Đồng Văn với những chương trình hỗ trợ chăn nuôi, sản xuất
BHG- Là huyện biên giới có nhiều khó khăn trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp, đó là diện tích đất canh tác ít ỏi, nước phục vụ cho sản xuất vô cùng thiếu, mặt bằng dân trí còn thấp nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế... Trước thực tế đó, Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện đã có nhiều chương trình hỗ trợ nông dân ở Đồng Văn từng bước vượt qua những khó khăn trong sản xuất, chăn nuôi; nâng cao năng suất cây trồng, giảm sức lao động, từng bước XĐGN, góp phần bảo vệ chủ quyền biên cương của Tổ quốc.
Trồng rau xanh trái vụ đang được người dân thôn Séo Lủng B, xã Sảng Tủng nhân rộng. |
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những năm qua, nông dân huyện Đồng Văn được hỗ trợ nhiều chương trình sản xuất, chăn nuôi như: Chương trình nông nghiệp trọng tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi gồm: Hỗ trợ 50% lãi xuất trong vòng 3 năm cho hộ nghèo, cận nghèo chưa có trâu, bò; mua bò nuôi sinh sản; hỗ trợ 50% giá giống đậu tương tại 19/19 xã, thị trấn; hỗ trợ 50% giá giống lúa Khẩu mang; trồng rau xanh (trọng tâm tại thôn Séo Lủng A, B, xã Sảng Tủng; thôn Thiên Hương, Lài Cò thuộc Thị trấn Đồng Văn - là nơi có điều kiện phù hợp cho cây rau phát triển vụ Đông). Trong các chương trình hỗ trợ chăn nuôi, sản xuất; từ năm 2011 - 2015 đã có 2.298 hộ nghèo, cận nghèo được vay mua bò nuôi sinh sản, trong đó hỗ trợ 433 hộ mua bò với định mức vay là 15 triệu đồng/hộ; hỗ trợ 1.455 hộ sửa chữa chuồng trại, với định mức 1 triệu đồng/hộ.
Cùng với Chương trình nông - lâm nghiệp trọng tâm, người dân còn được Chương trình 135 giai đoạn II, Chương trình 30a của Chính phủ hỗ trợ công tác khuyến nông như: Hỗ trợ tập huấn trồng, thâm canh, thu hoạch ngô lai; tập huấn nghiệp vụ thú y; kỹ thuật nhận biết, phòng trừ sâu bệnh hại cho lúa, đậu tương; hỗ trợ các mô hình trình diễn như nuôi bò vỗ béo tại xã Sủng Là, nuôi lợn nái sinh sản tại xã Sà Phìn, gà siêu trứng tại xã Thài Phìn Tủng , nuôi lợn thịt, dê; thụ tinh nhân tạo cho bò cái giống xã Phố Cáo, thị trấn Phó Bảng. Chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư – nông, lâm nghiệp như: Hỗ trợ trồng cỏ thức ăn cho gia súc cho 19/19 xã, thị trấn với tổng diện tích 250 ha tương ứng với số tiền 500 triệu đồng; hỗ trợ trồng các loại cây ăn quả như đào Vân Nam, đào địa phương, lê đường địa phương... Ngoài ra, huyện Đồng Văn cũng có cơ chế hỗ trợ xây trên 11.000 bếp đun cải tiến, hàng trăm máy thái cỏ bò.
Với những chương trình hỗ trợ trên, hiệu quả mang lại cho người nông dân là rất lớn, đặc biệt các chương trình như hỗ trợ giá giống ngô lai, đậu tương đã góp phần nâng tổng diện tích ngô lai toàn huyện lên trên 4.000 ha, chiếm 62% tổng diện tích; trong đó, ngô thâm canh đạt 6.077 ha; đến năm 2015, đưa diện tích cây đậu tương lên 2.600 ha, tăng 636 ha so với năm 2011. Chương trình hỗ trợ phát triển vùng rau xanh đã góp phần nâng cao nhận thức của nông dân trong việc phát triển các loại cây vụ Đông, năm 2014 - 2015, tổng diện tích nhân đăng ký trồng tập trung ước gần 80 ha, đây được xem là một nỗ lực lớn của người dân các xã, thị trấn trong huyện. Chương trình hỗ trợ trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc đã từng bước làm thay đổi nhận thức của nông dân, họ đã biết chuyển đổi dần diện tích đất xấu, đất dốc hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cỏ với diện tích 250 ha, nâng tổng diện tích cỏ hiện có của huyện lên 1.543 ha. Cùng với việc hỗ trợ trồng cỏ, chương trình hỗ trợ máy thái cỏ, xây bếp đun cải tiến cho nhân dân, góp phần giảm sức lao động, tận dụng được các loại cỏ sẵn có tại địa phương, hạn chế tinh trạng chặt phá rừng bừa bãi trên địa bàn.
Đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn khẳng định: Các chương trình hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi đã giúp cho người nông dân khai thác được tiềm năng, sử dụng hiệu quả diện tích đất canh tác vốn rất ít ỏi trên địa bàn, khai thác được thế mạnh chăn nuôi đại gia súc. Cùng với đó người dân đã nâng cao ý thức mở rộng diện tích cây trồng vụ Đông, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp; được tiếp cận và biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; sử dụng đồng vốn vay hợp lý. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng, sản lượng, giá trị kinh tế của sản phẩm nông nghiệp do họ làm ra, góp phần đẩy mạnh phát triển KT - XH trên địa bàn huyện.
HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc