Nông dân thôn Sang Phàng tích cực trồng Mía tăng thu nhập
BHG- Chuyển đổi từ đất trồng ngô sang trồng Mía giúp người dân thôn Sang Phàng, xã Đông Hà (Quản Bạ) tăng thu nhập gấp ba lần so với trước đây. Nông dân phấn khởi vì mía là cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, được mùa được giá.
Ruộng Mía của ông Hoàng Văn Phan, ở thôn Sang Phàng, xã Đông Hà (Quản Bạ). |
Đến thăm hộ dân có diện tích mía nhiều nhất thôn Sang Phàng, được ông Hoàng Văn Phan, vui mừng chia sẻ: “Nhà tôi trồng Mía từ nhiều năm nay rồi, trước đây cây Mía chỉ trồng nhỏ lẻ thôi. Thế nhưng từ 4 năm trở lại đây, nhiều người tiêu dùng ưa chuộng cây Mía ở thôn, bán lại được giá nên nhà tôi mới trồng nhiều hơn. Năm ngoái tôi trồng 2.000 m2 Mía cho thu nhập khoảng 60 – 70 triệu đồng. Năm nay tôi trồng tăng diện tích lên 5.000 m2”. Để chăm sóc vườn mía và thu hoạch, ông Phan phải thuê thêm lao động trong xã, tạo công việc cho ít nhất 2 – 3 người theo thời vụ. Được biết, giống mía xương gà của địa phương được người dân trong vùng và du khách khá yêu thích vì có vị ngọt đậm, thân cây giòn, mềm phù hợp để bán ở các hàng quán giải khát ven đường quốc lộ.
Nhận thấy xu thế của thị trường, trong vài năm gần đây người dân trong thôn chọn Mía là cây trồng chủ lực thay thế cho cây ngô, lúa truyền thống. Hầu hết các diện tích trồng ngô, lúa kém hiệu quả đều được chuyển sang trồng mía. Ông Hoàng Đức Chiến, Bí thư chi bộ thôn Sang Phàng, cho biết: “Cả thôn có hơn 200 hộ thì đến 75 hộ đang chuyển diện tích trồng ngô sang trồng Mía. Riêng nhà tôi đã chuyển 1.000m2 sang trồng Mía hàng hóa từ năm 2015. Tôi nhận thấy cây Mía dễ trồng, 1 năm trồng 1 vụ bắt đầu từ tháng 2 – tháng 11 thì được thu hoạch. Giá bán trung bình là 3 – 5 nghìn đồng/cây tại vườn; năm ngoái nhà tôi thu được gần 10 triệu đồng từ 400m2 trồng Mía. Nếu so sánh với trồng ngô thì thu nhập tăng gấp 3 lần, công chăm sóc lại nhàn hơn chỉ cần bón phân chuồng và vun gốc là được”. Hiện tại cây mía đang bán khá đắt hàng, cung không đủ cầu, tuy nhiên thị trường chủ yếu của cây Mía vẫn là ở trong vùng và bán cho du khách trong phạm vi nhỏ, chưa thể mở rộng quy mô. Đánh giá về hiệu quả của cây mía, Chủ tịch UBND xã Đông Hà, Nguyễn Hữu Nghiệp nhận định: “Cây Mía hiện nay đang được trồng và phát triển tốt ở trên địa bàn xã với diện tích khoảng 11 ha. Xã cũng là nơi duy nhất ở huyện đang phát triển trồng Mía trên diện tích rộng. Qua vài năm cho thấy cây Mía phù hợp trồng ở xã và mang lại thu nhập khá cho người trồng. Tuy nhiên, chúng tôi chưa dám định hướng người dân phát triển thêm diện tích trồng Mía do thị trường cho cây mía còn nhỏ hẹp, chưa ổn định, trên địa bàn lại không có nhà máy sản xuất”. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi là phù hợp với định hướng phát triển. Thế nhưng làm sao để việc chuyển đổi cây trồng ổn định, người trồng Mía được hướng dẫn KHKT cụ thể, gắn bó với cây trồng mới thì cần sự giúp đỡ từ nhiều phía.
Lê Hải
Ý kiến bạn đọc