Chi cục Quản lý chất lượng Nông - lâm sản, thủy sản tỉnh:
Tập huấn quản lý chất lượng HACCP trong chế biến chè - Kiểm tra vùng chè VietGAP tại Bắc Quang
BHG- Vừa qua, Đoàn công tác Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh) và Trung tâm chất lượng Nông, lâm sản vùng I (Hải Phòng) tổ chức tập huấn Chương trình hệ thống Quản lý chất lượng (QLCL) mang tính phòng ngừa an toàn thực phẩm (ATTP), dựa trên phân tích các mối nguy và xác định các biện pháp kiểm soát tại các cơ sở sản xuất, chế biến chè (HACCP) tại công ty TNHH 1 thành viên Long Trà, xã Hùng An, huyện Bắc Quang.
Tham gia lớp tập huấn có 50 học viên là quản lý, công nhân và người lao động tham gia trực tiếp vào quá trình chế biến chuỗi sản phẩm chè của Công ty TNHH 1 thành viên Long Trà – đơn vị đã đăng ký và được lựa chọn thực hiện chứng nhận HACCP theo Kế hoạch số 60 của UBND tỉnh năm 2015. Các học viên đã được nghe, giới thiệu về Quản lý chất lượng ATTP và các mối nguy gây mất ATTP; xây dựng và thiết lập Kế hoạch áp dụng chương trình QLCL, ATTP theo HACCP; cách thức xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm chế biến chè an toàn.
Qua buổi tập huấn, giúp cho công ty nhận thức được tầm quan trọng của ATVSTP trong chế biến chè, hướng đến sản xuất và chế biến sản phẩm chè sạch, an toàn.
* Tiếp đó, Đoàn công tác đã tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt – VietGAP tại vùng chè VietGAP, thị trấn Vĩnh Tuy và xã Hùng An của huyện Bắc Quang.
Các đại biểu tham quan dây chuyền chế biến chè tại Công ty TNHH 1 thành viên Long Trà, xã Hùng An. |
Đoàn đã có buổi làm việc với chính quyền địa phương về việc đánh giá kế hoạch hỗ trợ áp dụng thực hành sản xuất chè theo quy trình chè VietGAP, trong quá trình trồng và chăm sóc chè. Năm 2015, huyện Bắc Quang trồng mới hơn 200 ha chè VietGAP. Trong đó tại thị trấn Vĩnh Tuy là 76,1 ha ở 3 thôn là Phố Mới, Ngòi Cò, Quyết Tiến với 54 hộ tham gia trồng; xã Hùng An là 160 ha ở 4 thôn là Tân Tiến, Tân An, Bó Loỏng, Hùng Tâm với 250 hộ tham gia trồng.
Qua kiểm tra, Đoàn công tác đánh giá hiện trạng cây chè tại các địa phương nói trên đang sinh trưởng và phát triển tốt. Việc thực hiện dự án trồng chè an toàn theo quy trình VietGAP góp phần đem lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân; nâng cao nhận thức và hình thành thói quen ứng dụng khoa học công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao uy tín thương hiệu chè Hà Giang trên thị trường trong và ngoài nước.
MỸ HẰNG
Ý kiến bạn đọc