Nâng cao hiệu quả phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc ở Hoàng Su Phì
BHG - Trong những năm qua, công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đạt được nhiều kết quả tích cực; số gia súc bị chết đói, chết rét đã giảm rõ rệt qua từng năm. Có được kết quả đó là nhờ sự tích cực, chủ động của huyện trong triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.
Là huyện có số lượng gia súc khá lớn, trong đó, đàn trâu trên 22.480 con, đàn bò gần 5.300 con; do đó, công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc được coi là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài. Ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống đói, rét cho gia súc trong vụ Đông-xuân; kiện toàn Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên với phương châm phòng, chống đói, rét tại gia đình là chính; ngành Nông nghiệp, Thú y từ huyện đến cơ sở thường xuyên kiểm tra, đánh giá công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh; đồng thời, tiến hành rà soát đàn gia súc để tiêm vắc-xin phòng dịch. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã triển khai tiêm phòng 5 loại vắc-xin được 255.600 liều; tổ chức vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại được 1.450 lít...
Ngoài đảm bảo nguồn thức ăn, gia đình anh Tráng Văn Lù, thôn Cán Chỉ Dền còn bổ sung thức ăn tinh để tăng sức đề kháng cho đàn bò. |
Với quan điểm “con trâu là đầu cơ nghiệp”, nên ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của huyện; xã Tụ Nhân xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ khuyến nông, thú y các thôn phối hợp với người dân chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc; tuyên truyền hướng dẫn nông dân chủ động dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò. Bên cạnh đó, những thôn vùng cao có gió mạnh cần che chắn chuồng trại kín đáo và dọn vệ sinh hàng ngày; thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết qua các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động trong việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Là một trong những hộ có kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm, anh Tráng Văn Lù, thôn Cán Chỉ Dền (xã Tụ Nhân) chia sẻ: Năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch lúa Mùa, gia đình anh lại thu gom, tích trữ rơm rạ để làm thức ăn cho đàn bò trong những ngày mùa Đông giá rét. Theo anh Lù, con trâu, con bò là tài sản lớn của cả gia đình; ngoài đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc, việc che kín và đảm bảo chuồng trại khô ráo, sạch sẽ trong mùa rét là rất cần thiết. Ngoài ra, khi nhiệt độ xuống thấp, gia đình anh còn bổ sung thức ăn tinh như: Cám gạo, bột ngô, chuối cây,... và cho bò uống nước ấm, nước muối để tăng sức đề kháng; chú trọng thực hiện tốt công tác tiêm phòng nên nhiều năm qua, đàn bò 20 con của gia đình không bị dịch bệnh và đang phát triển tốt.
Theo ghi nhận tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc được triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt; các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi trong mùa Đông; công tác tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức như trên hệ thống loa phát thanh, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt thôn; hầu hết các hộ chăn nuôi đã xây dựng chuồng trại kiên cố, che chắn gió và tích trữ sẵn các loại thức ăn khô để đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu, bò khi thời tiết bất lợi... Tuy nhiên, tình trạng trâu, bò chết rét trong những tháng mùa Đông vẫn thường xuyên xảy ra; ngoài nguyên nhân do thời tiết vùng núi khắc nghiệt, nhiệt độ xuống thấp đột ngột cộng với sương muối giá rét làm giảm sức đề kháng của vật nuôi còn phải kể đến nguyên nhân chủ quan từ ý thức chăm sóc đàn gia súc của người dân địa phương.
Mùa Đông năm nay, theo nhận định có khả năng thời tiết sẽ có nhiều diễn biến phức tạp; có thể có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản xuất, chăn nuôi. Vì vậy, theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, người dân cần sửa sang lại chuồng trại để giữ ấm cho vật nuôi; ngoài rơm rạ và thức ăn tươi, bà con cần chuẩn bị bổ sung thức ăn tinh như: Cám gạo, bột ngô, cây chuối,... và cho trâu, bò uống nước ấm, nước muối để tăng sức đề kháng; thường xuyên giữ khô nền chuồng, lót ấm và tạo nguồn nhiệt sưởi cho vật nuôi khi thời tiết giá rét; trong những ngày rét đậm, không chăn thả gia súc và cho gia súc nghỉ làm việc khi thời tiết dưới 12 độ C... Đồng thời, các ngành chuyên môn cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống rét cho gia súc của người dân.
Bài, ảnh: TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc