Hội thảo đánh giá sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè 2010 – 2015 và đề xuất phân vùng nguyên liệu 2016 – 2020
BHG- Chiều 23.12, UBND tỉnh phối hợp với Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) tổ chức Hội thảo đánh giá sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè 2010 – 2015 và đề xuất phân vùng nguyên liệu 2016 – 2020. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Bộ NN&PTNT, Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), Tổ chức Helveetas, các chuyên gia khoa học; đại diện các tỉnh Lai Châu, Lào Cai; các sở, ngành của tỉnh; các doanh nghiệp, HTX và đại diện hộ trồng chè trong tỉnh…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến phát biểu khai mạc Hội thảo |
Khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh: Sức cạnh tranh của sản phẩm chè Hà Giang so với thị trường chưa cao, giá trị kinh tế thấp, chưa có những sản phẩm nổi tiếng, đời sống người dân trồng chè còn bấp bênh và chưa thực sự làm giàu từ cây chè. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn tại hội thảo này các đại biểu sẽ tập trung chia sẻ, dành tâm huyết đóng góp ý kiến cho ngành chè Hà Giang phát triển hiệu quả, bền vững để người dân vùng chè có thể sống và làm giàu từ cây chè, hình thành chuỗi liên kết phát triển giá trị cây chè Hà Giang.
Hiện tại, tỉnh ta có diện tích chè lớn thứ 3 cả nước, toàn tỉnh có hơn 20 nghìn ha chè (năm 2014) chủ yếu là chè Shan tuyết. Trong đó, hơn 16 nghìn ha chè đang cho thu hoạch tập trung chủ yếu ở 5 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Năng suất chè bình quân đạt 38,5 tạ/ha năm 2014, tăng 9,2 tạ/ha so với năm 2010. Giá thu mua cho người dân (hái bằng tay) từ 12 nghìn – 14 nghìn/kg (chè 1 tôm 2 lá), 6 nghìn – 7 nghìn/kg (chè 1 tôm 3 lá và 4 lá). Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có 2 Công ty Cổ phần, 7 Công ty TNHH, Xí nghiệp, 29 HTX, Xưởng chế biến và trên 400 cơ sở chế biến quy mô hộ, gia đình. Được đánh giá có nhiều tiềm năng, giá trị để phát triển chè sạch an toàn, chè chất lượng cao ra thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các sản phẩm chè của tỉnh chưa chiếm lĩnh được thị trường người tiêu dùng trong nước. Năng suất chè búp tươi vẫn ở mức thấp đạt khoảng 30% so với năng suất trung bình của khu vực và nhiều nơi khác. Sức cạnh tranh sản phẩm chè Hà Giang chưa cao, giá bán sản phẩm còn thấp, thương hiệu chè chưa chiếm lĩnh được thị trường người tiêu dùng... Hội nghị cũng thông qua dự thảo về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển và cơ chế quản lý vùng chè tập trung trên địa bàn tỉnh.
Bàn về giải pháp tháo gỡ thực trạng sản xuất chè hiện nay, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề liên quan: Quy trình sản xuất chè VietGap, cơ chế chế tài trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quản lý nguồn nguyên liệu, cơ chế chính sách cho doanh nghiệp quy hoạch vùng nguyên liệu… Các đại biểu đều nhất trí, ủng hộ việc phân vùng nguyên liệu là cần thiết nhưng phải đảm bảo lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, dựa trên mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà nông và Doanh nghiệp tạo điều kiện để ngành chè của tỉnh phát triển bền vững.
Tin, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc