Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tại xã Vĩnh Phúc: Cần sớm nghiên cứu, đánh giá thực tiễn và triển khai phù hợp
BHG- Lâu nay chúng ta vẫn thường nói tới việc “Chuyển đổi sản xuất hay tái sản xuất nông nghiệp” để nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân. Tuy nhiên, việc chuyển đổi, hay tái sản xuất thế nào vẫn là bài toán chưa rõ lời giải. Nông dân ở xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) sẽ cho chúng ta câu trả lời đó từ chính cuộc sống và bằng cách làm của họ ngay trên mảnh đất họ đang có.
Ruộng cam Vinh nhà ông Đỗ Ngọc Thuật có 300 cây, trồng trên diện tích ruộng treo 2.900 m2, trồng được ( 3 năm, 7 tháng) đã cho thu lứa quả đầu tiên gấp 3 lần trồng lúa. |
Toàn xã Vĩnh Phúc có 1.838 hộ với 7.879 khẩu, số hộ giầu và khá chiếm trên 37,7%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016, ước vượt con số 26,5 triệu đồng/người/năm. Những con số thống kê đánh giá nêu trên cho thấy, xã Vĩnh Phúc hiện đang có cuộc sống no đủ, một bức tranh tươi mới mở ra cho người dân nơi đây.
Báo cáo của UBND xã Vĩnh Phúc cho thấy: Diện tích lúa 2 vụ cả năm 2016 là 426 ha, chủ yếu được trồng cấy, thâm canh bằng các giống lúa chất lượng cao. Năng suất bình quân đạt trên 61,5 tạ/ha/vụ. Ngô cả năm trồng 283 ha. Giống ngô lai dòng NK chiếm 100% diện tích, năng suất đạt 42 tạ/ha. Cây lạc trồng 782 ha. Riêng diện tích trồng lạc vụ Xuân 620 ha, diện tích ruộng treo, nương bãi chuyển trồng lạc 312 ha, năng suất gần 40 tạ/ha. Còn lại, diện tích trồng lạc vụ Mùa để giữ giống cho vụ sau trồng 162 ha, giống lạc L14 cho năng suất, chất lượng tốt được áp dụng triệt để trong trồng, thâm canh. Còn lại, một phần nhỏ diện tích đất canh tác được nhân dân địa phương tận dụng phát triển rau màu các loại phục vụ tiêu dùng.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc, Hoàng Hải Chư nhận định: Phát triển sản xuất cây lương thực giai đoạn hội nhập kinh tế hiện nay, xã xác định giữ vững an ninh lương thực là đủ. Lương thực dư thừa dành một phần phát triển chăn nuôi. Do đó, xã chỉ đạo, giữ ổn định diện tích lúa, ngô, rau, màu. Còn chuyển đổi toàn bộ diện tích ruộng treo, khó nước tưới, cải tạo vườn tạp phát triển cây lạc. Theo tính toán, mỗi ha trồng 1 vụ lạc, thu gần 3 lần trồng lúa, ngô.Bài toán chăn nuôi tại Vĩnh Phúc, tập trung chủ yếu là đàn lợn. Tính đến hết tháng 9.2016, đàn lợn trong xã có 13.600 con/7.879 khẩu chưa kể đàn trâu 640 con, dê 830 con và đàn gia cầm ước có 81.000 con. Sở dĩ chăn nuôi lợn, gia cầm phát triển cao như vậy là do nhân dân đã tận dụng tối đa nguồn lương thực dồi dào, sức lao động sẵn có và biết áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi.
Người nông dân từ xưa nay vẫn khẳng định: Mạnh về gạo – bạo về tiền. Khi có gạo, có tiền, nông dân trong xã đã vươn lên một bước đầu tư mới để mưu cầu sự giàu sang. Bài toán của họ là cải tạo vườn, đồi, trồng cây ăn quả có múi làm hướng đột phá. Đến hết tháng 9.2016, toàn xã có 526,4 ha cây cam, quýt. Diện tích trồng cam lớn hơn diện tích trồng lúa hàng trăm ha. Trong đó, diện tích cam, quýt thâm canh là 422,5 ha, năng suất bình quân sau 5 năm trồng ổn định khoảng 50 tấn/ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 22.000 tấn quả/năm. Người dân cho biết, sản lượng cam, quýt cứ tăng năng suất dần dần từ năm thứ 6 đến năm thứ 10. Nếu được chăm bón đúng cách, cây cam, quýt có thể kéo dài tuổi thọ ít nhất là 13 – 18 năm sau khi trồng. Trong vài năm gần đây, giá bán cam bình quan đạt từ 15.000 – 20.000 đ/kg. Như vậy, mỗi năm nhân dân xã Vĩnh Phúc thu về ước trên 350 – 400 tỷ đồng từ trồng cam, quýt.
Theo tính toán của các nhà vườn trồng cam, cứ 1 kg cam cho thu hoạch bán được 15 - 20 ngàn đồng phải trừ đi từ 3.500 – 4.000 đ/kg tiền đầu tư, tức chi phí mất khoảng 30%, còn lại là lãi bỏ túi. Như vậy, mỗi ha cam, quýt sau thu hoạch người làm vườn thu lợi bình quân khoảng 630 đến sấp sỉ 700 triệu đồng/ha/năm. Một con số dư lãi rất lớn đối với nền sản xuất nông nghiệp hiện nay. Vĩnh Phúc không thiếu nhà giàu, người biết cách làm giàu và họ làm giàu rất chính đáng ngay trên mảnh đất của gia đình họ. Đấy là khẳng định của các anh lãnh đạo xã Vĩnh Phúc.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc, Hoàng Hải Chư xác nhận, hiện nay, cây cam Vinh đã tràn xuống chân ruộng treo 1 vụ theo cách thức “làm chui” khoảng gần 200 ha (tức chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo Luật đất đai). Ở tất cả các thôn của xã đều đã có mặt cây cam Vinh (Nghệ An) được đưa vào trồng đều phát triển rất tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Đã có rất nhiều gia đình trồng cam Vinh xuống ruộng cho thu nhập khá và đầy triển vọng.
...“Mục sở thị” một vòng qua các thôn, tôi dừng lại ruộng cam Vinh trồng “chui” của gia đình lão nông Đỗ Ngọc Thuật, đội 4, thôn Vĩnh Thành. Trên khuôn mặt hồ hởi:... “Bác đưa cây cam Vinh xuống ruộng treo này hồi tháng 2.2013. Tính đến nay, cây cam Vinh trồng trên ruộng mới được khoảng 3 năm 7 tháng tuổi”. Ông Thuật cho tôi cả lời nói và nụ cười viên mãn ngay tại ruộng cam Vinh nhà mình. Hiện tại, vườn cam đã bắt đầu thu bói năm đầu tiên. Với 300 gốc cam, trồng trên 2.900 m2 đất ruộng 1 vụ, dự kiến sẽ thu trên 3 tấn quả. Ông Thuật cho biết, khách hàng đã đặt giá mua bình quân 18.000 đ/kg tại vườn do khách tự thu hái mà gia đình vẫn chưa đồng ý bán. Ông Thuật hạch toán cho tôi bài toán vì sao ông quyết bỏ lúa để trồng cam Vinh: Với 2.900m2 ruộng mỗi năm (trồng 1 vụ lạc thu được 1,3 tấn + 1 vụ lúa thu được 1,8 tấn lúa, tổng thu nhập cả 2 khoản được gần 40 triệu đồng). Sau trừ chi phí giống, phân bón, công lao động, còn lại 6 khẩu trong nhà là “khéo ăn thì no...”?! Còn trồng cam Vinh sau hơn 3 năm, gia đình đã thu về trên 50 triệu đồng. Ông Thuật khẳng định, ruộng cam này nhà ông năm sau sẽ thu gấp đôi, gấp ba lần mức thu cam bói năm nay là điều “bỏ túi”. Một trận cười giữ khách và chủ tưởng như vỡ giời lúc chiều dần tím phía cuối làng Vĩnh Thành.
Cũng theo cách làm của ông Thuật, gia đình ông Đỗ Văn Thuận cũng chuyển 2.700 m2 ruộng treo, Đào Văn Thuỷ chuyển 2.100 m2 ruộng treo để trồng cam Vinh. Các gia đình đều một nhận xét, cây cam Vinh phát triển rất hợp với đất đai ở Vĩnh Thành. Cây cam Vinh càng đẹp hơn khi nó được trồng xuống các chân ruộng treo, vườn tạp được cải tạo. Chị Hoàng Thi Đôi, Đội trưởng đội 4, thôn Vĩnh Thành cho biết: Đội chị có 40 gia đình thì đã có 17 gia đình chuyển đất ruộng trồng lúa 1 vụ để trồng cây cam Vinh được trên chục ha. Sau gần 3 năm thực trồng cam Vinh xuống ruộng, cây cam Vinh phát triển khá đồng đều và rất tốt trên tất cả các diện tích ruộng đã trồng. Chị Đôi cho biết, đến cuối năm nay, cả thôn sẽ có nhiều nhà có thu hoạch từ cây cam Vinh đưa xuống ruộng. Các gia đình trồng cam Vinh đều khẳng định, từ năm thứ 4 trở đi, cây cam Vinh sẽ mang lại nguồn thu cho gia đình họ cả trăm triệu đồng/ha đất ruộng 1 vụ/năm, cao gấp 3 – 5 lần trồng lúa.
Phát triển kinh tế và làm giàu bằng cây cam, quýt và cây có múi nói chung ở Vĩnh Phúc như thế nào? Tôi đặt câu hỏi? Chủ tịch UBND xã, Hoàng Hải Chư cho biết: Đến giờ này có thể khẳng định, người nông dân Vĩnh Phúc đã hoàn toàn làm chủ về KHKT và các tiến bộ sản xuất nông nghiệp.
Thực tiễn cho thấy: Đưa cây cam Sành truyền thống xuống ruộng ở xã Vĩnh Phúc là hiện tượng hiếm thấy. Theo nông dân Vĩnh Phúc cho biết: Cây cam Sành truyền thống chỉ trồng và được trồng nhiều nhất “trên đồi”. Vì cây cam Sành không thích nghi với điều kiện đất ruộng, đất bằng, mà trồng trên đất có độ dốc vừa phải. Ngược lại, gần như toàn bộ khoảng 200 ha cây cam Vinh lại được trồng chủ yếu tại các chân ruộng treo và trồng tại các vườn tạp sau khi nó được cải tạo. Và đây cũng chính là đặc tính sinh trưởng của cây cam Vinh đã được bà con nông dân đúc rút kinh nghiệm.
Các anh lãnh đạo xã khẳng định: Kết quả chỉ trồng cam Vinh xuống ruộng đã được nhân dân trong xã đánh giá và tổng kết thành bài học kinh nghiệm trong suốt quá trình làm ăn của họ. Bài học kinh nghiệm bắt nguồn từ thực tiễn sản xuất đã làm sáng tỏ một chân lý đó là lời giải cho đáp số đúng. “Lời giải có từ thực tiễn cuộc sống và được cuộc sống chọn lọc rồi lựa chọn” quả không sai.
Trở lại với vấn đề: Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao ở Vĩnh Phúc là cách làm hay cần nhân rộng. Còn vấn đề đưa cây cam Vinh “chui” xuống ruộng ở Vĩnh Phúc có nên hay không nên? Câu trả lời, xin dành lại cho các cơ quan chức năng và chuyên môn giải đáp. Còn với tôi: Trực quan sinh động, sẽ cho ta tư duy đúng!Chiều tà, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc anh, Hoàng Hải Chư đưa tôi trực tiếp thăm đồng. Bức tranh thuỷ mạc cứ bám chiếc xe máy đưa tôi dọc, ngang theo những bờ vùng, bờ thửa... Bắt đầu xuất phát từ UBND xã đi qua thôn Vĩnh Thành, lên Vĩnh Sơn, về Vĩnh Chúa, rồi Vĩnh Ban, rồi lại về Vĩnh Thành, về UBND xã Vĩnh Phúc. Đường bê-tông, ruộng vườn khép kín cả một làng xã rộng lớn bao trùm trong sắc thái mùa vàng no đủ.
Nguyễn Mạnh Hùng
Ý kiến bạn đọc