Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm Cam sành Hà Giang
BHG - Thương hiệu Cam sành Hà Giang, đó không chỉ là giá trị mà còn là niềm tin, sự cam kết bền vững với khách hàng. Và để nâng cao giá trị thương hiệu không thể thiếu hoạt động xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm (XT-QB-TTSP) Cam sành Hà Giang.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh xác định: Cam sành là một trong 3 cây trồng chủ lực của tỉnh (cam, chè, dược liệu) có tiềm năng và lợi thế so sánh để tổ chức lại sản xuất, phát triển với quy mô hàng hóa lớn, nhằm tạo vùng nguyên liệu cho các cơ sở, nhà máy chế biến và nâng cao giá trị sản xuất cho người dân. Do vậy, để góp phần nâng cao giá trị kinh tế, thương hiệu cho sản phẩm Cam sành Hà Giang, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến Công thương (KC-XTCT) Hà Giang (Sở Công thương Hà Giang) đã triển khai nhiều việc làm thiết thực. Nổi bật có hoạt động XT-QB-TTSP Cam sành niên vụ 2016 – 2017.
Sản phẩm Cam sành VietGap của các hộ dân được trưng bày tại Hội thi Sản phẩm Cam sành huyện Bắc Quang, niên vụ 2015 |
Nhiều năm trở lại đây, hoạt động XT-QB-TTSP Cam sành Hà Giang được Trung tâm KC-XTCT đặc biệt chú trọng. Bởi đây là hoạt động mang tính chiến lược nhằm đưa sản phẩm đặc sản – Cam sành Hà Giang đến tận tay người tiêu dùng. Đồng thời, giới thiệu đến các doanh nghiệp ngoài tỉnh về sản phẩm Cam sành tiêu biểu của Hà Giang. Trên cơ sở đó, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm và thu hút, mời gọi doanh nghiệp thu mua, đầu tư các cơ sở chế biến Cam sành ngay tại địa phương. Riêng niên vụ cam 2015, Trung tâm KC-XTCT Hà Giang đã phối hợp với đơn vị hữu, quan tham gia trưng bày 3 gian hàng giới thiệu sản phẩm cam, quýt của các huyện trọng điểm cam trên địa bàn tỉnh là Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (quận Ba Đình, Hà Nội)…
Nối dài kết quả trên, Trung tâm KC-XTCT Hà Giang hiện đang tích cực chuẩn bị cho Kế hoạch XT-QB-TTSP Cam sành niên vụ 2016 – 2017. Trong đó, công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá sản phẩm Cam sành được đơn vị thực hiện với hình thức, nội dung phong phú, đa dạng. Tiêu biểu như: Thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh, viết tin, bài đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và ngành Công thương để đông đảo độc giả nắm bắt thông tin. Cùng vói đó, hoàn thiện thiết kế Catolog, tờ rơi, tập gấp giới thiệu sản phẩm Cam sành Hà Giang để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tới các trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm và khách hàng trong, ngoài nước... Đồng thời, đăng ký tham gia trưng bày sản phẩm Cam sành tại Hội chợ triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam năm 2016 (dự kiến tổ chức tháng 11.2016) tại TP. Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần quan trọng quảng bá, phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm Cam sành Hà Giang tại thị trường trong nước. Song song với hoạt động trên, Trung tâm KC-XTCT Hà Giang từng bước hoàn thiện thiết kế tem dán quả cam, bao bì sản phẩm Cam sành đạt tiêu chuẩn VietGap, giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Đặc biệt, để nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm Cam sành Hà Giang, dự kiến cuối tháng 11.2016, Trung tâm KC-XTCT Hà Giang phối hợp với đơn vị hữu quan tổ chức Hội nghị XT-QB-TTSP Cam sành niên vụ 2016 – 2017 tại huyện Bắc Quang; với sự tham dự của nhiều đại biểu đại diện cho cơ quan, tổ chức Xúc tiến thương mại, doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ nông sản nói chung và sản phẩm Cam sành nói riêng trên địa bàn cả nước. Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị chính là đánh giá tiềm năng, thị trường tiêu thụ sản phẩm Cam sành Hà Giang. Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp, định hướng tiêu thụ sản phẩm Cam sành thời gian kế tiếp. Đồng thời, mời gọi, kết nối nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm Cam sành Hà Giang nói chung và sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap nói riêng để nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, tại địa điểm diễn ra Hội nghị dự kiến sẽ có các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm Cam sành đạt tiêu chuẩn VietGap của 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên với tem dán chỉ dẫn địa lý “Cam sành Hà Giang”…
Song, để góp phần đạt các mục tiêu trên, Trưởng phòng Xúc tiến Thương mại (Trung tâm KC-XTCT Hà Giang) Trần Huy Đông chia sẻ: Trung tâm KC-XTCT Hà Giang rất cần sự phối hợp từ đơn vị hữu quan, nhằm đảm bảo yếu tố cần và đủ khi Trung tâm thực hiện công tác XT-QB-TTSP Cam sành niên vụ 2016 – 2017. Bởi hiện nay, 125,9 ha Cam sành của các Tổ sản xuất Cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, tại vùng trọng điểm cam của tỉnh đã hết hạn và chuẩn bị hết hạn, cần được xem xét để cấp lại Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Trong đó, 8,5 ha cam sành của Tổ sản xuất Cam sành an toàn tại xã Việt Hồng (Bắc Quang) đã hết hạn ngày 17.12.2015. Bên cạnh đó, các Tổ sản xuất Cam sành an toàn tại xã Việt Lâm (Vị Xuyên) hay Vĩnh Hảo, Tiên Kiều (Bắc Quang),… cần được cấp lại Giấy chứng nhận VietGap sau ngày 15.12.2016.
Để thương hiệu Cam sành Hà Giang đồng hành bền bỉ với niềm tin người tiêu dùng, song hành với hoạt động XT-QB-TTSP Cam sành của Trung tâm KC-XTCT Hà Giang, anh Trần Văn Vinh, xã Tân Thành (Bắc Quang) chia sẻ: “Vì sức khỏe người tiêu dùng, chúng tôi, những người trồng cam sành Hà Giang cam kết đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm đảm bảo chất lượng, không chất bảo quản, không tồn dư hóa chất”.
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc