Gian nan trên con đường xóa đói, giảm nghèo ở Bản Rịa
BHG- Cách trung tâm thị trấn Yên Bình 16 km, Bản Rịa không phải là xã xa nhất nhưng lại là xã khó khăn nhất của huyện Quang Bình, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 66%. Kinh tế chậm phát triển, hệ thống đường điện, đường giao thông đến các thôn bản chưa được đầu tư đồng bộ... con đường xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) nơi vùng đất khó Bản Rịa còn nhiều gian nan, thách thức.
Trưởng thôn Minh Tiến, ông Lý Văn Tắc đã hiến 1.000m2 đất làm đường sang thôn Bản Đáp (Lào Cai). |
Mất cả tiếng đồng hồ đi bộ, chúng tôi mới đến được thôn Minh Tiến, thôn khó nhất của xã nghèo Bản Rịa. Toàn thôn hiện có 60 hộ với 273 khẩu (chủ yếu là dân tộc Dao), tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 80%. Kinh tế của người dân nơi đây trông chờ vào 19,5 ha lúa, hơn chục ha ngô và chăn nuôi gia súc, gia cầm; thu nhập chỉ đạt 6 – 7 triệu đồng/người/năm. Ông Lý Văn Tắc, Trưởng thôn Minh Tiến cho biết: Đường đi khó nên cả tháng dân mới xuống chợ huyện một lần, mang con gà, con lợn đi bán. Thôn cũng trồng vài chục ha quế nhưng cũng vì xe ô tô không vào được nên bán không được giá. Tháng 7.2015, thôn được hỗ trợ, xây dựng tuyến đường từ trụ sở thôn đến ngã ba thôn Bản Măng dài 3,5 km với tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng nhằm góp phần XĐGN. Thế nhưng, tuyến đường này mới thi công được 1,3 km thì bị tạm dừng do thiếu vốn. Không có đường, lại thêm không có điện, các hộ dân trong thôn chủ yếu sử dụng nguồn điện nhờ máy điện nước, chỉ đủ thắp sáng. Khổ nhất là việc học hành của bọn trẻ, đường đến trường đã gian nan, mà thời gian làm bài tập cũng chỉ tranh thủ được lúc sáng trời.
Nghèo, khó là vậy nhưng người dân Minh Tiến không trông chờ, ỷ lại, mà luôn nghĩ cách thoát nghèo. Xác định cái “khó nhất” vẫn là đường, sau nhiều buổi họp bàn, người dân trong thôn quyết tâm mở đường sang thôn Bản Đáp (Nghĩa Đô, Lào Cai). Cả thôn có hơn 30 hộ hiến đất mở đường, người ít cũng trên 100m2, người nhiều thì đến 5.000m2 như gia đình ông Hoàng Văn Sáng, Lý Văn Bành, Lý Văn Diễn... Ngoài ra, mỗi nhà còn góp từ 1 – 3 triệu để làm đường. Vừa hiến đất, vừa góp sức, góp vốn, từ đầu năm đến nay, người dân Minh Tiến đã mở được 5km đường sang thôn Bản Đáp, việc giao thương, buôn bán cũng dần chuyển biến, nhiều hộ dân đã tìm được mối bán gỗ quế và các loại nông sản địa phương. Anh Lý Văn Diễn, người dân thôn Minh Tiến chia sẻ: “Đường mở rồi, giờ chỉ mong Nhà nước hỗ trợ thêm vốn để dân rải đá hay bê tông hóa đường được thì càng tốt”.
Thực tế cho thấy, “bài toán” đặt ra với công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế ở xã Bản Rịa vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã, Lê Tiến Cường cho biết: Bản Rịa là xã nghèo thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Quang Bình, có 4 thôn, bản gồm: Bản Thín, Bản Rịa, Bản Măng và Minh Tiến với gần 400 hộ dân, 1.816 khẩu. Địa hình bị chia cắt bởi nhiều đồi núi, khe suối, nên thiếu mặt bằng để xây dựng các công trình và phát triển sản xuất hàng hóa, dân cư sống không tập trung nên đến nay xã vẫn chưa xây dựng được chợ trung tâm. Không kể đoạn đường từ trung tâm thị trấn đến xã Yên Thành thuộc Quốc lộ 279 còn đang thi công dở dang, đoạn đường hơn chục cây số Yên Thành – Bản Rịa cũng xuống cấp nặng, việc đi lại của nhân dân gặp rất nhiều trở ngại. Hiện nay, xã còn 3 thôn, bản chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia.
Mặc dù vậy, thời gian qua xã Bản Rịa đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải thiện đường giao thông nông thôn; đồng thời đẩy mạnh thực hiện Đề án “Xã phát triển toàn diện”, phát triển kinh tế, chú trọng thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 40 lao động, tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho gần 100 người dân; thực hiện tốt chính sách vay tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo phát triển sản xuất; thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội...
Có thể thấy, khó khăn về đường giao thông, đường điện là trở ngại lớn trên chặng đường XĐGN, phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới tại xã Bản Rịa. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân Bản Rịa còn cần sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành để công tác xóa đói, giảm nghèo của xã thực sự hiệu quả, để xã đi lên đúng hướng “xã phát triển toàn diện”.
YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc