Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020
BHG - Chiều 6.12, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp T.Ư tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), giai đoạn 2011 – 2015; triển khai nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2016 – 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành, công ty cổ phần trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang |
Giai đoạn 2011-2015, thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã sắp xếp được 591 doanh nghiệp (đạt 96% so với kế hoạch). Trong đó, cổ phần hóa 499 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp; sáp nhập, hợp nhất 48 doanh nghiệp, giải thể 17 doanh nghiệp, phá sản 8 doanh nghiệp; bán, giao 10 doanh nghiệp; chuyển 8 doanh nghiệp thành công ty TNHH nhiều thành viên. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng các DNNN vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả; tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, bảo toàn và phát triển được vốn…
Đến hết năm 2015, toàn tỉnh hoàn thành phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, được Chính phủ phê duyệt đối với 3 công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước. Trong đó, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước, Đường bộ I và II sắp xếp, chuyển đổi thành Công ty Cổ phần. Riêng Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết (Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ) không thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa. Mặt khác, đối với các Công ty Cổ phần: Môi trường Đô thị, Cấp thoát nước, Đường bộ I và II, UBND tỉnh nắm giữ tổng số cổ phần trên 50% đến 75% theo đúng quy định tại Danh mục tiêu chí, phân loại DNNN của Thủ tướng Chính phủ ban hành. Do vậy, UBND tỉnh chưa xem xét thực hiện thoái vốn đầu tư...
Để thực hiện hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới DNNN, phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nêu 3 nhóm nhiệm vụ mà các cấp, ngành cần triển khai trong giai đoạn 2016-2020, bao gồm: Xác định đúng, trúng các lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ (như công ích và một số lĩnh vực thất bại thị trường), những lĩnh vực Nhà nước cần rút để thị trường phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Trong quá trình sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, mục tiêu quan trọng nhất là bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước (bán đúng giá trị thị trường, thời điểm bán). Đồng thời, cần làm rõ mục tiêu chính sách và mục tiêu kinh tế của mỗi doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ. Bởi đây là căn cứ để DNNN hoạt động và hạch toán một cách minh bạch nhiệm vụ chính sách và kinh doanh…
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc