Nỗ lực thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp tốt
BHG- Sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn đã và đang là hướng đi quyết định đến sự phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Ngày 9.1.2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ đối với sản xuất, sơ chế các sản phẩm nông lâm thủy sản áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, xác định được tầm quan trọng của việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND, ngày 14.7.2012 về một số chính sách khuyến khích phát triển KT - XH trên địa bàn tỉnh Hà Giang, trong đó có chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông lâm nghiệm theo hướng áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, quyết định phê duyệt hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp như: Hỗ trợ phát triển vùng sản xuất chè áp dụng Quy trình VietGAP trên 1.500ha tại 4 huyện và chứng nhận 4 cơ sở áp dụng quy trình HACCP vào sản xuất chế biến chè trong các năm 2013 – 2015; phê duyệt dự án phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm cam, quýt tỉnh Hà Giang đến năm 2020; phê duyệt quy hoạch phát triển rau, hoa tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh rau, củ, quả an toàn...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến và lãnh đạo ngành Nông nghiệp thăm, kiểm tra một cơ sở chế biến chè tại huyện Bắc Quang. |
Đẩy mạnh quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện việc quy hoạch các vùng sản xuất. Trong đó, đối với sản xuất rau, tỉnh ta đã quy hoạch được 3 vùng sản xuất an toàn với quy mô 175 ha. Đối với cây cam, tỉnh ta đã quy hoạch vùng sản xuất cam sành tập trung tại 3 huyện (Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên) với quy mô đến năm 2015, diện tích đạt 5.000ha, trong đó: Mục tiêu của tỉnh đưa toàn bộ diện tích cam trong vùng áp dụng triệt để theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt vào sản xuất để nâng cao chất lượng, thương hiệu "Cam sành Hà Giang". Đối với cây chè, với mục tiêu phát triển sản xuất và tiêu thụ chè theo hướng an toàn, tập trung quy mô lớn, từng bước đưa cây chè thực sự trở thành cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch “58”, “60” về hỗ trợ áp dụng Quy trình VietGAP và HACCP vào sản xuất và chế biến chè, thực hiện trong giai đoạn 2013 – 2015, với quy mô: Diện tích vùng sản xuất chè áp dụng quy trình VietGAP trên 1.500 ha tập trung tại 4 huyện (Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình, Hoàng Su Phì) và hỗ trợ 3 - 4 cơ sở trong vùng áp dụng quy trình HACCP và chế biến chè.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 6 cơ sở sản xuất rau an toàn được cấp Giấy chứng nhận áp dụng Quy trình VietGAP với tổng diện tích là 17 ha; 6 cơ sở trồng cam được cấp chứng nhận áp dụng Quy trình VietGAP với tổng diện tích đã cấp chứng nhận là 170 ha; đối với chè, tổng diện tích vùng sản xuất đã được cấp chứng nhận VietGAP với diện tích là 1.581 ha. 1 cơ sở được cấp giấy chứng nhận áp dụng hệ thống HACCP trong chế biến chè. Hiện nay, tỉnh ta đang triển khai thực hiện các bước chứng nhận vùng sản xuất chè hữu cơ. Về chăn nuôi, tỉnh ta có 1 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP-CN cho cơ sở chăn nuôi quy mô công nghiệp.
Theo ngành NN&PTNT, thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tại huyện Yên Minh. Tập trung nguồn lực đầu tư, khuyến khích việc sản xuất rau, cam, chè và chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAP, có cơ chế bắt buộc áp dụng các quy trình sản xuất ATTP vào các mô hình, dự án đầu tư có sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước. Tỉnh sẽ tăng cường và triển khai có hiệu quả các chương trình quảng bá sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm ATTP và bảo hộ bản quyền để nâng cao giá trị sản phẩm, nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết sản phẩm an toàn, chất lượng, đảm bảo an toàn VSTP và sức khỏe cho người tiêu dùng. Tập trung phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung các loại cây trồng chủ lực áp dụng theo các quy trình kiểm soát chất lượng trong sản xuất, chế biên, tiêu thụ. Phấn đấu đến 2020, có 70% cơ sở chăn nuôi tập trung được cấp chứng nhận chăn nuôi theo quy trình VietGAP.
Bài, ảnh: Huy Ba
Ý kiến bạn đọc