Mùa cam Hương Sơn

10:41, 19/12/2015

BHG- Về xã Hương Sơn (Quang Bình) những ngày này, trải rộng khắp trên các sườn đồi là những vườn cam trĩu quả, đang nhuốm sắc vàng, sắp vào mùa thu hoạch. Cây cam được xác định là cây trồng mũi nhọn, chủ lực, đem lại nguồn thu nhập ổn định, giúp người dân Hương Sơn xóa đói giảm nghèo hiệu quả, tích cực vươn lên làm giàu.

Vườn cam sai trĩu quả của gia đình anh Lưu Thế Long (ngoài cùng bên phải) tại thôn Nghè, xã Hương Sơn sắp được thu hoạch.
Vườn cam sai trĩu quả của gia đình anh Lưu Thế Long (ngoài cùng bên phải) tại thôn Nghè, xã Hương Sơn sắp được thu hoạch.

Nổi tiếng là xã có diện tích đất trồng cam lớn của huyện, những năm gần đây, diện tích cam của xã Hương Sơn không ngừng tăng lên, hiện nay toàn xã có trên 540 ha (tăng 121 ha so với năm 2014). Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương thuận lợi, thích nghi với việc trồng cam, do vậy hầu hết các hộ dân trong xã đều tận dụng đất đai đầu tư vào trồng loại giống cây này. Tuy nhiên, người dân trồng và chăm sóc cây phần nhiều dựa vào kinh nghiệm, ít áp dụng KHKT vào sản xuất, nên năng suất, chất lượng của sản phẩm không cao, bình quân mỗi ha cam chỉ cho năng suất 55 – 60 tạ quả, giá thu mua tại vườn chưa đến 10 nghìn đồng/kg. Để thúc đẩy áp dụng KHKT vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng cây cam, thời gian qua, chính quyền xã Hương Sơn thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, mở các lớp kỹ thuật trồng cây có múi (cam, quýt), thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, xã đã triển khai thực hiện mô hình “Tổ sản xuất cam VietGAP” với 12 hộ tham gia, tổng diện tích 12 ha (trung bình mỗi hộ tham gia có khoảng 1 ha diện tích cam).

Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, anh Phan Văn Canh cho biết: “Với sự đồng tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn bản, từ tuyên truyền, vận động ban đầu đến việc hướng dẫn thực hiện, mô hình Tổ trồng cam VietGAP đã và đang  phát huy hiệu quả tích cực, tổng giá trị sản phẩm cao gấp 1,5 lần so với khi chưa áp dụng trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP”. Chỉ khoảng hơn tuần nữa những vườn cam tại xã Hương Sơn sẽ vào vụ thu hoạch chính, theo dự báo của nhà vườn, năm nay cam được mùa, quả mọng đẹp, đồng đều. Thị trường thời điểm cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, hiện tại cam đầu vụ (bán sớm) đang bán bình quân từ 10 – 15 nghìn đồng/kg, quýt khoảng 10 nghìn đồng/kg (tại vườn). 

Theo chân cán bộ nông nghiệp xã, chúng tôi đến thăm vườn cam nhà anh Lưu Thế Long tại thôn Nghè, một trong những gia đình có nguồn thu nhập cao, vươn lên làm giàu nhờ trồng cam. Được biết, gia đình anh trồng cam từ cuối những năm 90. Từ 300 gốc cam ban đầu, đến nay vườn cam của anh Long có trên 2.000 gốc, trong đó ½ diện tích đăng ký thực hiện theo quy trình VietGAP. Ngoài ra, gia đình anh còn trồng thêm hơn 2 ha rừng keo. Để đảm bảo vườn cam, đồi keo được chăm sóc tốt, anh Long thuê 2 – 3 lao động thường xuyên, với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng. Vào vụ thu hoạch cam, số lượng lao động tăng lên gấp ba, gấp bốn lần. Với giá bán đổ tại vườn khoảng từ 10 – 12 nghìn đồng/kg (lúc cao nhất lên tới 20 nghìn đồng/kg), mỗi năm gia đình anh Long thu lãi được khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, anh cũng chiết, ghép cây cam đạt tiêu chuẩn, vừa mở rộng diện tích vừa để cung cấp cây giống có chất lượng cho thị trường.

Rời nhà anh Long, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Lưu Tiến Khang ở thôn Nghè, cũng là một hộ tích cực trồng cam trên địa bàn xã. Hiện nay, gia đình ông Khang có khoảng 1.500 gốc cam, trong đó có 600 gốc mới trồng được 2 năm. Ông Khang cho hay, ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật của địa phương và đi thực tế các mô hình trồng cam ở nhiều nơi (Bắc Quang, Hàm Yên – Tuyên Quang). Tham gia Tổ cam VietGAP của xã, thực hiện chăm sóc cây cam theo quy trình VietGAP, vườn cam của gia đình ông phát triển tốt, ít bị sâu bệnh và đảm bảo an toàn, ước tính năng suất đạt từ 12 – 15 tấn/ha, tăng cao hơn so với các vụ trước. Trung bình mỗi vụ cam, gia đình ông Khang  thu về được gần trăm triệu đồng.

Hiện nay xã Hương Sơn có 541,5 ha cam, trong đó có khoảng trên 400 ha đang cho thu hoạch. Hiện tại giá bán thương lái chào mua cam tại vườn vào khoảng 8 – 9 nghìn đồng/kg, dự báo thị trường cam năm nay rất khả quan. Với việc nhân rộng quy trình sản xuất cam VietGAP, áp dụng KHKT vào chăm sóc cam, vụ cam Hương Sơn năm nay hứa hẹn sẽ là “mùa vàng” bội thu.

YẾN VŨ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xã Đồng Yên phát huy hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã

BHG - Đồng Yên là xã vùng thấp của huyện Bắc Quang, có tổng diện tích đất tự nhiên 4.042 ha. Xã có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi hàng hóa. Những năm gần đây, mô hình kinh tế tập thể -  hợp tác xã (HTX) tại Đồng Yên đang được đánh giá là một trong những động lực để nâng cao trình độ sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần đắc lực vào xây dựng Nông thôn mới (NTM) tại địa phương.

19/12/2015
Đồng Văn thực hiện nhiều biện pháp giảm nghèo

BHG - Thực hiện Kế hoạch số 36 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh, thời gian qua huyện Đồng Văn đã luôn chú trọng tới công tác XĐGN, góp phần quan trọng trong phát triển KT – XH tại địa phương.

19/12/2015
Xây dựng Nông thôn mới ở xã Yên Phong còn nhiều khó khăn, thách thức

BHG - Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (XDNTM), diện mạo nông thôn xã Yên Phong (Bắc Mê) đã có nhiều đổi thay. Đến nay, xã đã hoàn thành 13/19 tiêu chí NTM và phấn đấu trở thành xã NTM vào năm 2018. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần tập trung tháo gỡ.

19/12/2015
Lễ công bố xã Ngọc Đường đạt chuẩn Nông nông thôn mới

BHG- Tối 18.12, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) thành phố Hà Giang tổ chức Lễ công bố xã Ngọc Đường (TPHG) đạt chuẩn NTM. 

19/12/2015