Gỡ khó cho doanh nghiệp khai khoáng - việc hôm nay chớ để ngày mai
BHG- Trên địa bàn tỉnh hiện có 52 giấy phép khai thác khoáng sản kim loại còn hiệu lực. Nhưng trong số đó, chỉ còn 11 dự án đang hoạt động và có tới 20 dự án tạm dừng khai thác. “Cơn bĩ cực” ập đến với các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực công nghiệp thế mạnh của tỉnh, một phần do khó khăn chung của thị trường, nhưng cũng một phần xuất phát từ những chính sách không phù hợp, chậm được điều chỉnh.
Hệ thống máy móc Nhà máy tuyển quặng Sắt của Công ty TNHH Đức Sơn đã bị hoen rỉ. |
Những dãy nhà im ắng, những cỗ máy tuyển luyện quặng bắt đầu hoen rỉ... hình ảnh chúng tôi ghi nhận tại nhà máy tuyển, luyện quặng Sắt của Công ty TNHH Đức Sơn tại xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) thật xót xa. Nhìn khung cảnh này, ít ai nghĩ rằng chỉ cách đây hơn một năm, nó là một công trường sôi động, hệ thống máy hoạt động hết công suất, mỗi ngày sản xuất ra hàng trăm nghìn tấn tinh quặng, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 200 lao động, chủ yếu con em người địa phương. “Cơn bĩ cực” ập đến, khiến doanh nghiệp phải đóng cửa mỏ, đóng cửa nhà máy, toàn bộ công nhân mất việc, hệ thống máy móc đầu tư ngót nghét trăm tỷ đồng, giờ nằm im, bắt đầu hoen gỉ. Vừa đưa chúng tôi đi thực tế công trường khai thác, chế biến quặng, ông Bùi Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Đức Sơn vừa cho biết: Nếu khi thị trường khoáng sản ấm lên, để vận hành được hệ thống máy móc này cũng phải mất tiền tỷ và mất thêm rất nhiều thời gian. Ông cho biết thêm, việc làm ăn hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố thị trường, giá cả thấp, nhà đầu tư chịu nhưng có những yếu tố thuộc về cơ chế, chính sách cũng rất cần sự quan tâm, tháo gỡ kịp thời bởi nếu không doanh nghiệp lại phải “một cổ hai tròng”!
Nhà máy chế biến tinh quặng sắt Vị Xuyên, đóng tại xã Tùng Bá của Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông cũng không tránh khỏi quy luật đóng cửa. Hơn một năm nay, nhà máy dừng hoạt động, 300 công nhân làm việc tại nhà máy và khai trường phải điều chuyển công việc khác, một số phải nghỉ việc. Theo đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đình trệ mấy năm nay do suy giảm kinh tế, hàng tồn kho lớn, sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ... đã tác động rất lớn đến đời sống của công nhân và hoạt động của nhà đầu tư.
Nhà máy tuyển Mangan của Công ty Cổ phần Mangan Lũng Quang (Vị Xuyên) - một trong số ít dự án khai thác, chế biến khoáng sản còn hoạt động. Với công suất thiết kế 250 - 300 tấn tinh quặng Mangan/ngày, nhưng hiện nay nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, sản xuất từ 30 - 50 tấn/ngày nhằm giữ chân công nhân và vận hành hệ thống máy móc. Đi vào hoạt động từ đầu năm nay, toàn bộ sản phẩm làm ra chưa bán được cân nào, tinh quặng được chở về đắp đống tại kho, quặng Mangan chất cao như núi.
Theo đại diện các doanh nghiệp, thời gian qua, giá thị trường xuống thấp khiến lĩnh vực khoáng sản gặp nhiều khó khăn. Nhưng, việc chậm được sửa đổi, bổ sung những chính sách không còn phù hợp, khiến doanh nghiệp càng lâm vào bước đường cùng. Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khai khoáng được UBND tỉnh tổ chức trung tuần tháng 10 vừa qua, đại diện Hội Doanh nghiệp thẳng thắn nêu, các ngành chức năng chưa thực sự sát cánh cùng doanh nghiệp. Chính vì vậy mới có chuyện những kiến nghị doanh nghiệp gửi đi, gửi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian chờ đợi, cơ quan chức năng không biết, lại làm công văn hỏi T.Ư nên mất rất nhiều thời gian.
Nhà máy tinh quặng Vị Xuyên che mưa, nắng cho máy móc bằng cách cuốn bạt. |
Đại diện Hội Doanh nghiệp chứng minh, đơn cử như bảng giá tính thuế tài nguyên môi trường, hiện đang được thực hiện theo Quyết định 1915/2012 của UBND tỉnh. Thời điểm ban hành quyết định này, thị trường khoáng sản đang sôi động nên giá tối thiểu tính thuế tài nguyên đối với khoáng sản kim loại nguyên khai như Mangan 1 triệu đồng/tấn, Sắt 450 nghìn đồng/tấn, Chì - Kẽm 4 triệu đồng/tấn; khoáng sản đã qua chế biến như tinh quặng Mangan từ 600 nghìn đến 3,5 triệu đồng/tấn tùy theo hàm lượng, tinh quặng Chì - Kẽm từ 8-14 triệu đồng... doanh nghiệp chấp nhận được. Thế nhưng, từ năm 2014 đến nay, giá quặng xuống quá thấp, đơn giá trên không còn phù hợp, nhưng lại không có sự điều chỉnh. Trong khi đó, Quyết định của UBND tỉnh nêu rõ, trường hợp có sự biến động tăng hoặc giảm 20% mức giá trở lên, UBND tỉnh ủy quyền Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp ngành chức năng tính toán, điều chỉnh mức giá tối thiểu tính thuế tài nguyên, trình UBND xem xét, quyết định. Quy định rõ vậy, nhưng từ cuối năm 2012 đến nay, giá quặng đã giảm hơn 60%, giá tối thiểu tính thuế tài nguyên vẫn không được xem xét, điều chỉnh.
Giá tối thiểu tính thuế tài nguyên năm 2012 không còn phù hợp, nên ngay từ đầu năm 2014 UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, sửa đổi bảng giá. Tại Quyết định 117/QĐ-UBND ngày 10.1.2014, UBND tỉnh yêu cầu việc sửa đổi, bổ sung bảng giá tối thiểu tính thuế tài nguyên phải hoàn thành trong quý I.2014; Quyết định 2773/UBND-CNGTXD ngày 22.8.2014 gia hạn cho các sở, ban, ngành tham mưu, điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên trong tháng 8.2014; Công văn 152/UBND-CNGTXD ngày 15.1.2015 tiếp tục giao các ngành tham mưu, điều chỉnh giá tối thiểu tính thuế tài nguyên theo Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy và phải hoàn thành trong tháng 5; Công văn 1039/UBND ngày 8.4.2015, yêu cầu phải hoàn thành việc tham mưu, điều chỉnh giá tối thiểu tính thuế tài nguyên trước ngày 14.5. Nhận thấy việc ủy quyền cho Giám đốc Sở Tài chính theo Quyết định 1915/2012 chưa hợp lý, nên các chỉ đạo của UBND tỉnh về sau đều giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với ngành chức năng, nghiên cứu, xây dựng bảng giá, nhưng qua nhiều lần tiếp xúc, tìm hiểu tiến độ, chúng tôi đều nhận được câu trả lời... rất khó, làm không cẩn thận sẽ thiệt cho ngân sách Nhà nước!
Vì cái khó này, cuối tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành văn bản phê bình Giám đốc Sở TN-MT vì không thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh khi được giao chủ trì, phối hợp với các ngành tham mưu xây dựng giá tính thuế tài nguyên. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm, xử lý, kiểm điểm nghiêm khắc những cá nhân liên quan, có biểu hiện chây ỳ trong thực hiện công vụ.
Tại cuộc họp chuyên đề tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khoáng sản do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì ngày 21.10 vừa qua, ông Đặng Quốc Toản, Phó Giám đốc Sở Tài chính thẳng thắn nêu, UBND tỉnh đã nhiều lần giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp các ngành chức năng xây dựng bảng giá, nhưng do cán bộ chuyên môn Sở TN-MT không biết làm, bản thân Giám đốc Sở không nắm rõ nên cứ loay hoay mãi không xây dựng được bảng giá mới. Còn Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chất vấn, các sở, ngành đều tổ chức đi tham quan, học hỏi địa phương lân cận, họ làm được nhưng mình học về lại không làm được, có nhiều vấn đề lại xây dựng cao hơn, càng đẩy khó khăn cho doanh nghiệp, vậy đi học tập để làm gì! Vừa truy ngành chức năng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh vừa yêu cầu phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Trước mắt, UBND tỉnh sớm có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho các doanh nghiệp tạm hoãn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đồng ý cho các doanh nghiệp kéo dài thời hạn nộp tiền ký Quỹ phục hồi môi trường đến hết quý II.2016, lùi thời gian hoàn thiện các thủ tục đã cam kết với tỉnh. Ngay sau cuộc họp, sẽ thành lập Hội đồng định giá tính thuế tài nguyên đối với các loại khoáng sản. Lần này, UBND tỉnh quyết định giao lại cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với ngành chức năng, Hội Doanh nghiệp... xây dựng bảng giá, trình UBND xem xét vào đầu tháng 11.
Hy vọng sự quyết liệt, quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh sẽ “truyền lửa”, từ đó sưởi ấm những trái tim lạnh, những tâm hồn vô cảm, đánh thức tinh thần trách nhiệm của các sở, ngành. Có như vậy, khẩu hiệu “Doanh nghiệp phát tài - Hà Giang phát triển” mới thành hiện thực.
Thiên Thanh
Ý kiến bạn đọc