Các nhà máy thuỷ điện phát huy tốt vai trò điều tiết nước phục vụ sản xuất
BHG- Trong vòng 5 năm, từ 2010 - 2015, trên địa bàn tỉnh có 13 dự án thuỷ điện hoàn thành, nâng tổng số các nhà máy phát điện lên 24, tổng công suất đạt trên 407 MW, sản lượng điện phát ra đạt 1.410 triệu KWh. Các nhà máy thuỷ điện đã phát huy tốt vai trò tích trữ, đảm bảo nguồn nước sản xuất điện, đồng thời điều tiết nước phục vụ canh tác và sinh hoạt của nhân dân.
Sau hơn 3 năm hoạt động, Nhà máy Thuỷ điện Sông Miện 5 thực hiện tốt vai trò sản xuất điện và điều tiết nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Ảnh: TƯ LIỆU |
Nâng cao chất lượng quy hoạch
Ngay từ những năm đầu thế kỷ XXI, tỉnh ta đã nghiên cứu, quy hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ, nhằm tận dụng nguồn nước từ hệ thống sông, suối chạy qua địa bàn tỉnh. Quá trình nghiên cứu, quy hoạch đã chỉ rõ, hệ thống sông, suối chảy qua địa bàn tỉnh với mật độ dày đặc, độ dốc lớn, lưu lượng nước phong phú..., có tiềm năng phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ. Từ năm 2005 đến nay, tỉnh ta đưa vào danh sách quy hoạch 72 dự án, tổng công suất lắp máy gần 769 MW.
Tại Quyết định số 216/QĐ-UBND ngày 19.5.2005 của UBND tỉnh và các quyết định bổ sung, có 26 dự án với tổng công suất lắp máy gần 475 MW được quy hoạch. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng phê duyệt thủy điện trên sông Gâm thuộc địa phận tỉnh, công suất 45 MW. Năm 2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2737/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ giai đoạn 2 với 34 dự án, tổng công suất lắp máy 80 MW. Đến năm 2009, UBND tỉnh tiếp tục quy hoạch 9 thủy điện trên sông Lô, sông Chảy, tổng công suất lắp máy gần 155 MW. Và năm 2011, có thêm 2 dự án thuỷ điện gồm Sông Miện 5A và Sông Miện 6 bổ sung vào quy hoạch.
Năm 2013, sau khi rà soát các thủy điện trên địa bàn cả nước, Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ kết quả quy hoạch xây dựng, vận hành các dự án thủy điện. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 27 dự án thuỷ điện thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ bị loại khỏi quy hoạch. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, quy hoạch hệ thống thuỷ điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đã hoàn thiện, thống nhất và đang phát huy hiệu quả với 46 dự án, tổng công suất lắp máy gần 775 MW. Đặc biệt, việc quy hoạch hệ thống thuỷ điện bậc thang, khép kín trên sông Miện, sông Lô... được đánh giá có vai trò quan trọng trong sử dụng hiệu quả nguồn nước, tạo ra giá trị lớn trong sản xuất công nghiệp.
Qua theo dõi cho thấy, công tác quy hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đạt chất lượng cao, các nhà đầu tư đang tích cực triển khai dự án theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Hiện nay, đã có nhiều dự án lớn trong quy hoạch, hoàn thành quá trình đầu tư, phát điện lên lưới Quốc gia như Nhà máy Thuỷ điện Nho Quế 3, Thái An, Sông Chừng, Sông Bạc... mỗi năm đóng góp hàng tỷ KWh cho hệ thống điện Quốc gia, đóng góp nhiều tỷ đồng cho ngân sách địa phương, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động với mức thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, một loạt các dự án mới được khởi công như thuỷ điện Sông Lô 2, 4, 6, Thuỷ điện Tùng Bá, Sông Miện 6 cũng đang hứa hẹn mở ra nhiều triển vọng cho lĩnh vực công nghiệp thế mạnh của tỉnh.
