Bát Đại Sơn nỗ lực xây dựng Nông thôn mới
BHG - Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng Nông thôn mới (XDNTM), người dân ở xã Bát Đại Sơn, một xã vùng biên còn nhiều khó khăn của huyện Quản Bạ (trong khi đang chờ đợi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước về làm đường) đã chủ động góp tiền, góp sức vào làm đường dân sinh, phục vụ cho đời sống của chính mình.
Vượt qua quãng đường đèo hơn 4 km gập ghềnh, từ UBND xã đến thôn Na Quang của xã Bát Đại Sơn, được Bí thư Chi bộ thôn Tẩn Seo Hàm nhiệt tình dẫn đi xem đoạn đường bê-tông dài 326m mới được hoàn thành trong năm 2015 và công trình mở đường đang được người dân trong thôn thực hiện. Anh Hàm phấn khởi cho biết: “Sau khi được xã tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình XDNTM, Nhà nước cho vật liệu, người dân góp sức lao động; chúng tôi đã vận động nhân dân góp công sức làm xong tuyến đường bê - tông dài 326m với 260 ngày công và 645m đường bê -tông làm từ năm trước”.
Người dân thôn Na Quang, xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ) thuê máy xúc làm đường . |
Thấy sự thuận tiện của đường bê tông, người dân mong ước có thêm những đoạn đường sạch, đẹp như trên. Xuất phát từ mong muốn đó, vào năm 2015, khi 72 hộ ở thôn được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, bà con đã tự thống nhất quyên góp toàn bộ số tiền 80 triệu đồng để thuê máy xúc về làm đường. Ông Ly Seo Giáo, ở thôn Na Quang, bộc bạch: “Nhà tôi cũng góp số tiền hơn 1 triệu đồng vào làm đường ở thôn. Trước kia mình muốn mua bao xi măng về làm chuồng bò, xây bể nước đường xa lại khó đi quá. Đường vừa nhỏ gập ghềnh toàn đá, trời nắng đã khó đi mà trời mưa lầy lội thì nhiều người còn bị ngã nữa. Vì vậy giá trị và công sức bỏ ra để tu sửa, xây dựng hay buôn bán cái gì cũng đều cao cả. Nên khi mọi người nêu ý tưởng thì tôi ủng hộ luôn để có đường đi lại cho dễ”. Dù điều kiện của các gia đình ở đây còn nhiều khó khăn nhưng đã mạnh dạn góp tiền làm đường để phát triển kinh tế, thuận tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Sự đóng góp trên là rất quý báu, nhất là khi nguồn ngân sách về XDNTM cấp cho xã còn ít, chưa tập trung xây dựng được các cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của người dân. Anh Hàm, Bí thư Chi bộ thôn, cho biết thêm: “Sau khi có ý kiến của người dân, chúng tôi đã báo lên xã và tổ chức họp thôn, thống nhất dùng tiền dịch vụ môi trường rừng thuê máy xúc về làm đường. Có 25 hộ đã hiến đất để mở rộng và làm mới 4 tuyến đường dân sinh với chiều dài 2,5 km, sau gần 1 tháng thì mở xong đường.”.
Bí thư Đảng ủy xã Bát Đại Sơn, Viên Trung Đông, cho biết: “Thực hiện XDNTM, Ban chỉ đạo của xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia. Kết quả, trong năm 2015 đã hoàn thành 02 tuyến đường bê- tông nông thôn tại thôn Na Quang với chiều dài 326m và thôn Mố Lùng dài 1.177m. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên nhân dân đã đồng tình hiến đất làm đường tại thôn Mố Lùng là 120 m2 và thôn Na Quang 9.050m2 đất”. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên cũng tham gia tu sửa đường giao thông thôn Cốc Méo, Na Cạn và Lao Chải được 4 km. Mở mới đường giao thông tại thôn Thào Chư Phìn rộng 1,2m, dài 300m, san lấp mặt bằng tuyến đường thôn Mố Lùng và Na Quang với trên 500 ngày công. Ngoài ra, trong khi đợi nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước, xã đã tổ chức cho người dân đăng ký thực hiện phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp” được 46 hộ gồm: thôn Na Quang là 32 hộ và Mố Lùng là 14 hộ. Sau một thời gian thực hiện, 31 hộ đã có bếp đun nấu sạch sẽ, 22 hộ có bể chứa nước, 20 hộ có nhà tắm, 18 hộ có nhà tiêu, 43 hộ rời chuồng trại ra xa nhà. Người dân đang dần thay đổi thói quen, ăn ở hợp vệ sinh hơn.
Trong khi nguồn đầu tư của Nhà nước có hạn, người dân ở xã Bát Đại Sơn đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số đã có ý thức về việc làm đường là điều đáng ghi nhận, việc làm tốt đẹp này cần tiếp tục phát huy trong XDNTM ở mỗi địa phương trong tỉnh.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc