Sản xuất chè VietGAP ở Vị Xuyên còn nhiều "nút thắt"

07:26, 23/12/2015

BHG- Từ bao đời nay, cây chè luôn gắn bó mật thiết với người nông dân và là nguồn thu nhập chính của nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Vị Xuyên. Để nâng cao giá trị kinh tế của cây chè đồng thời thúc đẩy ngành chè, phát triển bền vững, những năm qua, tỉnh ta có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và quảng bá thương hiệu sản phẩm chè. Trong đó, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đang được đẩy mạnh triển khai thực hiện. Năm 2014, huyện Vị Xuyên triển khai sản xuất chè VietGAP trên diện tích 200 ha; sau hơn 1 năm thực hiện, quy trình sản xuất này vẫn còn tồn tại nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ.

Người dân thị trấn Việt Lâm hái chè bằng máy trên diện tích chè VietGAP.
Người dân thị trấn Việt Lâm hái chè bằng máy trên diện tích chè VietGAP.

Chè VietGAP là sản phẩm chè an toàn, có quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động trong sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. Dù năng suất chè búp tươi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không cao hơn so với diện tích chè ngoài mô hình nhưng sản phẩm chè búp khô sẽ không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy, sản phẩm được đông đảo khách hàng ưa chuộng, đáp ứng cả những thị trường khó tính trong và ngoài nước.

Năm 2014, huyện Vị Xuyên thực hiện mô hình sản xuất chè VietGAP trên diện tích 200 ha với 5 tổ sản xuất, gồm 290 hộ dân tham gia tại thị trấn Việt Lâm. Để triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 60 về hỗ trợ áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất, chế biến chè của UBND tỉnh, huyện Vị Xuyên đã phối hợp với các ngành chuyên môn triển khai tập huấn, hướng dẫn người dân về quy trình sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng các loại phân bón cân đối, đảm bảo thời gian cách ly; đồng thời xây dựng các bể chứa phế thải thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo theo đúng hướng dẫn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm chè.

Thực tế, khi tham gia vào mô hình sản xuất chè VietGAP, người nông dân sẽ phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến chế biến, đó là: Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học; khi sử dụng các loại phân bón và chất phụ gia cần phải được chọn lọc để giảm thiểu các mối nguy cơ hóa học, sinh học cho sản phẩm; chất lượng nước tưới phải đảm bảo theo tiêu chuẩn; ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất, nhật ký về sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; sản phẩm chỉ được cấp giấy chứng nhận với sự kiểm tra, đánh giá thường xuyên của cơ quan chức năng... Khi tham gia mô hình, người dân sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật, một phần phân bón và kinh phí để cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, chương trình hỗ trợ chỉ kéo dài trong khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh đó, giá bán chè VietGAP không cao hơn nhiều, thậm chí có thời điểm chỉ tương đương với sản phẩm chè thông thường. Xuất phát từ giá bán chè VietGAP không cao hơn nhiều trong khi quy trình sản xuất lại phức tạp hơn so với sản phẩm chè thông thường nên nhiều hộ tuy đã đăng ký tham gia nhưng không mặn mà để duy trì.

Chị Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Vị Xuyên cho biết: “Sau hơn 1 năm áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất, chế biến chè trên địa bàn, cái được lớn nhất là đó là đã phần nào làm thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, bước đầu hiệu quả kinh tế mang lại chưa rõ nét, một số ít hộ dân vẫn chưa mặn mà với mô hình. Hơn nữa, do quy mô diện tích nhỏ, đầu tư về cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa có định hướng tiêu thụ sản phẩm rõ ràng nên việc triển khai mô hình trên địa bàn cũng gặp một số khó khăn nhất định...”.

Thực tế cho thấy, chính quyền địa phương cần tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng như: Giao thông, thủy lợi, hệ thống điện... Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chè không an toàn. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là việc thiếu “bà đỡ” cho sản phẩm chè VietGAP sau khi được công nhận. Bởi hiện nay, các tổ sản xuất chè VietGAP trên địa bàn thị trấn Việt Lâm vẫn chưa có định hướng tiêu thụ sản phẩm rõ ràng, việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu thông qua tư thương nên giá bán không ổn định, có thời điểm xuống rất thấp, chỉ khoảng 2.500 – 3.500 đồng/kg chè búp tươi.

Có thể khẳng định, việc phát triển các mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP là chủ trương đúng đắn của tỉnh, đem lại những lợi ích thiết thực về nhiều mặt. Tuy nhiên, qua thực tế hơn 1 năm triển khai cho thấy quá trình này đang gặp nhiều khó khăn và hiệu quả bước đầu chưa thực sự rõ nét. Để từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó thì cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan cũng như của chính những hộ dân sản xuất chè.

NG.PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tăng cường quản lý công trình cấp nước sinh hoạt tập trung

BHG- Năm 2014, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 96/KH-UBND về củng cố, tăng cường quản lý, vận hành, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt (NSH) sau đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2015.

23/12/2015
Công ty Điện lực Hà Giang tri ân khách hàng

BHG- Nằm trong chuối hoạt động Tháng "Tri ân khách hàng", ngày 21.12 Công ty Điện lực Hà Giang phối hợp với Điện lực thành phố Hà Giang tổ chức tri ân khách hàng là đối tượng chính sách tại 2 xã Minh Tân và Tùng Bá huyện Vị Xuyên.

22/12/2015
Khuyến Công Hà Giang những điểm nhấn ấn tượng

BHG- Năm 2015, ngành Công thương nói chung, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến công thương (KC – XTCT) nói riêng đã đạt được những kết quả ấn tượng trên các lĩnh vực. Các sản phẩm đặc trưng của Hà Giang được trưng bày tại Đại hội đồng liên Nghị viện Thế giới lần thứ 132 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình; 

22/12/2015
Hợp tác xã nông nghiệp – động lực kinh tế vùng nông thôn

BHG- Trong những năm gần đây, các Hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (NN) trên địa bàn toàn tỉnh có sự phát triển về số lượng và chất lượng. Điều này không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động mà còn góp phần ổn định, phát triển KT-XH, xoá đói, giảm nghèo khu vực NN, nông thôn của tỉnh.

22/12/2015