Hiện thực hóa ước mơ thành vùng trọng điểm Quốc gia về dược liệu

08:45, 20/01/2016

BHG- Sở hữu hơn 7 nghìn ha dược liệu; 4 doanh nghiệp đã đầu tư trồng, chế biến dược liệu; 1 nhà đầu tư được tỉnh đồng ý cho lập dự án phát triển nông nghiệp bền vững từ cây dược liệu (DL)... điều này, khẳng định chủ trương phát triển dược liệu của tỉnh đang phát huy hiệu quả. Kết quả trên cũng mở ra nhiều hy vọng khi con đường trở thành vùng trọng điểm Quốc gia về DL đang được rút ngắn.

Viện Y học bản địa Việt Nam, có trụ sở tại phường Tích Lương (thành phố Thái Nguyên) vừa được UBND tỉnh đồng ý chủ trương, cho lập Dự án Phát triển nông thôn bền vững vùng Tả Phìn Hồ từ cây DL bản địa và xây dựng nhà máy chế biến tại Cụm công nghiệp km38 Nậm Ty (Hoàng Su Phì). Cuối tháng 10.2015, Viện Y học bản địa mới có cuộc tiếp xúc ngắn với lãnh đạo tỉnh, sau khi nghe trình bày ý tưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đã hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ. Bác sỹ Hoàng Sầm, Viện trưởng Viện Y học bản địa - người con của mảnh đất Hoàng Su Phì, sau nhiều năm lập nghiệp, gây dựng thương hiệu nay quyết định đầu tư về quê hương. Sinh ra, lớn lên ở Hoàng Su Phì nên Bác sỹ Hoàng Sầm rất hiểu điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất này phù hợp với các loài dược liệu. Trước khi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh, người của Viện đã âm thầm nghiên cứu, sưu tầm, nhân rộng các loài DL tại vùng Tả Hồ Phiên, bước đầu có những thành công.

Trồng dược liệu mang lại nguồn thu ổn định cho người dân Quyết Tiến (Quản Bạ).
Trồng dược liệu mang lại nguồn thu ổn định cho người dân Quyết Tiến (Quản Bạ).

Theo Bác sỹ Hoàng Sầm, Viện Y học bản địa Việt Nam là một tổ chức khoa học, nghiên cứu chuyên sâu về dược lý lâm sàng từ thảo dược và các phương pháp chữa bệnh từ kho tri thức Y học bản địa Việt Nam. Sau khi nghiên cứu các chính sách khuyến khích đầu tư, chủ trương phát triển DL của tỉnh, Viện đã đề xuất ý tưởng phát triển nông thôn bền vững vùng Tả Phìn Hồ từ cây DL bản địa. Mục tiêu tạo ra vùng có quần thể thực vật mang tính đặc thù, có thương hiệu sản phẩm hàng hóa DL đặc trưng, vùng du lich sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe độc đáo, khác biệt. Nhiệm vụ phát triển kinh tế được Viện xác định gắn chặt với môi trường và các hoạt động văn hóa - xã hội; tạo việc làm, tăng thu nhập bền vững cho người dân bản địa thông qua mũi nhọn cây DL; phát triển nghề thủ công mỹ nghệ từ lâm sản ngoài gỗ; bảo tồn văn hóa bản địa, xây dựng và phát triển nhà trẻ, trung tâm chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược bản địa. Ý tưởng này có tính khả thi cao, phù hợp năng lực, thực tiễn vùng dự án, nhu cầu thị trường và định hướng phát triển của tỉnh...

Trước đó, cũng đã có các nhà đầu tư đến tìm hiểu, liên doanh, liên kết, phát triển DL trên địa bàn tỉnh như: Công ty Cổ phần Thương mại phát triển nông - lâm nghiệp Bình Minh 3 (Công ty Bình Minh 3), Công ty TNHH Dược khoa, Công ty Cổ phần Nam Dược, Công ty Cổ phần dược Y tế và thương mại Bảo Châu (Công ty Bảo Châu). Trong đó, Dự án Phát triển DL gắn với XĐGN tại 6 huyện 30a và huyện Bắc Quang do Công ty Bình Minh 3 thực hiện đang phát huy hiệu quả tích cực. Sau một thời gian hoạt động, Công ty Bình Minh 3 đã phát triển, bảo tồn và di thực trên 100 loại giống cây ở các tiểu khí hậu từ độ cao 700-2.200m với nhiều thảo dược quý hiếm. Thực hiện chức năng chuyên môn hóa ở từng khâu của quy trình sản xuất, Công ty Bình Minh 3 đã thành lập các HTX trực thuộc, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Công ty Bình Minh 3 đã sở hữu hơn 60 ha DL có giá trị kinh tế cao như Actiso, Măng tây, Xuyên khung, Thiên niên kiện. Bên cạnh đó, Công ty Bình Minh 3 còn trồng thử nghiệm các loại giống dược liệu di thực có nguồn gốc từ Ấn Độ, Nhật Bản như Hoàng cầm, Hoàng kỳ, Phòng phong, Hồng hoa, Mộc hương, Hoài sơn.

