Bàn giải pháp đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp phục vụ du lịch
BHG - Chiều 22.7, UBND tỉnh tổ chức hội nghị Bàn giải pháp đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp phục vụ du lịch nhằm đánh giá thực trạng các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch trên địa bàn 4 huyện vùng cao và thành phố Hà Giang hiện nay, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số Sở, ngành của tỉnh; Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh; Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn; lãnh đạo các huyện Đồng Văn, Quản Bạ, Mèo Vạc và thành phố Hà Giang.
Lãnh đạo Sở nông nghiệp – PTNT báo cáo tình hình phát triển các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề gắn phục vụ du lịch tại hội nghị. |
Theo báo cáo của ngành chức năng, một số sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề tiêu biểu có khả năng phát triển phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố Hà Giang và 4 huyện vùng cao như: Quả Hồng không hạt, mận, lê, táo, đào, xoài; hoa hồng, hoa Tam giác mạch, rau VietGap; gạo khẩu mang, chè shan tuyết; thịt bò khô, lợn đen hun khói, gà xương đen, cá bỗng; rượu ngô men lá, rượu tam giác mạch, cao Actiso, trà Giảo cổ lam, mật ong Bạc Hà; khèn mông, dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác đá, tượng ngọc am; làng thêu dệt vải lanh Lùng Tám, nấu rượu ngô Thanh Vân; chế tác Khèn Mông; rèn đúc lưỡi cày… Mặc dù thời gian qua, các sản phẩm này đều phát triển cả về số lượng và chất lượng, được thị trường, du khách chấp nhận, bước đầu tạo được uy tín với người tiêu dùng. Tuy nhiên, các sản phẩm vẫn chủ yếu là phát triển tự phát, manh mún, hình thức đơn giản, chưa hấp dẫn và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, du khách.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Chúng thị Chiên cho rằng sản phẩm nông nghiệp phục vụ du lịch của tỉnh còn rất hạn chế, đơn điệu, chất lượng chưa cao; chưa theo chuỗi giá trị, chưa có một quy trình chuẩn và chưa có sự kết nối tua tuyến du lịch vào các làng nghề này. Nếu muốn phát triển cần phải có sự tác động về khoa học kỹ thuật vào giống và khâu bảo quản…; UBND tỉnh cần chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể các sản phẩm trên địa bàn; cần đưa khoa học kỹ thuật vào nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp và quản lý tốt chất lượng sản phẩm để giữ thương hiệu… Đồng thời giải quyết những vướng mắc trong thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân trong các lĩnh vực này.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến khẳng định việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch thời gian quan còn thiếu sự chỉ đạo và chưa được các cấp, ngành quan tâm. Do đó, đồng chí chỉ đạo: Giao sở Nông nghiệp – PTNT chủ trì tham mưu cho tỉnh và phối hợp với các ngành xây dựng 1 đề án phát triển nông nghiệp và làng nghề gắn phục vụ du lịch (tập trung vào 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn và thành phố Hà Giang). Việc phát triển các sản phẩm phải gắn liền với thành lập các HTX, nhóm sở thích hoặc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển theo chuỗi giá trị; sản phẩm phải đảm bảo an toàn, có thương hiệu, nhãn hiệu và có cửa hàng giới thiệu sản phẩm, tránh các sản phẩm nhái, giả. Đồng thời gắn việc phát triển các sản phẩm đào tạo nghề và có đặt hàng với các trung tâm dạy nghề. Các huyện xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của địa phương mình; đề xuất thêm các chính sách hỗ trợ vào các chính sách của tỉnh đang thực hiện và bổ sung thêm các cơ chế của huyện đối với các doanh nghiệp, HTX…
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao một số nhiệm vụ riêng đối với từng Sở, ngành trong việc đẩy nhanh thực hiện phát triển các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề với du lịch trong thời gian tới.
Tin, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc