Khởi sắc Nông thôn mới
BHG- Sau 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM (2011 – 2015), toàn tỉnh ước có 10 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí, 29 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí, 126 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí, 8 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Những kết quả đó đã và đang tạo bộ mặt nông thôn khởi sắc, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, thu nhập và đời sống nhân dân được cải thiện, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân nông thôn.
Người dân thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) tích cực xây dựng kênh mương nội đồng theo Chương trình xây dựng NTM. |
Xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay
Theo tìm hiểu, quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM được đông đảo nhân dân đồng tình tham gia; nổi bật nhất là phong trào hiến đất, tham gia đóng góp ngày công để làm đường giao thông; phong trào thi đua “dân vận khéo”; xây dựng mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”; phong trào ủ phân xanh làm phân hữu cơ...
Trong đó, xuất hiện nhiều mô hình mới trong tổ chức quản lý ở cơ sở. Có thể nhắc tới thôn tự chủ, tự quản tại huyện Bắc Quang; mô hình Tổ hợp tác sản xuất nông, lâm nghiệp tại huyện Xín Mần; mô hình Quỹ phát triển thôn ở xã Việt Lâm (Vị Xuyên). Đối với mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả phải kể đến mô hình trồng ngô, chăn nuôi lợn hàng hóa ở huyện Xín Mần; mô hình nhân rộng cây ấu tẩu, thảo quả ở Quản Bạ; mô hình sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn VietGap ở Bắc Quang... Cũng chính từ đó, nhiều cách làm hay xuất hiện như: huy động nguồn lực từ tiết kiệm ngân sách huyện; xây dựng hàng rào cây xanh tại các đơn vị, hộ gia đình ở Hoàng Su Phì; xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế; hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng...
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Việc dễ làm trước, việc khó làm sau”, “Việc tốn ít tiền làm trước, việc tốn nhiều tiền làm sau”... đã tạo ra phong trào tự đổi mới trong từng thôn bản; vận động các gia đình thay đổi cách làm ăn, cách suy nghĩ như: nhận khoán, đổi công; dựa vào sức dân, đặc thù vùng miền để tìm cách làm, cách áp dụng thực tiễn cho hướng đi mới ở nông thôn miền núi. Trong cuộc trao đổi mới đây với đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc được biết: “Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, do còn nhiều khó khăn nên huyện chú trọng vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập; tập trung huy động nội lực trong nhân dân; lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực sẵn có”.
Chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân
Thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nhân dân như: hỗ trợ sản xuất cây vụ Đông, xây dựng cánh đồng mẫu, xây dựng quỹ phát triển thôn.
Theo đó, nhiều xã đã xây dựng quy hoạch được các vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa tập trung. Trong 5 năm, đã triển khai thực hiện được trên 568 mô hình phát triển kinh tế; nhiều xã đã xây dựng phương án liên kết giữa các hộ và doanh nghiệp để phát triển sản xuất với quy mô vừa và nhỏ như: trồng cây chanh leo, cây cải xa lát tại các xã Đạo Đức, Ngọc Linh, Trung Thành, Bạch Ngọc, Việt Lâm (Vị Xuyên); mở rộng nuôi ếch, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap tại Bắc Quang; mô hình trồng củ cải tại Hoàng Su Phì; chăn nuôi lợn hàng hóa, nuôi gà, vịt tập trung ở xã Ngọc Đường, Phương Thiện, Phương Độ (TP. Hà Giang)...
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, chuyển giao KHKT được quan tâm. Các huyện đã mở trên 800 lớp dạy nghề ngắn hạn, trên 50 lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ... giúp cho người dân tham gia nâng cao nhận thức về khuyến nông, trồng trọt, chăn nuôi. Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đổi mới quản lý điều hành, tổ chức lại sản xuất cho nông dân với mô hình thôn tự chủ, tự quản, phát triển các HTX, tổ hợp tác sản xuất thôn bản đã từng bước đổi mới nhận thức của nhân dân, hình thành liên kết sản xuất mới trong sản xuất hàng hóa ở nông thôn. Anh Nông Văn Sên, người dân thôn Châng, xã Phương Thiện cho biết: “Từ khi được hỗ trợ xây dựng chuồng trại, xây bể bioga và con giống, gia đình đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi lợn, gà hàng hóa. Đến nay, thu nhập gia đình luôn ổn định”.
Với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo đã góp phần tạo bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc. Quãng thời gian 5 năm chưa dài những cũng không quá ngắn, trên cơ sở những kết quả đạt được cùng với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo tập trung và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể tại cơ sở, tin rằng chương trình xây dựng NTM sẽ thực sự mang lại “cuộc sống mới” cho người dân tỉnh nhà.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc