Cơ hội cho người dân nông thôn đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống
BHG- Phạm vi, đối tượng cho vay rộng, thủ tục hồ sơ đơn giản, số tiền cho vay lớn, có nhiều chính sách hỗ trợ đối với các cá nhân, gia đình ở khu vực nông thôn hoặc sản xuất, kinh doanh (SXKD) trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là những ưu điểm của chính sách tín dụng mới được ban hành. Điều này đã tạo cơ hội cho nhiều hộ ở nông thôn mạnh dạn vay vốn phát triển SXKD.
Cửa hàng kinh doanh đồ điện gia dụng của anh Ngô Văn Mạnh ở tổ 7, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên). |
Cơ hội cho cư dân nông thôn
Đối với với tỉnh nghèo như Hà Giang, tín dụng ngân hàng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn đóng góp một phần quan trọng vào việc xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn. Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về “chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn” có hiệu lực từ tháng 7 năm nay, được áp dụng thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP với nhiều điểm mới có lợi hơn cho người dân. Đối tượng được vay vốn theo quy định tại Nghị định này gồm: Các cá nhân, gia đình cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động SXKD trong lĩnh vực nông nghiệp; hộ kinh doanh hoạt động trên địa bàn nông thôn; chủ trang trại; Tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX... Tuy nhiên, Nghị định cũng loại trừ các đối tượng như: Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, khai khoáng, các cơ sở sản xuất thủy điện, nhiệt điện... Theo đó, Nhà nước có chính sách khuyến khích việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua hỗ trợ nguồn vốn, sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, chính sách xử lý rủi ro phát sinh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các chính sách khác trong từng thời kỳ.
Nhờ sự giới thiệu của người quen, anh Ngô Văn Mạnh ở tổ 7, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) biết đến chính sách tín dụng theo Nghị định 55 của Chính phủ. Gia đình anh mạnh dạn vay vốn 300 triệu đồng để mở rộng quy mô kinh doanh đồ điện gia dụng, sửa chữa máy móc nông nghiệp. Anh Mạnh cho biết: “Thủ tục cho vay của ngân hàng rất đơn giản, sau khi cán bộ ngân hàng đến thẩm định cửa hàng thì đã lập tức làm thủ tục cho vay. Nhờ vậy, cửa hàng của tôi có thể đầu tư thêm nhiều linh kiện, máy móc để phục vụ cho nhiều khách hàng hơn”.
Đề cập đến ưu điểm của Nghị định 55, ông Phạm Ngọc Thắng, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh huyện Vị Xuyên, nơi có số dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn khá lớn, cho biết: “Nghị định 55 đã sửa chữa lại tất cả những hạn chế của Nghị định 41. Như trước đây phạm vi cho vay chỉ bó hẹp ở cấp xã, còn Nghị định 55 có phạm vi cho vay là tất cả các xã, thị trấn, chỉ trừ các phường của thành phố. Nhưng nếu các phường của thành phố có đơn vị sản xuất ở trong nông thôn thì vẫn là đối tượng được vay. Mức cho vay không có tài sản cũng rộng hơn, ví dụ: Cá nhân, gia đình được cho vay đến 100 triệu đồng mà không cần làm hồ sơ đảm bảo; đối với hộ trồng cây nông nghiệp được vay 200 triệu đồng; HTX là 1 tỷ đồng... Đây là một cơ chế rất thông thoáng, quy mô vay lớn hơn, hợp với ý của người dân. Hơn nữa, những hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì chỉ cần UBND cấp xã xác nhận một bản duy nhất, chứng nhận hộ đó đã ở trên mảnh đất đó lâu năm, không có tranh chấp thì sẽ được ngân hàng cho vay. Còn lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn bây giờ rất rẻ chỉ từ 7 – 10%/năm”.
Tạo động lực phát triển nông nghiệp
Triển khai Nghị định 55, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 1625/CT-UBND, theo đó các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức tín dụng cần tăng cường mở rộng tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở bám sát định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chương trình XDNTM của tỉnh. Đặc biệt, là chính sách cho vay sản xuất theo mô hình liên kết, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời công khai, minh bạch các chính sách, thủ tục, hồ sơ, điều kiện cho vay trên cơ sở cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Để thực hiện tốt Nghị định mới ban hành, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm triển khai đầy đủ chính sách tín dụng. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng các chương trình tín dụng lồng ghép để đạt các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Chỉ đạo các Chi nhánh ngân hàng thương mại, Quỹ tín dụng nhân dân xây dựng kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh công tác huy động vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho các nhu cầu vay vốn hợp lý của khách hành. Ưu tiên tập trung vốn cho vay sản xuất theo mô hình liên kết, liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp... Thực hiện giảm lãi suất đối với khách hàng có mua bảo hiểm trong nông nghiệp. Mở rộng mạng lưới hoạt động tại các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn của tỉnh. Đây sẽ là cơ hội cho các hộ nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc