Tăng cường quản lý công trình cấp nước sinh hoạt tập trung
BHG- Năm 2014, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 96/KH-UBND về củng cố, tăng cường quản lý, vận hành, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt (NSH) sau đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2015. Thực hiện kế hoạch này, Trung tâm NSH và Vệ sinh môi trường nông thôn (Trung tâm) được Sở NN-PTNT giao thực hiện nhiệm vụ: Rà soát, kiện toàn các tổ quản lý công trình cấp NSH sau đầu tư; triển khai Thông tư 54/BTC của Bộ Tài chính. Sau một năm triển khai, đến nay, 11 huyện, thành phố đã hoàn thành rà soát, củng cố, kiện toàn mới 668 tổ quản lý công trình cấp NSH theo đúng chỉ đạo của tỉnh.
Bên cạnh việc rà soát, công tác tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cũng được Trung tâm đặc biệt coi trọng, triển khai thường xuyên. Ngay trong năm 2014, Trung tâm đã phối hợp với phòng chức năng các huyện Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và Bắc Mê, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 337 tổ với 674 người trực tiếp quản lý vận hành công trình; năm 2015, tập huấn 4 lớp tại huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, thành phố Hà Giang cho gần 400 học viên. Sau khi được tập huấn kỹ thuật, các tổ quản lý công trình bước đầu hoạt động có hiệu quả, đã thu được tiền sử dụng nước từ các hộ dùng. Cụ thể, trên địa bàn huyện Xín Mần, công trình cấp NSH xã Khuôn Lùng thu 3 nghìn đồng/m3, xã Chế Là thu 2 nghìn đồng/m3, công trình cấp NSH trung tâm xã Chí Cà thu 1 nghìn đồng/m3. Còn tại huyện Bắc Quang, công trình cấp nước sinh hoạt thôn Vĩnh Trà, Vĩnh Trùng xã Vĩnh Phúc thu 1 nghìn đồng/m3; công trình cấp NSH trung tâm xã Liên Hiệp và một số công trình khác thu khoán 15 nghìn đồng/tháng/hộ dùng nước. Một số công trình thu bằng hiện vật như ngô, lúa sau đó bán lấy tiền bổ sung vào Quỹ sửa chữa nhỏ... Việc thu tiền sử dụng nước đã mang lại lợi ích kép đó là vừa nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức sử dụng tiết kiệm nguồn nước của người dân, vừa có nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình sau đầu tư để nó thực sự phát huy hiệu quả.
Đối với việc thực hiện Thông tư 54/2013/TT-BTC quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, trên cơ sở tham mưu của Trung tâm, đến nay các huyện, thành phố đã có báo cáo kê khai lần đầu theo hướng dẫn. Theo kết quả kiểm kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 815 công trình cấp NSH, trong đó có 72 hồ chứa, hiện 412 công trình đã xác lập được chủ sở hữu. Trên cơ sở đó, Trung tâm đã tổng hợp số liệu báo cáo Sở NN-PTNT, chuyển hồ sơ kê khai lần đầu sang Sở Tài chính cập nhập vào phần mềm toàn quốc và rà soát chuẩn hóa cơ sở dữ liệu Quốc gia về công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Sở Tài chính đã cập nhập, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt phương án, bàn giao 350 công trình cấp nước tập trung cho các đơn vị quản lý. Đến nay, có 8/11 huyện hoàn thành bàn giao công trình có hồ sơ cho cấp xã quản lý đúng yêu cầu, các huyện còn lại gồm Vị Xuyên, Bắc Mê và thành phố Hà Giang dự kiến hoàn thành vào tháng 1.2016.
Tuy nhiên đến nay, vẫn còn trên 400 công trình chưa xác lập được chủ sở hữu. Theo ông Trần Xuân Dương, Phó Giám đốc Trung tâm NSH và Vệ sinh môi trường nông thôn, nguyên nhân chính do cơ chế quản lý trước đây của tỉnh giao quá nhiều đơn vị làm chủ đầu tư, khi bàn giao cho UBND xã quản lý lại không giao hồ sơ, đến lúc rà soát kê khai cấp cơ sở không nắm được cơ quan nào làm chủ đầu tư. Hơn nữa, công trình bàn giao đưa vào sử dụng quá lâu năm nên Ban quản lý các huyện không nắm được đơn vị nào làm chủ đầu tư. Đối với các công trình không xác định được chủ sở hữu, Trung tâm đã tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh ra quyết định thành lập tổ công tác liên ngành từ tỉnh đến huyện và lãnh đạo các xã kiểm tra, đánh giá, xác định giá trị công trình không có hồ sơ. Trên cơ sở đó, trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết cho phù hợp với mục tiêu tất cả các công trình đều phải xác lập được chủ sở hữu, nhằm gắn trách nhiệm quản lý, để phát huy hiệu quả.
Thiên Thanh
Ý kiến bạn đọc