Phát huy sức dân ở xã vùng III Hương Sơn
BHG- “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, khắc ghi lời dặn của Bác Hồ; cấp ủy, chính quyền xã Hương Sơn (Quang Bình) đã nỗ lực đoàn kết, phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân trong các phong trào thi đua phát triển KT – XH, xây dựng NTM tại địa phương. Nhờ đó, “bức tranh” nông thôn nghèo ở Hương Sơn ngày càng thêm những “nét vẽ” tươi mới của những con đường bê-tông nối liền các thôn, xóm cùng những ngôi nhà sàn khang trang, sạch đẹp...
Cầu treo Vằng Khon ở thôn Sơn Nam sắp hoàn thành. |
Vượt qua chặng đường dài hàng chục cây số, chúng tôi đến thôn Sơn Nam; thôn nghèo thuộc diện “đặc biệt khó khăn” ở xã Hương Sơn. Thôn có 77 hộ với 257 khẩu; kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với 20 ha đất lúa và gần 80 ha đất trồng cam. Thu nhập bình quân chưa đến 10 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao 66%. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân Sơn Nam luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; chung sức đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng quê hương. Từ đầu năm đến nay, người dân trong thôn đã đóng góp hàng trăm ngày công, tu sửa được hơn 5 km đường giao thông nông thôn; xây dựng cầu treo Vằng Khon và cầu bê-tông Xoong Ngang với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng...
Trong màn mưa phùn những ngày cuối tháng 10, tiếng máy khoan, máy hàn vang lên trên “công trường” thi công cây cầu treo Vằng Khon; công trình được xây dựng nhờ sự quyết tâm, chung sức của người dân và những tấm lòng hảo tâm. Trưởng thôn Sơn Nam, ông Bàn Thanh Đức cho hay: Trước đây, điều kiện kinh tế của bà con trong thôn đều rất khó khăn nên dù có lòng cũng chỉ đủ sức làm cầu gỗ tạm cho người dân qua lại. Mùa mưa nước lũ cuốn trôi cầu, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân gặp nhiều trở ngại, nguy hiểm. Bởi vậy, trong cuộc họp tháng 9 vừa rồi, ý kiến xây dựng cây cầu treo mới, kiên cố đã được toàn thôn nhất trí triển khai. Thực hiện phương châm “Nhà khá góp nhiều, nhà khó góp ít”, các hộ dân trong thôn đều nhiệt tình hưởng ưng; mỗi hộ đóng góp 550.000 đồng. Nhiều hộ có điều kiện hơn thì góp gấp đôi, gấp ba như nhà anh Nguyễn Đức Nghĩa, Trương Quang Thịnh, Triệu Văn Sầu... Thêm nguồn hỗ trợ của xã và quyên góp xã hội hóa, những “kỹ sư làng” đã tự thiết kế và xây dựng cây cầu treo mới. Sau hơn 1 tháng thi công, với tổng kinh phí đầu tư 162 triệu đồng, cây cầu treo Vằng Khon dài 30,4 m; rộng 2,2 m; mố trụ bê-tông; dầm sàn, lan can thép đã sắp hoàn thành. Anh Triệu Văn Sầu, một hộ dân trong thôn phấn khởi nói: “Có cây cầu treo mới, từ nay chúng tôi không còn phải lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ đến và việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn rất nhiều. Mong ước hàng chục năm nay của người dân Sơn Nam có một cây cầu kiên cố nay đã thành hiện thực”.
Hiện nay, việc phát huy sức dân, sức mạnh của sự đoàn kết, đồng thuận “ý Đảng, lòng dân” được cấp ủy, chính quyền xã Hương Sơn xác định là phương thức đúng đắn, hiệu quả để phát triển KT – XH, xây dựng NTM tại xã vùng III khó khăn này. Phó Chủ tịch UBND xã, chị Đặng Thị Sang cho biết: Công tác xây dựng NTM được định hướng rõ ràng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, ưu tiên vốn đầu tư xây dựng, tu sửa trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương thủy lợi. Bởi vậy, trong 10 tháng đầu năm, xã đã tu sửa hàng chục km đường giao thông nông thôn; xây dựng cầu treo dài 11 m, rộng 2 m tại thôn Buông; nạo vét 2 km kênh mương thôn Sơn Đông; cải tạo, nâng cấp trạm y tế...
Cùng với đó, công tác phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân được cấp ủy, chính quyền xã Hương Sơn quan tâm, chú trọng. Với lợi thế điều kiện tự nhiên thuận lợi cho trồng các loại cây ăn quả có múi như (cam Sành, quýt vỏ dòn...), xã đã quy hoạch vùng sản xuất cam VietGap tại 6 thôn bản; thành lập 4 Tổ sản xuất cam VietGap với 234 hộ tham gia; dải ngân cho 50 hộ dân vay vốn theo Nghị quyết 209 được gần 7 tỷ đồng. Đồng thời, xã cũng nhân rộng, phát triển các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi các bỗng của ông Hoàng Kim Sông ở thôn Buông; mô hình trồng cam, quýt và nuôi trâu rẽ của bà Đặng Thị Phương ở thôn Nghè; mô hình VAC tổng hợp của anh Lý Văn Hội ở thôn Sơn Trung...
Với sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đến nay, thu nhập bình quân đầu người của người dân Hương Sơn ước đạt 17,5 triệu đồng/người/năm; xã đã đạt được 5/19 tiêu chí xây dựng NTM và dự kiến sẽ hoàn thiện tiêu chí về y tế trong năm nay.
YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc