Sản xuất nông nghiệp ở Xín Mần - một năm "vượt khó" thành công
BHG - Biến đổi khí hậu mấy năm gần đây đã buộc Xín Mần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm để tránh rủi ro, thiệt hại để vừa đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân, lại vừa đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho toàn xã hội.
Đổi mới phương pháp chỉ đạo.
Mỗi thôn bản “tự xây dựng” phương án sản xuất ngay tại thôn bản mình là nét nổi bật nhất trong sản xuất nông nghiệp ở Xín Mần năm 2015. Phương án sản xuất tại thôn phải nêu rõ việc trong thôn trồng cây gì, nuôi con gì, làm ở đâu, bao giờ làm và làm bao giờ xong? Ví dụ: Thôn Lùng Vai, xã Nàn Ma từ trước tới nay chưa gia đình nào cấy lúa Già Dui. Vậy mà vụ Mùa năm nay, cây lúa Già Dui vốn chỉ được cấy tại xã Thèn Phàng, vụ Mùa này được cấy tại xã Nàn Ma. Gia đình anh Giàng Chỉn Dìn cho biết, gia đình anh đã cấy 2 ha lúa Già Dui, năng suất đạt trên 45 tạ/ha. Sau thu hoạch, gia đình anh đã sát gạo ăn thử, cơm ngon không thua kém gạo Dui trồng ở xã Thèn Phàng. Bên cạnh đó, gia đình anh còn trồng 2 ha ngô lai, năng suất đạt tới 32 tạ/ha. Ngoài ra, anh còn trồng 1 ha cỏ, nuôi 14 con trâu, bò, trên 20 con dê và nuôi mỗi lứa trên 10 con lợn (nuôi 3 lứa/năm). Anh Dìn rãi bày, những năm trước kia, ai có cái gì làm cái ấy, mỗi nhà làm mỗi cách, dẫn đến kết quả may rủi khác nhau. Năm nay, họp thôn mọi nhà cùng nhau xây dựng cách làm ăn “5 cùng” (cấy cùng giống, bón cùng loại phân, làm cỏ cùng đợt, phòng diệt sâu bệnh cùng lứa và thu hoạch cùng nhau trên một cách đồng. Anh Dìn khẳng định: Tổ chức lại sản xuất ngay từ thôn bản đã mang lại cho đồng bào Lùng Vai vụ Mùa thắng lợi về mọi mặt. Lùng Vai đang giảm diện tích đất trồng cấy kém hiệu quả để chuyển sang trồng cỏ, nuôi bò, nuôi lợn cho giá trị kinh tế cao hơn.
Kiểm tra ngô Thu đông ở xã Tả Nhìu. |
Tại thôn Khâu Rom, xã Quảng Nguyên, đồng bào lại chọn phương án chăn nuôi gia súc và trồng lúa Nếp cái hoa vàng đặc sản. Anh Sin Văn Nghiêm giải thích: Thôn Khâu Rom nằm trong vùng đệm rừng đầu nguồn Đèo Gió. Tài nguyên nhiều nhất ở đây là rừng cây, là cỏ dại và nguồn nước. Vậy nên, đồng bào đầu tư nuôi trâu, lợn đen và nuôi cá ruộng. Gia đình anh Nghiêm đã nuôi tới 25 con trâu, trong đó anh cho bà con còn thiếu vốn nuôi giẽ 8 con. Thôn Khâu Rom hiện nay có rất nhiều gia đình mở rộng diện tích trồng cỏ, mua thêm trâu về nuôi và thu hẹp diện tích trồng cây lương thực. Lãnh đạo xã Quảng Nguyên khẳng định, chăn nuôi là thế mạnh đang được xã lựa chọn để nhân rộng tại các thôn: Quảng Hạ, Trung Thành, Cao Sơn...
Trao đổi về kinh nghiệm khắc phục khó khăn trong sản xuất nông nghiệp năm 2015, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, Bùi Minh Hiệu đánh giá: Cốt lõi để khắc phục thiệt hại vừa qua là UBND huyện đã kịp thời tổ chức lại sản xuất theo hướng giao quyền tự chủ cho cơ sở ngay từ thôn, bản. Trồng cây gì, nuôi con gì, nạo vét, tu sửa kênh mương ra sao, đâu là lợi thế, đâu là hạn chế... phải do người dân lo, thôn bản phải lo, phải chủ động xây dựng kế hoạch trước mùa vụ. Nhân dân trồng gì, nuôi gì, khó khăn ra sao, chỉ họ mới nắm rõ, chính quyền không thể nghĩ thay, làm thay dân được. Thông qua ý kiến người dân, chính quyền các cấp “gom” các ý tưởng mới, sáng kiến hay, rồi hỗ trợ kịp thời và tổ chức phân công các cấp, ngành gắn xã, gắn thôn, điều hành, thực thi. Anh Hiệu kết luận: Khi người dân đã chủ động làm thì chính họ sẽ “định lượng” được công việc rất nhanh, rất trúng và rất kịp thời. Người dân chủ động làm thì “chẳng có việc gì là không làm được và còn làm rất tốt”.
Kết quả sản xuất cả năm cho thấy: Tổng sản lượng lương thực đạt 38.152,5 tấn, đủ bù đắp lượng lương thực thiếu hụt vụ Xuân trên 3.100 tấn do hạn hán gây ra. Trồng mới 1.778 ha rừng, vượt 178 ha so kế hoạch giao. Trồng mới 450 ha cỏ, nâng diện tích trồng cỏ để chăn nuôi gia súc lên 1.826 ha. Và trồng 456 ha sắn làm thức ăn tinh dự trữ cho gia súc mùa đông. Ngoài ra, còn trồng được 550 ha Thảo quả, nâng tổng diện tích cây Thảo quả lên 2.542,5 ha, gắn với trồng, bảo vệ rừng.
Chăn nuôi có mức tăng trưởng vượt trội 13%/năm. Hiện tại, Xín Mần có tổng đàn gia súc đạt trên 126.000 con, chưa kể đàn gia cầm, sản lượng cá. Năm nay, lần đầu tiên Xín Mần áp dụng thụ tinh nhân tạo giống bò Lai Sin cho 125 con bò sinh sản và đã cho ra đời 17 con bê lai có thân hình to khỏe, được người dân đánh giá tốt. Hình thức thụ tinh nhân tạo sẽ được áp dụng mạnh trong chăn nuôi bò năm 2016 và các năm tiếp theo.
Hướng phát triển nông nghiệp năm 2016.
Đảm bảo “vừa đủ” diện tích trồng cây lương thực để giữ vững an sinh xã hội. Còn lại, phát triển trồng cỏ, đầu tư chăn nuôi chiếm trên 35% giá trị thu nhập trong sản xuất nông nghiệp từ năm 2016 – 2020. Giải pháp thực hiện sẽ là: Tiếp tục kiện toàn lại các Tổ sản xuất, Tổ hợp tác, Nhóm sở thích ngay tại thôn bản và giao quyền tự chủ cho nhân dân. Nhà nước sẽ hỗ trợ giống, vốn vay, tăng cường công tác thú y phòng, chống dịch bệnh đến tận thôn bản để nhân dân yên tâm sản xuất. Đồng thời, UBND huyện sẽ mở rộng cơ chế và kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vào liên kết chặt chẽ với nhân dân cùng đầu tư, cùng chia sẻ lợi ích.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc