Dự án PRPP trao "cần câu" cho dân nghèo

08:02, 14/01/2016

BHG - Thôn Nà Ke cách trung tâm xã Nậm Ban (Mèo Vạc) khoảng 8 km đường đồi núi. Nơi đây phần lớn là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, cuộc sống quanh năm nơi đá, khí hậu khắc nghiệt nên phần đông các hộ dân vẫn nằm trong diện đói nghèo. Thấu hiểu khó khăn của người dân, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ nhằm cải thiện đời sống. Nhưng một phần do cách thức triển khai, một phần do các dự án chỉ trao “con cá”, ăn xong là hết chứ chưa chú trọng trao cái “cần câu”, trao cách thức tiếp cận, trao phương pháp để người dân biết cách xóa nghèo nên kết quả chưa được như mong muốn.

Khi Dự án Hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2011-2020 và Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) về GNBV giai đoạn 2012-2015 (PRPP) triển khai, Nậm Ban là một trong những xã trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng. Với phương thức tiếp cận trao “cần câu” để dân nghèo chủ động “câu cá” nên đã có nhiều hộ dân từng bước vươn lên thoát nghèo. Chuyện của gia đình anh Sùng Mí Sì thôn Nà Ke là một điển hình vươn lên thoát nghèo và cũng là minh chứng sinh động, khẳng định hiệu quả, tính nhân văn sâu sắc của Dự án PRPP. Nhiều năm trước, người dân trong bản nằm bên triền núi vẫn biết gia đình anh Sì có 3 thế hệ sinh sống, nhà đông người, nhưng đất đai canh tác ít nên quanh năm vất vả, may mắn lắm cũng chỉ đủ cái ăn và luôn đứng trong tốp nghèo nhất thôn. Tuy nhiên, cái nghèo dù bám dễ nhiều năm, nhưng nó cũng buộc phải “dứt áo ra đi”, nhường chỗ cho một cuộc sống no ấm hiện hữu dưới mái nhà bên sườn núi.

Tháng 12.2014, anh Sùng Mí Sì cùng với các hộ trên địa bàn xã được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do Dự án PRPP tổ chức. Sau khóa đào tạo, gia đình anh là 1 trong 6 hộ được lựa chọn thực hiện mô hình trình diễn chăn nuôi dê luân chuyển. Với số tiền 8,3 triệu đồng hỗ trợ của dự án, anh mua 5 con dê sinh sản và vận dụng kiến thức được tập huấn chăm sóc đàn dê.

Từ 5 con ban đầu, sau 5 tháng gia đình anh có thêm 2 con dê con, nhận thấy dê là loài dễ nuôi, ít bệnh, sinh sản nhanh; anh góp tiền mua thêm 4 con dê cái sinh sản, nâng tổng đàn lên 11 con. Ngoài chăn nuôi dê, anh còn vận dụng kinh nghiệm, kiến thức được học, áp dụng đối với các loại vật nuôi khác và cũng từng bước khẳng định tính hiệu quả. Nếu như năm 2014, gia đình anh chỉ có 4 con bò, nhưng khi có kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi; nắm được kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh, anh đã mạnh dạn mở rộng tổng đàn lên 8 con. Đàn gia súc sinh trưởng, phát triển tốt, đã từng bước đưa gia đình anh thoát nghèo một cách bền vững và trở thành tấm gương nỗ lực vượt khó, không cam chịu đói nghèo để người dân trong thôn, xã học tập.

Còn tại thôn Hạ, xã Thèn Chu Phìn (Hoàng Su Phì), nhiều gia đình cũng đang nỗ lực vươn lên thoát nghèo từ những đồng vốn hỗ trợ của nhóm vay tiết kiệm thôn bản. Nhóm vay tiết kiệm thôn Hạ được thành lập với số vốn ban đầu 100 triệu đồng do Dự án PRPP hỗ trợ, đến nay, đã có 70 hội viên tham gia. Qua hơn một năm hoạt động, Nhóm vay tiết kiệm thôn Hạ đã giải ngân cho các hộ nghèo, cận nghèo mua gia súc, phân bón, giống cây trồng. Từ đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế đã được xây dựng, đem lại hiệu quả, nhiều hộ chưa hết hạn vay đã trả xong cả vốn, lãi để chuyển cho các hộ khác có nhu cầu được vay.

Đây chỉ là hai trong số nhiều hoạt động Dự án PRPP triển khai trên địa bàn xã Nậm Ban và Thèn Chu Phìn phát huy hiệu quả tích cực. Sau hơn 2 năm hoạt động, PRPP đã thành lập được 6 Nhóm vay vốn tiết kiệm thôn, bản, tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, hướng dẫn ủ phân hữu cơ cho các hộ dân, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ thông qua xây dựng mô hình như nuôi chim bồ câu, nuôi dê... nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông ở thôn, bản, hỗ trợ thành lập các tổ quản lý, vận hành và bảo dưỡng công trình sau đầu tư.

Dự án PRPP bắt đầu triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2014 với sự tài trợ của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và Chính phủ Ai Len. Qua thời gian ngắn hoạt động, dự án đã triển khai hàng loạt các phần việc nhằm hỗ trợ kỹ thuật Chương trình MTQG GNBV, vận hành hiệu quả nội dung: Hỗ trợ rà soát, sắp xếp, lồng ghép chính sách giảm nghèo vào kế hoạch và chính sách thường xuyên của các bộ, ngành; hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG GNBV áp dụng những phương thức, cách tiếp cận mới; hỗ trợ theo dõi nghèo đa chiều, đối thoại chính sách. Các hoạt động đều gắn kết với sự tham gia của người dân, đơn vị liên quan ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện; phương pháp tiếp cận, hỗ trợ giảm nghèo dựa trên quyền của người thụ hưởng; tập huấn nâng cao năng lực về lập kế hoạch theo phương pháp có sự tham gia và lập từ dưới lên; đào tạo, tập huấn đội ngũ giảng viên nguồn về công tác giảm nghèo, có kế hoạch sử dụng sau đào tạo.

Các nội dung được triển khai luôn gắn với quá trình theo dõi, hỗ trợ thử nghiệm mô hình sau đào tạo, tập huấn; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đúc kết các bài học kinh nghiệm để giới thiệu, nhân rộng tại cộng đồng dân cư vùng dự án và trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ưu tiên những hoạt động hướng tới việc phân cấp, trao quyền cho cơ sở và người dân, có thử nghiệm những sáng kiến mới để rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư, đặc biệt mô hình đầu tư có thu hồi để duy trì nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo, nâng cao trách nhiệm của đối tượng hưởng lợi. Các mô hình hỗ trợ được triển khai thực hiện trên nguyên tắc trao quyền cho cộng đồng quyết định từ lập kế hoạch, triển khai thực hiện, giám sát đánh giá.

Cách thức triển khai của Dự án PRPP thực hiện đúng phương châm trao “cần câu” để dân nghèo chủ động câu “con cá” và được đánh giá hiệu quả trong việc giúp người dân xóa nghèo bền vững.

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngành Ngân hàng đáp ứng nhu cầu tiền mặt phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán

BHG - Để đảm bảo cho người dân thuận lợi trong việc rút tiền qua các cây ATM, phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Cổ truyền của dân tộc, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Hà Giang chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng Thương mại (NHTM) trên địa bàn thực hiện tốt việc bảo đảm lượng tiền mặt trên các cây ATM, đồng thời nâng cao chất lượng các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân.

14/01/2016
Khó khăn vùng nguyên liệu chế biến gỗ ván ép

BHG - Chế biến gỗ ván ép ở Hà Giang đang hình thành với quy mô sản xuất công nghiệp. Thị trường tiềm năng này đã mở ra cơ hội làm giàu cho người trồng rừng ở tỉnh ta. Thế nhưng, việc hình thành chuỗi liên kết cung cấp gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ đang gặp không ít khó khăn do thiếu vùng nguyên liệu.

13/01/2016
Bát Đại Sơn nỗ lực xây dựng Nông thôn mới

BHG - Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" trong xây dựng Nông thôn mới (XDNTM), người dân ở xã Bát Đại Sơn, một xã vùng biên còn nhiều khó khăn của huyện Quản Bạ (trong khi đang chờ đợi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước về làm đường) đã chủ động góp tiền, góp sức vào làm đường dân sinh, phục vụ cho đời sống của chính mình.

13/01/2016
Xóa đói, giảm nghèo ở Thu Tà còn lắm gian truân

BHG - Sản phẩm nông nghiệp chỉ có 1 vụ/năm, lúa, ngô làm ra khó tiêu thụ, giá thành thấp; đường giao thông đến xã vất vả ...  Do vậy mà công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở xã Thu Tà (Xín Mần) còn lắm những gian truân.

 

13/01/2016