Hiệu quả từ những HTX nông nghiệp kiểu mới ở Quang Bình
BHG - Đến nay, hầu hết các mô hình hợp tác xã (HTX) tại huyện Quang Bình đã được chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 và vận hành mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực; tạo sự liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX đang là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hàng hóa của địa phương.
Vườn ươm cây giống của HTX Thống Nhất ở thôn Nà Tho, xã Tân Bắc. Ảnh: YẾN VŨ |
HTX Dịch vụ nông nghiệp Trung Thành ở thôn Thượng Bằng, xã Bằng Lang là một điển hình, minh chứng cho hiệu quả hoạt động của mô hình HTX kiểu mới. Ra đời từ năm 2003, với gần 100 thành viên, sau khi chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 vào tháng 9.2015; HTX Trung Thành hiện có 32 thành viên với tổng số vốn hoạt động trên 450 triệu đồng. Cùng với đó, HTX phát triển ngành nghề kinh doanh đa dạng gồm: Cung ứng, hỗ trợ giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi; chăn nuôi trâu, bò; trồng cây lâu năm, sản xuất gạch bi... Đến nay, HTX Trung Thành đã có 8 điểm bán hàng, 4 tổ sản xuất với tổng thu nhập 600 triệu đồng/năm. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, ông Lê Thành Nam cho biết: Việc chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới góp phần “tinh giản” số lượng thành viên; liên kết chặt chẽ các tổ sản xuất trong việc tập trung vốn, cây con giống và các loại vật tư nông nghiệp; tạo công ăn việc làm ổn định và giải quyết phần nào nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cho thành viên HTX.
Cũng như HTX Trung Thành, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất ở thôn Nà Tho, xã Tân Bắc đang hoạt động hiệu quả theo mô hình HTX kiểu mới. Bắt đầu hoạt động từ năm 2004 và được chuyển đổi từ tháng 9. 2015, đến nay; HTX hiện có 15 thành viên với số vốn điều lệ 600 triệu đồng. Ông Nguyễn Đình Trá, Giám đốc HTX cho biết: Không chỉ đảm bảo nguồn giống, phân bón, kỹ thuật mà nguồn tiêu thụ sản phẩm của HTX cũng được duy trì ổn định là các phân xưởng chế biến gỗ, chè trên địa bàn và phát triển ra các tỉnh: Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái... Được biết hiện nay, tổng thu nhập của HTX Thống Nhất đạt khoảng 4 tỷ đồng/năm (tăng gấp 3 – 4 lần so với năm 2014), đảm bảo việc làm cho hơn 10 công nhân thường xuyên và 40 công nhân theo thời vụ, với mức lương trung bình 3 triệu đồng/người/tháng.
Hiện, trên địa bàn huyện Quang Bình có 46 HTX hoạt động; tính đến ngày 1.7.2016, toàn huyện có 30 HTX làm thủ tục chuyển đổi hình thức hoạt động theo Luật HTX 2012, 16 HTX chưa thực hiện chuyển đổi. Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình Phùng Viết Vinh, cho biết: Những HTX chưa thực hiện chuyển đổi, huyện yêu cầu ngừng hoạt động SXKD, thanh toán tất cả các khoản vay nợ. Với những HTX chuyển đổi kiểu mới và những HTX mới thành lập, huyện sẽ có cơ chế chính sách ưu đãi về vốn vay, đồng thời phối hợp vận động liên doanh, liên kết sản xuất giữa các HTX với nhau và với các thành phần kinh tế khác; hình thành chuỗi liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) để mở rộng đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Những năm trước đây, phạm vi hoạt động của các HTX kiểu cũ thường bị bó hẹp, quy mô nhỏ lẻ. Mô hình HTX kiểu mới hoạt động đa ngành, vừa làm dịch vụ, vừa kinh doanh, có khả năng mở rộng sản xuất và chủ động liên kết, vận hành theo cơ chế thị trường, để mang lại lợi nhuận cao nhất cho xã viên. Bởi vậy, việc thực hiện chuyển đổi hoạt động các HTX là việc làm cần thiết, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển KT – XH của địa phương. Theo đánh giá, thu nhập của người dân huyện Quang Bình năm 2015 đạt 21 triệu đồng/người/năm (tăng gần 5 triệu đồng so với năm 2014) và dự kiến năm 2016 sẽ tăng thêm từ 1 – 2 triệu đồng.
Có thể thấy, mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới ở Quang Bình đã phát huy hiệu quả trong việc đổi thay cách nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết “4 nhà”, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân, tiến tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững, đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo, phát triển KT – XH trên địa bàn.
YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc