Quản Bạ, "bước chân" nông nghiệp sẽ đi bằng "3 cây, 3 con"
(Xuân 2016) - Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Quản Bạ lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2015-2020) đã định hướng phát triển kinh tế của huyện là phát huy sức mạnh đoàn kết, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tập trung chủ yếu vào phát triển 3 cây (dược liệu, ngô lai, hồng không hạt) và 3 con (bò, dê, ngựa).
Lãnh đạo huyện kiểm tra mô hình trồng dược liệu tại xã Quyết Tiến. |
Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện, Phạm Ngọc Pha, cho biết: “Thực hiện đề án phát triển cây dược liệu của tỉnh, những năm gần đây huyện Quản Bạ đã tập trung lãnh, chỉ đạo chương trình phát triển cây dược liệu như: Thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc phát triển dược liệu trên địa bàn huyện, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Dù còn nhiều thách thức song huyện đã có giải pháp tháo gỡ từng bước, đồng hành với bà con như: Có chính sách hỗ trợ từ 10 – 15 triệu đồng/ha tùy từng loại cây dược liệu; hỗ trợ các HTX xây dựng dây chuyền sơ chế dược liệu. Phấn đấu sản xuất dược liệu của Quản Bạ sẽ trở thành vùng lõi của tỉnh”. Trong năm 2015, đã có 4 doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển dược liệu và 5 HTX tham gia trồng, sản xuất dược liệu cùng với nhân dân các xã. Nâng diện tích dược liệu trồng mới đạt 500 ha, gồm các loại: Hương Thảo, Thảo quả, Ấu tẩu, Đương quy... Bên cạnh đó, nhờ các cơ chế hỗ trợ sản xuất của huyện, tổng diện tích gieo trồng đạt 16.000 ha; tổng sản lượng lương thực là 30.671 tấn; bình quân lương thực đầu người là 610 kg/người/năm. Đặc biệt, diện tích ngô đạt 6.069 ha, tăng 58,2 ha so với năm trước; diện tích Hồng không hạt là 50 ha, năng suất 60 tạ/ha.
Mô hình chăn nuôi dê ở xã Cao Mã Pờ. |
Về phát triển đàn gia súc của huyện từ đầu nhiệm kỳ đến nay cơ bản đạt tốc độ tăng trưởng từ 5,5 – 6%/năm. Có được thành quả đó, huyện đã ban hành Chương trình số 04-CTr/HU năm 2011 “Về phát triển đàn đại gia súc giai đoạn 2011 – 2015”. Theo đó, các cơ chế hỗ trợ phát triển đàn đại gia súc như: Hỗ trợ trồng cỏ; hỗ trợ lãi suất cho các hộ có nhu cầu vay vốn phát triển chăn nuôi; hỗ trợ kinh phí cho nhân dân thực hiện thụ tinh nhân tạo bò; hỗ trợ chăn nuôi theo hướng hàng hóa... được triển khai rộng rãi đến nhân dân. Đặc biệt, chương trình đầu tư chăn nuôi lợn có thu hồi gắn với xây bể biogas; đầu tư có thu hồi ở các xã Quản Bạ, Thanh Vân, Quyết Tiến, Đông Hà... trở thành nguồn lực giúp nhiều gia đình thoát nghèo, trở thành hộ khá giả. Đến nay, tổng đàn trâu, bò đạt 18.880 con; đàn ngựa có 605 con; đàn dê có 3.147 con.
Đề cập đến giải pháp trong năm 2016, Phó Chủ tịch UBND huyện, Lệnh Thế Hội, cho biết: “Định hướng phát triển kinh tế của huyện là phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Trong đó, sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả đề án phát triển cây dược liệu, duy trì hoạt động của mô hình các HTX dược liệu. Phấn đấu giá trị sản phẩm thu hoạch/1ha đất cây trồng hàng năm đạt 39 triệu đồng; duy trì tổng sản lượng lương thực hàng năm đạt 29.000 tấn. Đối với chăn nuôi gia súc, phấn đấu tốc độ tăng trưởng đàn trâu, bò hàng năm đạt 2,5%, đàn dê 8%, đàn ngựa 5%, đàn ong 5%, đàn lợn 10% trở lên... để chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng trên 29% trong ngành nông nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh việc tiếp nhận và chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Tiếp tục thực hiện việc thụ tinh nhân tạo cho đàn bò và dự án lai tạo, bảo tồn đàn ngựa trên địa bàn; bảo tồn các loại dược liệu quý hiếm”.
LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc