình tôi cũng đầu tư mua sắm máy chế biến chè mini để chế biến chè ngay sau khi thu hái; do đó, sản phẩm chè khô luôn giữ được hương vị thơm ngon đặc trưng. Với giá bán trung bình từ 120.000 – 150.000 đồng/kg (chè khô), mỗi năm gia đình thu được hơn 50 triệu.
Thực tế cho thấy, cây chè đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho bà con nông dân; nhiều gia đình có mức thu nhập đạt từ 40 – 50 triệu đồng mỗi năm từ việc thu hái, chế biến chè. Tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh của cây chè, thời gian tới, xã Xuân Minh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vùng chè sạch của địa phương, phát triển làng nghề, cơ sở sản xuất chè, nâng cao giá trị của sản phẩm chè VietGap để thương hiệu chè sạch Shan tuyết Xuân Minh vươn xa ra thị trường ngoại tỉnh, nước ngoài.
YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc