Không có chuyện Cam sành Hà Giang ủ thuốc bảo quản
BHG - Trên một số trang báo điện tử và mạng xã hội đang lan truyền nghi vấn Cam sành Hà Giang ủ thuốc bảo quản, bọc kín trong túi nilon khiến dư luận rất quan tâm, lo lắng. Nhằm rộng đường dư luận, phóng viên (p/v) Báo Hà Giang có cuộc trao đổi nhanh với đồng chí (đ/c) Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT xung quanh vấn đề này.
P/v: Với trách nhiệm người đứng đầu ngành Nông nghiệp, cảm giác của ông như thế nào khi tiếp nhận thông tin Cam sành Hà Giang dính nghi vấn ủ thuốc bảo quản, bọc kín trong túi nilon bày bán tại các chợ Hà Nội?
Đ/c Nguyễn Đức Vinh: Dù với vai trò người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước về nông nghiệp, hay một người dân, khi tiếp cận thông tin này đều thấy hoang mang, lo lắng về sự an toàn khi sử dụng, nhất là trong thời điểm thực phẩm bẩn đang tràn lan, khó kiểm soát. Nhưng, nhìn từ góc độ chuyên môn, chúng tôi có đầy đủ căn cứ khẳng định, trên địa bàn Hà Giang không một người dân trồng cam nào sử dụng thuốc bảo quản. Sản phẩm cam sau khi thu hoạch trên cây đều được các tư thương chở đi tiêu thụ, không hộ làm vườn nào xây kho, tích trữ, sử dụng thuốc bảo quản cam. Con đường đi của Cam sành từ khi hái khỏi cây đến tay người tiêu dùng rất ngắn nên quả cam luôn tươi, ngon, hương thơm, vị đượm, múi mọng nước... rất được ưa chuộng.
Một trong nhiều mô hình trồng cam VietGap của bà con thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang). Ảnh: Lê Lâm |
P/v: Ông đánh giá như thế nào về nhận thức của người dân đối với vấn đề xây dựng, bảo vệ và nâng cao giá trị thương hiệu Cam sành Hà Giang?
Đ/c Nguyễn Đức Vinh: Những năm đầu thế kỷ XXI, Cam sành Hà Giang gặp rất nhiều lận đận, giá bán thấp, tiền thu về không đủ chi phí sản xuất, nhiều nhà vườn bỏ không chăm sóc khiến diện tích cam giảm. Nhưng mấy năm gần đây, người trồng cam luôn vui mừng vì cam vừa được mùa, được cả giá, giá bán năm sau thường cao hơn năm trước, đầu vụ giá từ 10-15 nghìn đồng/kg và tăng lên 25-30 nghìn đồng/kg vào cuối vụ. Giá trị kinh tế thu được từ Cam sành rất lớn nên tỉnh có nhiều chính sách, định hướng và giải pháp phát triển theo hướng sạch từ vùng nguyên liệu, đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng chỉ dẫn địa lý, xuất xứ nguồn gốc sản phẩm Cam sành Hà Giang. Còn về phía người dân, Cam sành đã thực sự trở thành cây mũi nhọn, giúp bà con có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên làm giàu. Sau mỗi vụ thu hoạch, trên các vùng đất trồng Cam sành lại xuất hiện thêm nhiều triệu phú, tỷ phú. Từ đó, người dân luôn có ý thức trồng, chăm sóc, bảo vệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) tạo ra những quả Cam sành ngon hơn, mẫu mã đẹp hơn. Nhằm bảo vệ sản phẩm, bảo vệ thành quả lao động, người dân vùng trồng cam đã thực hiện nói không với thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, thuốc cấm, thuốc nguy hại và cương quyết không sử dụng thuốc bảo quản.
P/v: Chính quyền vùng cam và ngành chức năng đã vào cuộc, có biện pháp gì để bảo vệ sản phẩm Cam sành?
Đ/c Nguyễn Đức Vinh: Tại các huyện vùng trồng Cam sành như Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên đều thành lập Hiệp hội Cam sành nhằm quy tụ các hộ dân trồng cam vào hoạt động. Vào hội, họ cùng chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, thông tin về thị trường và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ngoài việc trồng cam, nhiều hộ gia đình còn mua xe tải, trực tiếp chở cam của gia đình và hội viên đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối nên không bị tư thương ép giá, không sợ cảnh cam chín rộ không có người mua. Những hộ trồng cam sinh hoạt tại Hiệp hội đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, bón phân, phun thuốc... hộ nào vi phạm đều bị tẩy chay và báo với chính quyền có biện pháp xử lý. Trong thời gian vừa qua ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra tại các vườn cam, điểm bán cam trên địa bàn tỉnh, nên không có hiện tượng người dân sử dụng thuốc bảo quản cam.
P/v: Đến thời điểm hiện tại, tuy đã hết vụ cam, nhưng trên thực tế một số vườn vẫn còn Cam sành, ông lý giải như thế nào về hiện tượng này?
Đ/c Nguyễn Đức Vinh: Tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 5.709 ha cam, quýt, trong đó 1.600 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt trên 13.550 tấn, diện tích trồng tập trung chủ yếu ở Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình. Thời vụ thu hoạch Cam sành bắt đầu từ tháng 10 âm lịch cho đến tháng Giêng năm sau. Tuy nhiên, do áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nhiều nhà vườn điều chỉnh thời gian ra hoa, đậu quả, đẩy lùi thời gian chín quả để giá bán cao hơn. Chính vì vậy, đến thời điểm hiện tại đã hết mùa cam, nhưng trên thực tế vẫn có vườn còn Cam sành, nhưng diện tích và sản lượng không nhiều, giá bán giao động từ 40-50 nghìn đồng/kg. Những vườn cam hiếm này, quả cắt đến đâu, bán hết đến đấy, không đáp ứng đủ nhu cầu nên không có chuyện người dân dùng thuốc bảo quản cam. Theo kinh nghiệm dân gian, việc các cửa hàng bọc cam trong túi nilon không phải ủ thuốc như một số người lầm tưởng, làm như vậy nhằm hạn chế sự thoát hơi nước trên bề mặt vỏ cam, quả cam không bị héo, không hao trọng lượng và vẫn đảm bảo chất lượng.
P/v: Trân trọng cảm ơn ông!
Thiên Thanh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc