Phụ nữ huyện Bắc Quang: Thực hành tiết kiệm, tích cực phát triển kinh tế
BHG- Hưởng ứng việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện 8 lời dạy của Bác khi Người lên thăm Hà Giang. Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bắc Quang đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả về thực hành tiết kiệm, tích cực phát triển kinh tế trong các chi hội và hội viên (HV), góp phần xây dựng Nông thôn mới, phát triển KT-XH tại địa phương.
Năm 2015, Hội LHPN huyện có 13.811/16.620 HV, phụ nữ (PN) đạt 3 tiêu chuẩn của phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” (đạt 83,9%), cùng 46 mô hình hay, sáng tạo trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, 3.150 hộ gia đình đạt “Nhà sạch vườn đẹp”. Với tinh thần tương thân, tương ái, các cấp Hội đã đẩy mạnh hoạt động chung tay giúp đỡ PN nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuyên truyền, vận động HV áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, định hướng phát triển kinh tế gia đình. Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn vận động quyên góp tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho PN, trẻ em nghèo với tổng số tiền là 115 triệu đồng; giúp đỡ được 3.153 ngày công lao động, 436 bó củi, 614 kg gạo và 338 cây giống các loại và xóa được 23 hộ nghèo do PN làm chủ hộ.
Mô hình trồng cam, cây cảnh và rau sạch của gia đình chị Nguyễn Thị Yến, thôn Mỹ Tân, xã Tân Quang cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Ảnh: MỸ HẰNG |
Từ phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tấm gương chị em làm kinh tế giỏi như: Chị Nguyễn Thị Diễn ở thôn Nặm Pạu, xã Thượng Bình; chị Giang, chị Hoa thôn Xuân Hòa, xã Tân Quang chăn nuôi lợn; Đặng Mùi Sai, xã Đức Xuân trồng cây ăn quả hàng năm cho thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng/năm. Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Diễn, thôn Nặm Pạu, xã Thượng Bình, một tấm gương phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, chị vui mừng cho biết: “Trước đây mới xây dựng gia đình, đời sống hai vợ chồng rất khó khăn, được Hội PN xã hướng dẫn, gia đình tôi vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện đầu tư mua dê nuôi và làm máy xay xát thóc gạo, nuôi lợn, gà vịt. Đến nay, gia đình tôi đã có gần 30 con dê, hơn 100 con gà vịt và đàn lợn gần 20 con. Mỗi năm, nhờ bán dê và lợn thịt, gà vịt cũng cho thu nhập gần 80 triệu ”.
Xác định vị trí quan trọng của người PN trong gia đình, với vai trò là những người “tay hòm chìa khóa”, nên Hội PN huyện đã vận dụng nhiều hình thức để thực hành tiết kiệm như: Tổ phụ nữ tiết kiệm và vay vốn, mô hình nuôi lợn nhựa thực hành tiết kiệm. Tích cực tuyên truyền vận động để chị em PN hiểu vì sao nên tiết kiệm, làm gì để tiết kiệm và lợi ích của việc thực hành tiết kiệm. Năm 2015, toàn huyện có 22/23 cơ sở Hội được nhận ủy thác, 104 Tổ TK&VV, với tổng số dư nợ 65.965 triệu đồng/4.483 hộ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, toàn bộ các xã, thị trấn đều có mô hình nuôi lợn nhựa tiết kiệm để phát triển kinh tế. Qua đó, đã giúp hàng trăm PN thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 12,5 % (năm 2011) xuống còn 2,5 % (năm 2015).
Chị Khổng Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bắc Quang chia sẻ: “Làm theo lời Bác, phong trào PN thực hành tiết kiệm, tích cực phát triển kinh tế và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc được phát động sâu rộng trên toàn huyện. Hội PN huyện thường xuyên đôn đốc, nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống, nguyện vọng của các tầng lớp PN, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, kịp thời phối hợp giải quyết các vụ việc, góp phần ổn định đời sống của PN và nhân dân. Thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm, chỉ đạo, triển khai làm theo Bác thực hành tiết kiệm, tăng cường giúp đỡ PN nghèo, PN khó khăn trong sản xuất; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững”.
MỸ HẰNG
Ý kiến bạn đọc