Quang Bình, tạo "lực đẩy" sản xuất, kinh doanh
BHG- Trong năm qua, cùng cả hệ thống Ngân hàng NN&PTNT phục vụ chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân; Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Quang Bình đã cùng với người dân tập trung phát triển kinh tế tạo ra “lực đẩy” trong sản xuất kinh doanh của hàng nghìn hộ trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Triệu Văn Hà, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Quang Bình cho biết: Năm 2015, mặc dù còn bị ảnh hưởng của nền kinh tế, song với sự đoàn kết, thống nhất của tập thể Ban Giám đốc, cùng với sự cố gắng nỗ lực của cán bô, CCVC; hoạt động kinh doanh của Chi nhánh đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Nguồn vốn đạt 80 tỷ đồng, đạt 105 kế hoạch năm; tổng dư nợ đạt 232 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 77 tỷ đồng; tỷ lệ tăng 49%, đạt 134% kế hoạch. Trong đó, dư nợ nông nghiệp, nông thôn chiếm cao nhất 90% tổng dư nợ; còn lại là dư nợ khác. Nguyên nhân của dư nợ trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao là do người dân chủ yếu vay vốn để sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế theo mô hình trang trại; đây là điểm đáng mừng với người dân trên địa bàn toàn huyện. Vì người dân vay vốn của ngân hàng sẽ ý thức được việc vay sử dụng vào mục đích gì và hiệu quả ra sao, từ đó sẽ có động lực để làm ăn lâu dài, bền vững.
Tiêu biểu trong việc vay vốn của ngân hàng làm ăn có hiệu quả như hộ anh Hoàng Văn Khuẩy, dân tộc Tày, thôn Nghè, xã Hương Sơn; anh cho biết: Gia đình tôi chuyển từ Nà Trì (Xín Mần) ra thôn Nghè từ năm 1993, tôi thấy vùng đất này rất phù hợp với trồng cây cam, vì thế tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng cộng với chút ít vốn liếng dành dụm được mua giống cam về trồng, sau vài năm cây cam đã cho thu hoạch, sau vụ cam đầu, tôi đã trả cả gốc và lãi cho ngân hàng; cứ như thế, hằng năm, tôi tiếp tục trồng mở rộng ra diện tích rừng xung quanh; đến nay, gia đình đã có 4 ha cam, hằng năm cho thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng. Riêng năm 2014, cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Hiện nay, toàn bộ diện tích cam của gia đình tôi đều làm theo tiêu chuẩn Vietgap. Năm 2014, gia đình đã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất cam theo tiêu chuẩn Vietgap. Ngoài diện tích cam hiện có, hiện nay, gia đình tôi có khoảng trên 8,6 ha diện tích vườn rừng; tới đây, tôi sẽ trồng khoảng trên 2 ha cây tràm, loại cây này cũng rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây, khả năng sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Anh cho biết thêm: Tổng thu nhập của gia đình từ cây cam, chăn nuôi trâu, bò mỗi năm khoảng trên 500 triệu đồng. Năm 2015 ước thu nhập từ cam khoảng 350 đến 400 triệu đồng.
Đến thăm anh Hoàng Đình Nghị, thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng, cũng là một trong những khách hàng của Ngân hàng NN&PTNT Quang Bình; đây là một mô hình kinh doanh rất hiệu quả. Anh Nghị cho biết: Tôi bắt đầu kinh doanh từ năm 2004, lúc đầu vốn thiếu, tôi đã mạnh dạn vay của Ngân hàng 500 triệu đồng để kinh doanh, bằng nguồn vốn đó tôi đã kinh doanh các loại mặt hàng nội thất, điện tử, điện lạnh, cung cấp giống cây trồng, giống ngô, lúa, thuốc bảo vệ thực vật... các mặt hàng này tôi đều cung cấp cho cả huyện, hoặc sang các huyện khác của tỉnh Yên Bái, nhất là các giống lúa, ngô, thuốc bảo vệ thực vật. Do kinh doanh có uy tín nên khách hàng của tôi rất đông, nhất là bà con trong khu vực xã Vĩ Thượng hoặc các xã khác xung quanh, họ mua giống, phân bón không có tiền, tôi đều cho chịu và đến lúc thu hoạch họ đều trả bằng lúa tính theo giá thời điểm... Mỗi năm tổng thu nhập của gia đình từ kinh doanh các mặt hàng này cũng vài tỷ đồng...
Ngoài những khách hàng tiêu biểu như trên, còn có rất nhiều những khách hàng khác vay vốn của Ngân hàng NN&PTNT Quang Bình để phát triển kinh tế với nhiều loại hình khác nhau, như ông Vũ Thanh Thủy, 56 tuổi, thôn Trung, xã Vĩ Thượng; năm 2014, ông đã mạnh dạn vay gần 400 triệu đồng của Ngân hàng để xây dựng xưởng chế biến nông, lâm sản với diện tích 150 m2, mua máy móc thiết bị như máy xay xát, máy đánh bóng, máy lọc và sàng tấm để phục vụ người dân trong vùng. Ông Thủy cho biết: Đây là xưởng chế biến có quy mô lớn trong địa bàn khu vực này, từ đầu năm 2015 đến nay, xưởng thường xuyên có khách hàng đến mua, bán, xay xát thóc, ngô vì thế hoạt động rất hiệu quả...
Để tiếp tục thực hiện tốt việc cho người dân vay vốn phát triển kinh tế, năm 2016, Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT của huyện có kế hoạch nâng mức nguồn vốn lên 85 tỷ đồng, dư nợ khoảng 262 tỷ đồng, tập trung vào nông nghiệp và PTNT để từng bước giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, làm giàu từ chính mảnh đất của mình...
Hiến Chương
Ý kiến bạn đọc