Đến với chợ phiên vùng biên Bạch Đích

07:41, 07/01/2016

BHG- Trong chuyến công tác cuối năm lên Yên Minh và Mèo Vạc, dưới tiết trời mưa phùn, se lạnh những ngày Đông, đoàn chúng tôi có dịp ghé thăm phiên chợ vùng biên Bạch Đích – chợ Mốc 358 (huyện Yên Minh) để cảm nhận không khí mua bán rộn ràng, nhộn nhịp của đồng bào nơi đây.

Người dân mua bán hàng hóa tại chợ Mốc 358.
Người dân mua bán hàng hóa tại chợ Mốc 358.

Từ thành phố Hà Giang, dọc theo đường Quốc lộ 4C từ Quản Bạ - Yên Minh; đi hơn 70 km, đến địa phận xã Na Khê và cách thị trấn Yên Minh chừng 20 km thì rẽ trái (có biển chỉ dẫn) đi khoảng 20 cây số nữa là đến xã Bạch Đích. Bạch Đích là xã biên giới với 6 thôn bản giáp ranh Trung Quốc, tổng chiều dài đường biên hơn 7 km. Xã có một nét riêng, độc đáo, không nơi nào tại đây có được là có đến 3 phiên chợ trong một tháng, gồm: chợ Bản Muồng, chợ Mốc 358 và chợ trung tâm xã. Các chợ đều họp theo phiên vào ngày Thân và ngày Dần hằng tháng (tính theo Âm lịch).

 Nói đến chợ Mốc 358 hay còn gọi là chợ Mốc 9, đây vừa là chợ phiên, lại vừa là chợ cửa khẩu; nằm ngay bên chân mốc, đi thêm chục bước chân là chạm tới barier Cửa khẩu Bạch Đích. Chợ họp theo phiên, nếu không đúng phiên, cửa khẩu dù vẫn hoạt động bình thường nhưng khu chợ vắng bóng kẻ mua, người bán. Chủ tịch UBND xã Bạch Đích, Trần Văn Thắng cho biết: Chợ Mốc 358 được thành lập từ năm 2007, là nơi giao lưu buôn bán và mua sắm hàng hóa giữa nhân dân địa phương với người dân phía bên kia biên giới. Chợ họp từ khoảng 6 giờ đến tầm 12 – 13 giờ trưa, các quầy hàng nằm dọc 2 phía biên giới, cách đường biên chừng 10m. Trung bình mỗi phiên chợ thu hút khoảng 600 – 700 lượt người (trong đó có khoảng 30% là người Trung Quốc). Để đảm bảo duy trì an ninh trật tự, lực lượng Ban Quản lý chợ (gồm 7 người) thường xuyên phối hợp với Trạm kiểm soát Biên phòng Bạch Đích tăng cường tuần tra, kiểm soát mỗi dịp chợ phiên. Đồng thời, ban quản lý chợ cũng duy trì công tác dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ sau mỗi phiên chợ để đảm bảo cảnh quan môi trường.

Từ sáng sớm, các ngả đường dẫn vào chợ nườm nượp xe thồ, xe chở hàng, xe máy các loại. Việc mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ diễn ra ngày càng sôi động hơn, số lượng hộ kinh doanh tại chợ mỗi phiên khoảng trên 100 hộ với hơn 30 quầy hàng chính (các quầy hàng được xây dựng trong khuôn viên chợ) và nhiều quầy hàng do người dân tự mở bày bán. Hàng hóa tại đây rất đa dạng, phong phú từ hàng ăn, quần áo giầy dép, vật dụng gia đình, hàng điện tử, bánh kẹo, thực phẩm nông thổ sản cho đến máy móc công cụ sản xuất nông nghiệp, máy xay xát, phân bón, cây giống, con giống... được chia riêng thành từng khu. Các tiểu thương buôn bán nhiều năm liền tại chợ Mốc 358 cho hay, hàng hóa được người dân giữa Việt Nam và Trung Quốc trao đổi nhiều nhất là con giống, vật tư nông nghiệp. Bà con ra chợ chủ yếu là người Mông, Nùng, Tày tại các thôn bản của xã và đông đảo du khách, tiểu thương ở các xã lân cận, các huyện xung quanh đến mua bán trao đổi hàng hóa hay đơn giản chỉ là đi chơi chợ, ngắm chợ, gặp gỡ bạn bè.

Nét độc đáo nữa của chợ phiên Mốc 358 là có 2 loại tiền đồng thời cùng được lưu hành là tiền Việt Nam đồng và tiền Nhân dân tệ Trung Quốc. Dù nhiều người chưa hiểu hết ngôn ngữ của nhau, nhưng ai cũng có thể mua hàng hóa mình cần, vì chỉ cần ra dấu hiệu là muốn mua mặt hàng thì ngay lập tức người bán sẽ giơ ngón tay để ra giá của sản phẩm. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng bắt gặp một vài người cầm xấp tiền khá dày trên tay (trong đó có cả Việt Nam đồng và Nhân dân tệ Trung Quốc), sẵn sàng cung cấp dịch vụ đổi tiền cho người dân tại chợ nếu có nhu cầu. Bà Lù Thị Lèng (43 tuổi) ở thôn Nà Sàng 2, xã Bạch Đích chia sẻ: “Dù nhà cách chợ Mốc 9 mấy cây số nhưng dịp chợ phiên nào tôi cũng đi. Có lúc mua dầu, muối, mua chục con gà, con vịt giống; cũng có lúc chỉ đến để ngắm chợ, gặp bạn bè cho vui rồi lại về”.

Có thể thấy, chợ vùng biên Bạch Đích không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu, tụ họp của người dân địa phương, du khách thập phương với người dân phía bên kia biên giới. Chính quyền xã Bạch Đích cho biết, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục quy hoạch, đầu tư mở rộng diện tích chợ, hệ thống nước phục vụ hàng ăn uống, để hoàn thiện hệ thống chợ, thúc đẩy giao thương địa phương phát triển hơn nữa.

Yến Vũ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

P.S ảnh: Xuân về mát lành vùng chè Hà Giang

BHG - Là vùng chè nổi tiếng với sản phẩm chè Hà Giang được cả nước biết tới. Những năm qua, để phát huy lợi thế của một vùng chè truyền thống, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương đẩy mạnh phát triển cây chè, trong đó chú trọng sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP. Việc áp dụng quy trình sản xuất VietGAP không chỉ góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè mà còn góp phần xây dựng thương hiệu chè Hà Giang vươn xa ra thị trường thế giới. 

31/12/2015
Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính -NSNN năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016

BHG- Ngày 30.12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2015, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN  năm 2016. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các cơ quan tài chính của tỉnh.

31/12/2015
Hội nghị tổng kết công tác Quản lý thị trường năm 2015

BHG- Ngày 30.12, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai công tác năm 2016.

31/12/2015
Công ty TNHH Thống Nhất: Gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật thuế

BHG- Những năm gần đây, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức; sản xuất kinh doanh (SXKD) phục hồi chậm, sức mua của thị trường thấp, kéo theo đó hoạt động SXKD của các doanh nghiệp (DN) cũng gặp rất nhiều khó khăn, đã có không ít DN phải tuyên bố phá sản. 

30/12/2015