Liên kết sản xuất – điều cần thiết trong Tái cơ cấu nông nghiệp ở Quang Bình

07:32, 30/11/2016

BHG- Một trong những mục tiêu quan trọng của Tái cơ cấu nông nghiệp là nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích đất, để đạt được điều đó; người nông dân phải đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, sản xuất theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, song song với sản xuất ra càng nhiều hàng hóa, phải giải quyết đầu ra cho sản phẩm, khi đó mới đánh giá được giá trị của sản phẩm trên diện tích đất sử dụng cho sản xuất. Vì vậy, liên kết trong sản xuất là điều cần thiết, đó sẽ là lời giải cho vấn đề tiêu thụ sản phẩm của người nông dân.

Quang Bình là huyện đã và đang thực hiện tốt việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến (thứ 3 từ phải sang) thăm Nhà máy gạo của Công ty THHH MTV Quang Anh tại thị trấn Yên Bình (Quang Bình).
Quang Bình là huyện đã và đang thực hiện tốt việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến (thứ 3 từ phải sang) thăm Nhà máy gạo của Công ty THHH MTV Quang Anh tại thị trấn Yên Bình (Quang Bình).

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Quang Bình đã và đang là địa phương cho thấy liên kết trong sản xuất thực sự là cần thiết và trở thành “đòn bẩy” cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương này. Hiện, trên địa bàn huyện Quang Bình có nhiều mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp. Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Quang Bình lựa chọn phát triển các loại cây chủ lực theo Đề án như: Cam, chè. Đồng thời, với điều kiện thuận lợi về tự nhiên và thế mạnh sẵn có, huyện Quang Bình lựa chọn thêm cây lúa để phát triển sản xuất lúa hàng hóa. Với những loại cây này, theo đồng chí Nguyễn Văn Hoàng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quang Bình cho biết: Đến nay, huyện đã thu hút được một số doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết sản xuất với người dân vào hai sản phẩm là chè và lúa.

Theo đó, Công Ty THHH An Đạt Thành (Hải Phòng) và Công Ty THHH MTV Quang Anh (Quang Bình) là hai đơn vị đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chế biến lúa tại huyện Quang Bình. Trong khi Công Ty THHH An Đạt Thành đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giống lúa chất lượng cao và cung ứng máy vật tư nông nghiệp; đồng thời thuê 5 ha ruộng của người dân thôn Hạ Thành, xã Bằng Lang để sản xuất giống lúa cung ứng cho nhân dân trong các mùa vụ tới. Thì, Công Ty THHH MTV Quang Anh đã và đang đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến lúa chất lượng cao tại thị trấn Yên Bình và ký kết thu mua sản phẩm lúa cho nhân dân, với diện tích ký kết bao tiêu sản phẩm trên 500 ha mỗi năm, bước đầu đã có sản phẩm cung ứng ra thị trường.

Với cây chè, với số diện tích chè hữu cơ tại xã Tân Bắc và Tiên Nguyên đã được Công ty TNHH MTV Chè Quang Bình cam kết thu mua với giá thành ổn định cho người dân từ 5-7 nghìn đồng/kg. Trong năm 2015, Công ty đã hỗ trợ người trồng chè của 2 xã này đi tham quan, học tập kinh nghiệp trồng, thu hái chè theo tiêu chuẩn. Đồng thời, hỗ trợ phân bón hữu cơ cho người trồng chè. Anh Phù Văn Dũng, thôn Nặm O, xã Tân Bắc cho biết: Có công ty cam kết thu mua chè, chúng tôi yên tâm về giá thành, không bị bấp bênh như trước nữa. Ngoài ra, công ty cũng hỗ trợ, hướng dẫn nhiều về kỹ thuật để người dân chúng tôi ngày càng phát triển vùng chè hữu cơ, nâng cao giá thành.

Ngoài liên kết trong sản xuất hai sản phẩm chủ lực trên, hiệu quả rõ rệt nhất và đã được khẳng định trong mối liên kết sản xuất ở Quang Bình là cây mía đường. Từ năm 2012, Công ty Mía đường Sơn Dương đã có sự đầu tư, liên kết sản xuất với người dân Quang Bình. Trong gần 5 năm qua, Công ty đã cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm cho trên 56 ha mía ở Quang Bình. Từ sự liên kết này, nhiều hộ dân đã có thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm, cao gấp 3 – 4 lần trồng ngô. Anh Hoàng Văn Mạc, thôn Yên Lập, xã Yên Thành khẳng định: “Năm 2012, gia đình tôi đã chuyển đổi 0,7 ha đất trồng ngô sang trồng mía đường cung cấp cho Công ty. Sau một năm, trừ các loại chi phí, tôi thu được 27 triệu đồng, số tiền này cao gấp 3-4 lần trước đây trồng ngô. Với giá thành ổn định trong những năm qua, hiện, gia đình tôi đã nhân rộng diện tích trồng mía lên 2 ha với hy vọng sẽ có nguồn thu lớn hơn từ cây mía”.

Liên kết trong trồng và thu mua mía đường ở Quang Bình đem lại thu nhập cao, ổn định cho người dân.Trong ảnh: Anh Hoàng Văn Mạc, thôn Yên Lập, xã Yên Lập chăm sóc vườn mía.
Liên kết trong trồng và thu mua mía đường ở Quang Bình đem lại thu nhập cao, ổn định cho người dân. Trong ảnh: Anh Hoàng Văn Mạc, thôn Yên Lập, xã Yên Thành chăm sóc vườn mía.

Trong khi nguồn ngân sách của T.Ư và của tỉnh ngày càng eo hẹp do phải ưu tiên cho trả nợ công; những dự án, chương trình đầu tư ngày càng thắt chặt; để tái cơ cấu nông nghiệp đạt được hiệu quả và mục tiêu đặt ra, việc huy động nguồn vốn đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp là một định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, xây dựng mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp thực sự cần thiết và là mắt xích quan trọng để đạt được thành công trong tái cơ cấu nông nghiệp. Điều này, cũng phần nào được minh chứng qua các chương trình liên kết đang thực hiện ở Quang Bình. Tuy nhiên, để thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết; Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, Phùng Viết Vinh chia sẻ kinh nghiệm: Các địa phương cần có những chính sách ưu đãi, khuyến khích như: Xây dựng quỹ đất và mặt bằng sạch; cam kết đảm bảo hệ thống giao thông, điện đầy đủ; có quy hoạch chi tiết phân vùng nguyên liệu sản phẩm; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm như trợ giá cước vận chuyển... Bởi đầu tư vào nông nghiệp có thời gian thu hồi vốn chậm, thậm chí dễ thua lỗ, nên đó là sự dũng cảm của các doanh nghiệp”.

LƯƠNG HÀ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ấn tượng cầu Cốc Pài

BHG- Chinh phục sự khó khăn, khắc nghiệt của tự nhiên, liên danh các nhà thầu đã khảo sát, thiết kế, xây dựng thành công công trình cầu Cốc Pài. Đây không chỉ là điểm nhấn ấn tượng về kiến trúc, góp phần tô đẹp cho thị trấn Cốc Pài mà còn tạo đà thúc đẩy KT-XH của huyện Xín Mần thêm phát triển.

30/11/2016
Phát huy sức dân ở xã vùng III Hương Sơn

BHG- "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", khắc ghi lời dặn của Bác Hồ; cấp ủy, chính quyền xã Hương Sơn (Quang Bình) đã nỗ lực đoàn kết, phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân trong các phong trào thi đua phát triển KT – XH, xây dựng NTM tại địa phương. Nhờ đó, "bức tranh" nông thôn nghèo ở Hương Sơn ngày càng thêm những "nét vẽ" tươi mới của những con đường bê-tông nối liền các thôn, xóm cùng những ngôi nhà sàn khang trang, sạch đẹp...  

30/11/2016
Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tại xã Vĩnh Phúc: Cần sớm nghiên cứu, đánh giá thực tiễn và triển khai phù hợp

BHG- Lâu nay chúng ta vẫn thường nói tới việc "Chuyển đổi sản xuất hay tái sản xuất nông nghiệp" để nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân. Tuy nhiên, việc chuyển đổi, hay tái sản xuất thế nào vẫn là bài toán chưa rõ lời giải. Nông dân ở xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) sẽ cho chúng ta câu trả lời đó từ chính cuộc sống và bằng cách làm của họ ngay trên mảnh đất họ đang có.

30/11/2016
Diễn đàn thanh niên Quang Bình khởi nghiệp năm 2016

BHG - Ngày 29.11, huyện Quang Bình tổ chức Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp năm 2016. Dự diễn đàn có lãnh đạo Tỉnh đoàn, huyện Quang Bình; đại diện Trường Cao đẳng nghề thuộc Tập đoàn than – khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN); cùng hơn 200 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện.

29/11/2016