Phát huy tốt chức năng điều tiết nước
Xác định rõ tiềm năng, thế mạnh, tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên, khuyến khích đầu tư nên chỉ trong vòng 5 năm, từ 2010-2015 đã có 13 dự án thuỷ điện hoàn thành, nâng tổng số các nhà máy phát điện lên 24, tổng công suất đạt trên 407 MW, sản lượng điện phát ra đạt 1.410 triệu KWh... đã đưa tỉnh ta trở thành một trong số ít địa phương khu vực miền núi phía Bắc xuất khẩu điện năng. Ngoài việc cung ứng sản lượng điện ổn định lên hệ thống lưới quốc gia, các nhà máy thuỷ điện còn thực hiện tốt vai trò điều tiết nguồn nước, phục vụ hữu hiệu sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Thời gian vừa qua, tác động của hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, chăn nuôi của nhiều địa phương trên cả nước. Nhưng qua khảo sát, tại những khu vực có dự án thuỷ điện, chủ đầu tư đã phối hợp tốt với chính quyền cơ sở, điều tiết nguồn nước hợp lý nên góp phần cung cấp hiệu quả nguồn nước tưới, giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất. Nhà máy Thuỷ điện Sông Bạc được xây dựng trên địa bàn xã Tân Trịnh (Quang Bình) có công suất lắp máy 42 MW, hồ chứa nước với diện tích trên 30 ha, dung tích 3.282 m3, sản lượng điện trung bình hàng năm khoảng 166 triệu KWh. Từ năm 2015, khi hai tổ máy đều phát điện, đã làm tốt vai trò cắt lũ, điều tiết nước cho các địa phương vùng hạ du.
Cách đó không xa, Nhà máy Thuỷ điện Sông Chừng được xây dựng trên địa bàn huyện Quang Bình, cũng tạo ra vùng lòng hồ rộng trên 225 ha, trải dài 15 km trên địa phận xã Tân Bắc, Tân Nam, có giá trị rất lớn và phù hợp phát triển nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản, trồng rừng, du lịch sinh thái. Nhà máy Thủy điện Sông Chừng có công suất 19,5 MW, do Công ty TNHH Sơn Lâm làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng từ tháng 4.2008, tổng vốn xây lắp trên 500 tỷ đồng. Đây là thủy điện có đập tràn tự do, nên trong 5 năm vận hành, vào mùa mưa lũ, công trình cũng như vùng hạ du nhà máy rất an toàn, đã hoàn toàn cắt lũ và điều tiết được lượng nước khi có các đợt lũ lớn ở vùng thượng lưu hồ chứa. Đồng bào vùng hạ du thủy điện Sông Chừng khẳng định: Khi chưa có nhà máy, nhiều diện tích đất nông nghiệp chỉ canh tác một vụ, do không chủ động được nước tưới hoặc bị ngập úng vào mùa mưa lũ. Nhưng khi nhà máy ngăn đập, nguồn nước được điều tiết hợp lý, giúp hàng chục ha đất canh tác chuyển từ sản xuất một vụ bấp bênh, sang hai vụ ăn chắc.
Được xây dựng trên địa bàn xã Thuận Hoà, huyện Vị Xuyên, Nhà máy Thuỷ điện Sông Miện 5, do Công ty Cổ phần Thuỷ điện Sông Miện 5 triển khai đã nhận được sự đồng thuận của người dân nơi đây. Trên địa bàn xã Thuận Hòa, trước đây nhiều diện tích đất canh tác chỉ sản xuất được một vụ, nhờ có sự điều tiết nước hợp lý của Nhà máy Thủy điện Sông Miện 5 nên đã sản xuất được 2 vụ chính, năng suất cao hơn, đời sống người dân khấm khá hơn. Qua 3 năm vận hành, Nhà máy Thủy điện Sông Miện 5 đã phát dẫn lên lưới điện Quốc gia hơn 300 triệu KWh, tạo gần 100 việc làm cho người lao động, trong đó có 30% con em địa phương. Nhà máy Thủy điện Sông Miện 5 được triển khai đã biến những bãi lau, sậy mọc trên sỏi đá ven sông vào mùa khô, biến dòng nước cuồn cuộn đục ngầu vào mùa mưa thành một dải hồ thanh bình, xanh mát, và nó phát huy tốt vai trò cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân, vừa góp phần quan trọng cắt lũ, chậm lũ phía hạ du...
Với điều kiện đặc thù, hệ thống sông, suối chảy qua địa bàn tỉnh đều có độ dốc lớn và hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước từ bên ngoài tỉnh. Khi các nhà máy thuỷ điện được xây dựng, ngăn đập, đã tạo ra vùng lòng hồ rộng lớn, vừa tận dụng nguồn nước sản xuất điện, vừa có vai trò quan trọng trong điều tiết nước, phục vụ sản xuất, chăn nuôi và sinh hoạt của người dân.
Thiên Thanh
Ý kiến bạn đọc