Bắc Quang chú trọng phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường
BHG- Với mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tập trung đầu tư vào thế mạnh cây trồng, vật nuôi tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, huyện Bắc Quang đã chú trọng ứng dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi một cách hiệu quả, phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.
Mô hình chăn nuôi lợn theo hướng trang trại của gia đình ông Trần Văn Phong, xã Vĩnh Hảo. |
Hiện nay, huyện Bắc Quang có trên 127.000 con gia súc; trong đó, đàn trâu có trên 20.500 con, đàn bò trên 550 con, đàn lợn 92.000 con, đàn dê trên 14.000 còn, gia cầm trên 300.000 con. Nhiều năm trở lại đây, đàn gia súc, gia cầm của huyện Bắc Quang luôn phát triển ổn định. Phương thức chăn nuôi chuyển dần từ quy mô hộ phân tán, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hoá tập trung (hiện toàn huyện có 508 hộ chăn nuôi trâu bò, quy mô từ 5-15 con; trên 300 hộ chăn nuôi lợn thịt, quy mô từ 30-50 con/lứa). Thời gian tới của năm 2016, huyện Bắc Quang tập trung phát triển đàn trâu, bò để đạt số lượng 22.360 con và đàn lợn đạt 103 nghìn con (tăng 9,2% so với năm 2015).
Với trăn trở việc phát triển chăn nuôi với số lượng lớn trên địa bàn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vệ sinh phòng dịch và môi trường. Do vậy, huyện đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại tập trung xa khu dân cư. Cụ thể, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện đã có nhiều chủ trương, biện pháp phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó, từ năm 2014 đến nay, UBND huyện Bắc Quang đã hỗ trợ 100% kinh phí, giúp nhiều hộ chăn nuôi mua chế phẩm sinh học EM và vật tư làm đệm lót sinh học. Trước năm 2014, nhiều hộ chăn nuôi chưa chú trọng áp dụng khoa học, kỹ thuật vào xử lý chất thải nên gây ô nhiễm môi trường, tăng khả năng nhiễm dịch bệnh cho vật nuôi. Nhằm tạo chuyển biến tích cực trong chăn nuôi, huyện đã áp dụng phương pháp chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học (sử dụng chế phẩm vi sinh Balasa N01) và chế phẩm EM khử mùi hôi của chuồng trại. Chế phẩm EM sau khi hòa vào nước, phun lên chuồng hoặc hòa vào nước thải của hệ thống bể Bioga, chuồng nuôi đã không còn mùi hôi, giảm ô nhiễm môi trường. Cách làm này được triển khai tại 7 xã có thế mạnh chăn nuôi của huyện như: Vĩnh Phúc, Đồng Yên, Việt Vinh...
Qua quá trình triển khai cho thấy, chế phẩm sinh học EM giúp cho các chất thải: Phân, nước tiểu,... của gia súc, gia cầm giảm hẳn sự hình thành các khí độc hại, các hợp chất phân giải gây mùi; tăng khả năng sử dụng thức ăn, tăng sức để kháng của gia súc đem lại hiệu quả chăn nuôi cao hơn, giảm mùi hôi, giảm độ ẩm của chuồng. Ông Trần Văn Phong ở thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo cho biết: “Những năm trước đây khi nhà tôi nuôi lợn, chưa sử dụng chế phẩm EM vào chăn nuôi, lợn còi cọc, hay bị bệnh nên bán hay bị lỗ. Từ khi sử dụng, thì lợn khỏe mạnh hơn, ít bệnh, hay ăn chóng lớn nên thu nhập cao hơn. Lượng phân chuồng cũng ít hôi hơn, môi trường được cải thiện”.
Cùng với đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thời gian gần đây, huyện Bắc Quang đã khuyến khích người chăn nuôi đẩy mạnh sử dụng hầm khí Bioga. Ông Nguyễn Thái Quang, thôn Vĩnh Chúa, xã Vĩnh Phúc, một hộ sử dụng hầm khí Bioga để chăn nuôi lợn cho biết: “Năm 2010, qua tìm hiểu và được sự hướng dẫn từ cán bộ địa phương, gia đình tôi đã đầu tư kinh phí hơn 10 triệu đồng xây dựng bể Bioga để xử lý chất thải của lợn, vừa tạo khí đốt để phục vụ nấu ăn sinh hoạt, lại không gây ô nhiễm môi trường. Xã Vĩnh Phúc ngày càng có nhiều hộ chăn nuôi xây bể Bioga, riêng trong thôn hiện tại cũng có gần 20 hộ xây dựng và sử dụng”.
Hiệu quả từ việc sử dụng hầm Bioga trong chăn nuôi đang là giải pháp đa tiện ích, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần tích cực cải thiện môi trường trong lành. Anh Nguyễn Văn Giáo, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ và chuyển giao khoa học, kỹ thuật về Nông – Lâm nghiệp huyện Bắc Quang cho biết: “Việc sử dụng hầm khí Bioga và đệm lót sinh học, chế phẩm EM để chăn nuôi trên địa bàn huyện, những năm trở lại đây phát triển khá mạnh, giúp người dân có nguồn chất đốt, cải thiện môi trường sống, hiệu quả chăn nuôi cao. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tuyên truyền, vận động người chăn nuôi xây dựng các công trình bể Bioga và đệm lót sinh học nhiều hơn nữa để chăn nuôi đạt hiệu quả cao”.
Từ những lợi ích thiết thực của việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học mang lại đã góp phần rất lớn trong giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Đây là tiền đề quan trọng để Bắc Quang phát triển chăn nuôi theo hướng gia tăng về số lượng và nâng cao chất lượng, góp phần thiết thực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
MỸ HẰNG
Ý kiến bạn đọc