Công ty Bảo Châu cũng chính thức gia nhập thị phần DL trên địa bàn tỉnh thông qua Dự án Nhà máy sản xuất nước ép hoa quả, sơ chế dược liệu và mỹ phẩm thảo dược, Phòng khám y học cổ truyền được đầu tư, xây dựng trên diện tích trên 1,5 ha tại tổ 12, thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên) với tổng vốn đầu tư 99 tỷ đồng. Dự án đã được khởi công xây dựng với các hạng mục như Nhà máy sản xuất nước ép hoa quả, mỹ phẩm, sơ chế dược liệu và Phòng khám y học cổ truyền... Công ty Bảo Châu hoạt động trên lĩnh vực thu mua, kiếm hái, trao đổi, xuất, nhập khẩu DL, bào chế dược liệu, khai thác DL, kinh doanh thuốc đông dược, tân dược, nam dược; khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp. Công ty Bảo Châu được thành lập năm 2007, có trụ sở chính tại thị xã Lai Châu (Lai Châu), đến năm 2009 đã đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng, sản xuất nước giải khát đạt tiêu chuẩn GMT và Nhà máy sản xuất rượu tại thị xã Lai Châu. Năm 2012, Công ty Bảo Châu đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất đồ uống và mỹ phẩm thảo dược Hoa Đào Bảo Châu tại km 13 Đại lộ Thăng Long (Hà Nội).

Sự tham gia của các nhà đầu tư trong lĩnh vực trồng, chế biến DL đã khẳng định chủ trương phát triển cây DL của tỉnh hoàn toàn phù hợp, có tính thực tiễn rất cao. Số liệu điều tra, khảo sát của cơ quan chức năng xác định, tỉnh ta có gần 1.565 loài DL, thuộc 824 chi, 202 họ và 6 ngành, 51 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam; 97 loài cây thuốc nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia, nhiều loại quý hiếm như Bát giác liên, Hoa tiên, Giảo cổ lam, Hoàng tinh cách, Thạch hộc, Ngân đằng, Râu hùm, Thiên lý hương, Thông tre lá dài. Trong số 300 loài DL nhập khẩu và 40 loài nhập khẩu nhiều nhất vào Việt Nam đều trồng, có chất lượng tốt tại Hà Giang. Kết quả điều tra thổ nhưỡng cũng xác định, tỉnh ta có 9 nhóm đất đều rất thích hợp cho canh tác nông nghiệp, đặc biệt cây DL. Từ thực tế đó, tỉnh đã sớm có chủ trương, định hướng trở thành vùng trọng điểm Quốc gia về DL và đã được Ban Bí thư T.Ư Đảng đồng ý. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sản lượng DL tươi của tỉnh đạt trên 40 nghìn tấn và tăng lên trên 58 nghìn tấn vào năm 2025, lợi nhuận đạt trên 2 nghìn tỷ đồng.

Nhằm hiện thực hóa ước mơ, rút ngắn khoảng cách trên con đường trở thành vùng trọng điểm Quốc gia về DL, tỉnh đã rà soát được trên 112 nghìn ha đất có khả năng hợp tác trồng DL. Đồng thời đang tích cực phối hợp các bộ, ngành T.Ư hoàn thiện Dự án Phát triển cây DL gắn với XĐGN, xây dựng Nông thôn mới tại 6 huyện 30a trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hợp tác với Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam nghiên cứu, xác định thành phần hóa học một số loài DL, đã thực hiện được 9 mẫu và tổ chức công bố kết quả phân tích.

Kết quả trên là cơ sở quan trọng, niềm tin vững chắc về một tương lai thoát nghèo bền vững cho người nông dân từ cây DL.

TH.THANH - PH.ANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khuyến công Hà Giang nâng cao chất lượng hàng nông sản chủ lực của tỉnh

BHG- Năm 2015, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến công thương tỉnh (KC-XTCT) đã chủ động, tích cực trong công tác tham mưu và thực hiện tốt nhiệm vụ chức năng của mình trên các lĩnh vực: KC-XTCT, tiết kiệm năng lượng; sản xuất sạch hơn và tư vấn đầu tư phát triển. 

19/01/2016
Công ty Điện lực Hà Giang triển khai nhiệm vụ năm 2016

BHG- Ngày 18.1, Công ty Điện lực Hà Giang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác sản xuất, kinh doanh năm 2015, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2016. Dự hội nghị có lãnh đạo Sở Công thương, đại diện Điện lực các huyện, thành phố...

19/01/2016
Công ty Xăng dầu Hà Giang tổng kết công tác năm 2015

BHG- Ngày 16.1, Công ty Xăng dầu Hà Giang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và Hội nghị người lao động năm 2016. Tới dự có  đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

18/01/2016
Triển khai nhiệm vụ kinh doanh và Hội nghị đại biểu người lao động năm 2016

BHG- Sáng 16.1, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh Hà Giang (Agribank) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2016. Dự hội nghị có lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Giang và đại diện Chi nhánh Agribank các huyện, thành phố. 

18/01/2016