Hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển KT-XH của đất nước
BHG - Sáng 29.4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ KH-ĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) năm 2016. Hội nghị có chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển KT-XH của đất nước”. Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố, doanh nghiệp…
Chuẩn bị cho hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển KT-XH của đất nước”, VCCI đã tổng hợp hàng ngàn ý kiến của DN với nhiều nhóm vấn đề liên quan đến Luật DN, Luật Đầu tư và thủ tục kinh doanh; thuế - phí - hải quan; tiếp cận các nguồn lực vốn, đất đai; thanh tra - kiểm tra; khoa học công nghệ; lao động - việc làm… Trong đó, ba vấn đề bức xúc nhất được các doanh nghiệp trông đợi Chính phủ quyết liệt “ba giảm” gồm giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý; giảm gánh nặng chi phí tăng lên; giảm thanh tra, kiểm tra - sách nhiễu - phiền hà DN để “giải phóng” những khó khăn, hạn chế đang kìm hãm DN tăng tốc, phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cùng lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang. |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Trong 30 năm qua, nước ta có bước tiến bộ nhiều mặt, trong đó phát triển được đội ngũ DN, doanh nhân như ngày nay. Thành công của công cuộc đổi mới có sự đóng góp quan trọng của DN, doanh nhân ở mọi thành phần kinh tế. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều rào cản, nhiều trở lực cần tháo gỡ để DN phát triển tốt hơn, nhanh hơn. Vì vậy, Chính phủ tổ chức cuộc gặp để lắng nghe, trực tiếp tháo gỡ, cùng các DN xây dựng đất nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ và cơ quan hành pháp, cơ quan chức năng bảo vệ quyền tài sản và các quyền khác của DN, nhân dân, đặc biệt tạo điều kiện cho DN phát triển và hội nhập, không chỉ phát triển trong nước mà có nhiều DN xuất khẩu ra nước ngoài. Thủ tướng cũng lưu ý các DN phải tìm cách phát triển, hài hòa lợi ích với cộng đồng, bảo vệ môi trường. Kết quả của hội nghị phải tạo ra một niềm tin cho DN, niềm tin của xã hội vào hệ thống cơ quan Nhà nước, tạo ra được niềm tin thị trường mới, niềm tin vào chế độ tốt đẹp để mọi người hăng hái lao động tốt hơn, hội nhập quốc tế vững vàng hơn.
Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 1.646 DN hoạt động theo luật, tổng vốn đăng ký gần 30 nghìn tỷ đồng, trong đó có 268 chi nhánh, văn phòng đại diện. Các DN đóng vai trò quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, XĐGN, tăng thu ngân sách Nhà nước, góp phần ổn định chính trị - xã hội. Thời gian qua, tỉnh triển khai tương đối hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhất là giải quyết nợ xấu, tạo điều kiện cho các DN chuyển đổi ngành nghề; đồng thời có những cơ chế phù hợp như ưu đãi về sử dụng đất đai, tiền thuế đất, hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, ưu đãi thuế thu nhập DN, thực hiện miễn giảm, giãn các loại thuế. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố, Hội DN chủ động làm việc, tiếp nhận, tổng hợp ý kiến đề xuất, kiến nghị của DN liên quan đến những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; góp ý của DN về chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển của tỉnh đã và đang triển khai…
Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển KT-XH của đất nước” là diễn đàn quan trọng để Chính phủ lắng nghe ý kiến của cộng đồng DN hiến kế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng, thúc đẩy phát triển các DN, ngày càng đóng góp lớn hơn vào phát triển đất nước.
THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc