Nghề nuôi ong - sinh kế của người dân Cao nguyên đá: Kỳ III - Tiếp thêm động lực cho dân nghèo
BHG- Thương hiệu mật ong Bạc hà được giữ vững đồng nghĩa với sinh kế của người dân Cao nguyên đá (CNĐ) không bị lung lay. Nhằm khuyến khích, mở thêm cơ hội cho người dân nghèo có điều kiện ổn định cuộc sống, tỉnh đã xác định ong là 1 trong 6 cây, con để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Do đó, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách tiếp thêm động lực cho người dân nuôi ong nâng cao chất lượng sản phẩm, để sản phẩm mật ong phát triển bền vững, trở thành thế mạnh phát triển kinh tế vùng.
[links()]
Từ nguồn vốn vay theo Nghị quyết 209, gia đình anh Dỉ Xuân Cường, xã Thanh Vân (Quản Bạ) mua ong về nuôi mang lại thu nhập ổn định. Trong ảnh: Anh Cường kiểm tra tình hình phát triển của đàn ong. |
Bảo tồn vùng hoa Bạc hà:
Hoa Bạc hà mọc dại chỉ có ở vùng CNĐ, giúp người nuôi ong nơi đây nâng cao giá trị sản phẩm mật ong. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện nay, ở 4 huyện vùng cao có khoảng 800 ha hoa Bạc hà, đáp ứng cho khoảng 40.000 đàn ong địa phương lấy mật. Do đặc thù mỗi năm chỉ có duy nhất một vụ hoa nên để bảo tồn loài hoa này cũng như đảm bảo diện tích cung cấp hoa khi đàn ong mở rộng về số lượng, người dân trên CNĐ đã và đang tiến hành trồng hoa ở các xã trên địa bàn.
Một trong những huyện trồng nhiều phải kể đến Mèo Vạc, nơi được xem là “thủ phủ” của loài hoa Bạc hà. Nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng hoa, huyện đã có cơ chế hỗ trợ công thu mua giống ở các hộ dân, sau đó cấp lại cho người dân trồng vào vụ sau; nếu các hộ tự thu mua sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha. Để tạo nguồn nguyên liệu tập trung, huyện khuyến khích người dân gieo trồng ở những xã trọng điểm về nuôi ong như: Sủng Trà, Sủng Máng, thị trấn Mèo Vạc, Giàng Chu Phìn, Pải Lủng... Tính riêng trong năm 2016, huyện đã tiến hành gieo trồng 5 ha hoa Bạc hà. Theo giai đoạn 2016 – 2020, huyện hướng đến mở rộng thêm 38 ha hoa Bạc hà phục vụ nuôi ong lấy mật.
Trên thực tế, hoa Bạc hà mọc dại, cùng với việc người dân tích cực mở rộng diện tích đang cho thấy đây chính là “miếng cơm, manh áo” của người dân nghèo. y vậy mà, những đàn ong ngoại lũ lượt kéo đến cướp mật, cướp luôn cả “bát cơm” của người dân nghèo quanh năm lam lũ chỉ trông chờ vào một mùa hoa. Những người nuôi ong nơi đây đang quyết tâm bảo tồn loài hoa Bạc hà quý bởi họ hiểu rằng, còn hoa Bạc hà thì cuộc sống mưu sinh vẫn còn đảm bảo.
Theo nhận định của anh Ngô Mạnh Cường, Chủ tịch Hội sản xuất, kinh doanh mật ong CNĐ, loài hoa Bạc hà chỉ thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở khu vực Công viên ĐCTC CNĐ Đồng Văn. Tuy nhiên, ở mỗi tiểu vùng, hoa Bạc hà cho sản lượng mật khác nhau nên người nuôi ong phải có kinh nghiêm đặt tổ mới thu được nhiều mật hoa Bạc hà. “Mặc dù hiện nay vẫn chưa có cơ quan nào đánh giá việc con ong ngoại gây ảnh hưởng đến diện tích hoa Bạc hà nhưng cách đây vài năm, ở một số nơi có đặt tổ ong ngoại thì diện tích hoa Bạc hà ở khu vực đó suy giảm rõ rệt. Thậm chí, không thấy cây hoa Bạc hà mọc lại vào những vụ sau” – anh Cường cho biết thêm.
HTX Tuấn Dũng tạo việc làm cho nhiều người lao động địa phương. Trong ảnh: Công nhân HTX Tuấn Dũng quay mật ong. |
Thêm cơ hội thoát nghèo:
Đối với người dân sống giữa vùng ‘đá khát”, để tìm ra con đường thoát nghèo chẳng mấy dễ dàng. Sau khi nhận thấy nuôi ong mang lại cuộc sống ấm no, nhiều người đã tìm đến con ong với hy vọng bữa ăn có thêm ngô, gạo. Nuôi ong là một ngành nghề đặc biệt, có giá trị kinh tế cao. Khác với các ngành chăn nuôi khác như chăn nuôi gia súc, gia cầm, cần vốn đầu tư lớn về giống, chuồng trại, thức ăn, chi phí thú y... thì ngành chăn nuôi ong lại không cần vốn đầu tư nhiều, có thể tận dụng nguyên vật liệu sẵn có để làm thùng nuôi; không tốn thức ăn vì thức ăn chủ yếu của ong là mật và phấn hoa của các loài cây tự nhiên.
Vì thế, trong những năm qua, đàn ong trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng về số lượng, góp phần không nhỏ vào công cuộc XĐGN. Đây là cơ sở để tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nuôi ong theo Nghị quyết 209/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Khi Nghị quyết đi vào cuộc sống, nhiều hộ dân ở CNĐ có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo. Đã nhiều năm nay, cuộc sống gia đình anh Dỉ Xuân Cường, thôn Thanh Long, xã Thanh Vân (Quản Bạ) luôn trong cảnh túng thiếu. Năm 2015, anh được những người nuôi ong đi trước hướng dẫn cho cách nuôi ong. Đến năm 2016, anh đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng theo Nghị quyết 209 để mua 50 tổ ong về nuôi. Ong không phụ công người, những giọt mật quý đã giúp gia đình anh từng bước giảm bớt khó khăn. Cũng giống như gia đình anh Cường, nhiều hộ gia đình trên địa bàn các xã trong khu vực CNĐ đã tham gia nuôi ong theo chính sách hỗ trợ của tỉnh.
Nuôi ong không chỉ giúp cho cá nhân những người nuôi có cuộc sống ổn định mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Thời điểm mùa nuôi ong nhộn nhịp nhất cũng là lúc người nông dân ở CNĐ trong thời kỳ nông nhàn. Ngoài các hộ gia đình nuôi ong nhỏ lẻ thì các cá nhân nuôi ong theo quy mô lớn đều phải thuê nhân công làm việc; vừa chăm sóc, theo dõi đàn ong, vừa thu hoạch mật ong. HTX Tuấn Dũng (Mèo Vạc) hàng năm tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động tại chỗ với mức lương trung bình từ 4 – 5 triệu đồng/tháng. Từ số tiền này, nhiều người đã biết cách mua gia súc về nuôi để thoát nghèo. Thậm chí, có người tích cóp rồi mua ong của HTX để nuôi riêng. Đối với địa bàn còn nhiều khó khăn như Mèo Vạc, trong quá trình nuôi ong, HTX Tuấn Dũng ngoài việc trả tiền thuê đất đặt ong còn hỗ trợ tiền quỹ thôn để giúp các thôn có thêm điều kiện phát triển; hạn chế tình trạng người dân đi Trung Quốc lao động trái phép...
Với mục tiêu thúc đẩy kinh tế vùng CNĐ, các địa phương trong khu vực đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển các mô hình kinh tế, trong đó chú trọng phát triển đàn ong nội. Theo chủ trương của tỉnh, sẽ không “ngăn sông, cấm chợ” người nuôi ong nội đến từ địa phương khác. Tuy nhiên, để đảm bảo đàn ong phát triển, người nuôi ong nội phải đảm bảo quy trình thủ tục cũng như quy trình nuôi ong đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, phải đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm xấu hình ảnh du lịch; do là tỉnh biên giới nên phải đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn...
Nghề nuôi ong với các cơ chế, chính sách hỗ trợ đang tạo thêm sinh kế cho người dân CNĐ tiếp tục bám đá vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Những giọt mật tinh túy của đất trời đang giúp cho đồng bào nơi đây ổn định cuộc sống, tạo động lực giúp họ đoàn kết, bảo vệ biên cương – phên giậu của Tổ quốc.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc