Tăng thu nhập từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
BHG- Đối với Mậu Duệ, một địa phương còn nhiều khó khăn, trình độ và sự phát triển kinh tế của người dân là không đồng đều; để hoàn thành xây dựng NTM, có lẽ trong 19 tiêu chí NTM, thì tiêu chí về thu nhập là tiêu chí khó thực hiện nhất. Thế nhưng đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 18,45 triệu đồng/người/năm, đạt chuẩn tiêu chí NTM của một địa phương vùng III theo quy định. Để đạt được kết quả này, những năm qua, xã Mậu Duệ đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hình thành các mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế, thu nhập cao cho người dân.
Năm 2011, theo báo cáo rà soát của xã Mậu Duệ khi đó, mức thu nhập bình quân đầu người của người dân chỉ đạt 5,2 triệu đồng/người/năm. Nhận thấy để đạt được từ 18 triệu đồng/người/năm trở lên - theo chuẩn tiêu chí về thu nhập trong tiêu chí NTM sẽ là một thách thức lớn đối với xã. Bởi theo anh Lã Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Mậu Duệ, cho biết: Mậu Duệ là xã vùng III, xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo khi đó chiếm trên 25% số hộ dân toàn xã. Tỷ lệ hộ cận nghèo cao. Hộ khá, giàu ít; giao thông, giao thương khó khăn, phần lớn các tuyến đường liên xã, liên thôn chưa được nhựa hoá và cứng hoá. Hơn một nửa số thôn có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt, khó khăn như thiếu đất, nước sản xuất lúa... Bên cạnh đó, nhận thức sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập trong nhân dân còn thấp. Chủ yếu bằng lòng với cuộc sống của mình cho nên để có thể đạt được mức thu nhập bình quân theo tiêu chí là rất khó.
Được sự hỗ trợ của xã, gia đình chị Lý Thị Tuyên, thôn Cốc Cai có điều kiện phát triển chăn nuôi lợn. Trong ảnh: Chị Tuyên chăm sóc đàn lợn của gia đình. |
Từ xác định rõ những khó khăn như vậy, tập thể lãnh đạo, cán bộ xã Mậu Duệ đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với huyện trong việc tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng các mô hình trên địa bàn xã. Đồng thời xã cũng chủ động thử nghiệm các mô hình mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các mô hình phát triển chăn nuôi mới để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập. Trong đó có một số mô hình nổi bật đã đạt được những kết quả cao, góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã để đạt yêu cầu tiêu chí thu nhập trong các tiêu chí NTM. Cụ thể:
Mậu Duệ đã thành công trong thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi các giống lúa thuần, lúa lai trong vụ Xuân sang giống lúa chất lượng cao Japonica ĐS1 đã giúp nâng cao năng suất, sản lượng lúa của xã. Với sự thích nghi, phù hợp điều kiện thời tiết, khí hậu của vụ Xuân; từ 5 ha thí điểm ban đầu trong vụ Xuân năm 2013, cho đến nay, gần như 100% diện tích lúa vụ Xuân, người dân xã Mậu Duệ đều gieo trồng giống lúa này. Năng suất bình quân những năm qua đạt từ 65 – 67 tạ/ha (đã khô), hơn bình quân các loại lúa khác gần 10 tạ/ha. Năng suất, sản lượng lúa tăng đáng kể, giá trị kinh tế thu được cũng khá cao bởi giống lúa này có giá thành cao, khoảng 10.000 đồng/kg thóc, 20.000 đồng/kg gạo. Hơn nữa, từ việc chuyển đổi thành công giống lúa này, đã dần thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ thâm canh của ngưới dân trong sản xuất. Thay đổi được tập quán canh tác, sản xuất cũ, mạnh dạn sử dụng các loại lúa chất lượng cao vào gieo trồng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa...
Đối với các loại vật nuôi, xã đã thực hiện nhiều phương án, đề án hỗ trợ chăn nuôi theo chương trình đầu tư tái thu hồi của tỉnh, huyện. Theo đó, hiện xã Mậu Duệ có 4 trang trại chăn nuôi lợn tập trung của hộ với quy mô từ 50 – 60 con, mỗi năm có lãi trên dưới 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, xã có 51 hộ ở 4 thôn: Nà Bưa, Cốc Cai, Nà Ngoa, Nà Đon được hỗ trợ đầu tư tái thu hồi 30% vốn để thực hiện mô hình nuôi lợn nái sinh sản. Dù chương trình này mới thực hiện trong gần 1 năm nay, nhưng các đầu lợn hỗ trợ các gia đình đã sinh sản ít nhất 1 lứa và các gia đình đã có thu nhập hàng chục triệu đồng từ tiền bán lợn giống... Chị Lý Thị Tuyên, thôn Nà Bưa cho biết: Được sự vận động, hỗ trợ kinh phí của xã, gia đình tôi có động lực phát triển chăn nuôi lợn theo hướng khép kín. Trung bình mỗi năm cũng xuất bán 3 – 4 tấn lợn thịt, trừ chi phí đi cũng có lãi khoảng hơn 100 triệu đồng.
Đó chỉ là một trong những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi điển hình của xã Mậu Duệ trong những năm qua. Từ những mô hình kinh tế hiệu quả như vậy, cùng với hoạt động của các Tổ hợp tác sản xuất nông, lâm nghiệp cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất, tăng thu nhập cho người dân. Đến cuối năm 2015 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 18,45 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 3 lần so với năm 2011 – đạt yêu cầu tiêu chí NTM.
Bài, ảnh: Lương Hà
Ý kiến bạn đọc