Hội nghị đánh giá công tác xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ cam sành và tiến độ thực hiện phát triển cây, con chủ lực 3 huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình
BHG - Sáng 15.9, tại huyện Bắc Quang, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá công tác xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ cam sành và tiến độ thực hiện phát triển cây, con chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với 3 huyện Bắc Quang, Vị Xuyên và Quang Bình. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; Thường trực Huyện ủy, UBND 3 huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình.
Hiện nay toàn tỉnh có trên 5.800 ha cây cam với hơn 8.700 hộ ở 36 xã tham gia trồng cam. Trong đó có hơn 1.400 hộ/1.400 ha cam đăng ký thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap. Sản lượng cam theo tiêu chuẩn VietGap niên vụ 2016 – 2017 ước đạt từ 15.000 đến 17.000 tấn. Chuẩn bị cho vụ cam mới, các Sở, ngành chức năng đã thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh, viết tin, bài đăng tải trên Báo Hà Giang, Đài PT-TH tỉnh, Cổng thông tin của tỉnh; Sở Công thương thiết kế catalog, tờ rơi, tập gấp giới thiệu sản phẩm Cam sành tại các Hội chợ trong nước và quốc tế; đăng ký tham gia trưng bày sản phẩm cam sành và các nông sản chủ lực của tỉnh tại Hội chợ triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2016; xây dựng dự thảo Kế hoạch tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá tiêu thụ sản phẩm cam sành, niên vụ 2016 – 2017.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến kết luận hội nghị |
Về tiến độ thực hiện phát triển cây, con chủ lực theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của 3 huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình. Các huyện đều lựa chọn chung các loại cây, con chủ lực là: Cây cam, chè và chăn nuôi đại gia súc. Ngoài ra, Quang Bình lựa chọn thêm cây lúa chất lượng cao; Vị Xuyên lựa chọn mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; Bắc Quang lựa chọn trồng rừng kinh tế. Đến nay, các huyện đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề và các Kế hoạch về phát triển các loại cây con chủ lực trên.
Tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, tỉnh nên chỉ đạo xây dựng một thương hiệu cam sành chung để không còn sự cạnh tranh giữa các huyện, ổn định sản xuất, tạo thương hiệu và đầu ra cho cây cam. Ngoài ra, công tác quảng bá, mẫu mã, logo sản phẩm cam sành cần chặt chẽ hơn nữa; có cơ chế hỗ trợ về cước vận chuyển, quảng bá sản phẩm cam VietGap cho người trồng cam. Đối với Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, với các cây, con chủ lực đã lựa chọn, các huyện cần đánh giá lại xem có phù hợp với điều kiện của từng huyện và các cơ chế chính sách của tỉnh…
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đánh giá cao công tác chuẩn bị Kế hoạch xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam sành trong niên vụ 2016 – 2017. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như ít kinh nghiệm trong khâu quảng bá các sản phẩm của tỉnh; nhiều vấn đề chưa được nghiên cứu sâu để rút kinh nghiệm. Nhiệm vụ tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành cần tham mưu cho tỉnh bổ xung ngay một số nội dung như: Quản lý tốt các chế phẩm bảo quản sản phẩm cam, để giữ gìn thương hiệu cam sành của tỉnh. Phối hợp thật tốt công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm trong thời gian tới. Hình thành mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ cam như các tổ, nhóm sở thích, hội trồng cam. Tổng hợp, rà soát, đánh giá, để thống nhất giải pháp về quản lý giá, quảng bá sản phẩm; tìm tòi đầu mối liên hệ thu mua để tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng cam có đầu ra cho sản phẩm. Các ngành có trách nhiệm phối hợp với 3 huyện chuẩn bị thật kỹ trong các khâu để tổ chức đi tìm kiếm thị trường, giới thiệu, quảng bá sản phẩm cam sành với các địa phương và làm việc với các tổ chức thu mua; Sở Thông tin - truyền thông cùng 3 huyện thống nhất nội dung trên Website của tỉnh và 3 huyện để thống nhất 1 phương pháp quảng bá cam sành; cùng 3 huyện, ngành Tài chính, Nông nghiệp xây dựng kế hoạch thực hiện chuỗi sự kiện xúc tiến, quảng bá, kêu gọi các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền, các công ty tiêu thụ sản phẩm để ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm cam sành, lấy hiệu quả làm chính. Báo cáo đề xuất công tác quản lý Tem nhãn cam sành Hà Giang trong niên vụ này. Đối với Sở KH-CN, hoàn thành đăng ký và công bố chỉ dẫn địa lý sản phẩm Cam sành Hà Giang.
Về Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển sản phẩm chủ lực, 3 huyện cần lưu ý tận dụng hết các chính sách cho sản phẩm chủ lực của Đề án. Trong đó có phát triển cây lâm nghiệp, trồng rừng sản xuất, gắn với tổ chức HTX trồng rừng, làm đầu mối cung ứng nguyên liệu cho nhà máy MDF, cấp chứng chỉ FSC cho các vườn rừng. Đối với các sản phẩm đặc thù, phải gắn với tổ chức lại sản xuất, theo chuỗi giá trị, hình thành các tổ sản xuất, tổ hợp tác, HTX.
Tin, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc