Vận hành hiệu quả, an toàn hồ đập góp phần bảo vệ môi trường sống của người dân

09:16, 23/09/2015

BHG- Trên địa bàn tỉnh hiện có 22 dự án thủy điện đang vận hành, trong số đó 13 hồ chứa thủy điện đã có quy trình vận hành được Bộ Công thương, UBND tỉnh phê duyệt. Quá trình hoạt động, các nhà máy đã chủ động thành lập Ban chỉ huy (BCH) phòng, chống lụt bão (PCLB), phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, thành lập đội xung kích PCLB; hầu hết các nhà máy đều có phương án và trang bị phương tiện máy móc, vật tư, vật liệu dự phòng phục vụ công tác PCLB, giảm nhẹ thiên tai. Các Nhà máy Thủy điện Sông Chừng, Sông Bạc, Thái An... đã xây dựng quy chế phối hợp, ký kết với chính quyền địa phương, thực hiện quy trình vận hành và PCLB. Một số nhà máy đang trong quá trình phê duyệt của Bộ Công thương cũng xây dựng nội dung, phương án, kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương, đề ra phương án PCLB.

Do cấu tạo địa chất, dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh chủ yếu nằm ở các sông, suối nhánh, độ dốc cao, lòng dẫn hẹp nên dung tích hồ chứa không lớn, hầu hết chỉ có nhiệm vụ phát điện, làm chậm lũ hạ du. Hàng năm, Sở Công thương đều có văn bản chỉ đạo, tổ chức kiểm tra các nhà máy thủy điện trước mùa mưa bão; đôn đốc và yêu cầu các chủ đập thủy điện tăng cường quản lý an toàn đập như: Lập kế hoạch, tổ chức tuyên truyền về hiệu quả vận hành, điều tiết nước, giảm lũ, lụt vùng hạ du; các kỹ năng ứng phó với lũ; công khai quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, từ đó phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhân dân vùng hạ du; xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống cảnh báo lũ, cắm biển thông báo mực nước lũ vùng hạ du; xây dựng quy chế phối hợp với chính quyền địa phương, trong đó quy định rõ về chế độ thông tin liên lạc, tín hiệu cảnh báo trong trường hợp xả lũ khẩn cấp và vỡ đập...

Nhà máy Thủy điện Sông Bạc (Quang Bình) vận hành hiệu quả hồ chứa, đảm bảo tốt việc điều tiết, chậm lũ vùng hạ du.
Nhà máy Thủy điện Sông Bạc (Quang Bình) vận hành hiệu quả hồ chứa, đảm bảo tốt việc điều tiết, chậm lũ vùng hạ du.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng còn tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác an toàn đập của các nhà máy thủy điện. Kết quả kiểm tra cho thấy, cơ bản các chủ đầu tư đã tuân thủ, vận hành đúng quy trình hồ chứa thủy điện được cấp có thẩm quyền phê duyệt; từ khi vận hành, khai thác đến nay, chưa xảy ra sự cố mất an toàn về đập và gây ảnh hưởng xấu tới vùng hạ du. Qua theo dõi, các đơn vị quản lý, vận hành nhà máy thủy điện đều thực hiện và phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong việc quan trắc lũ, xả lũ; việc vận hành, duy trì dòng chảy tối thiểu đối với các dự án thủy điện đều được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; các dự án thủy điện cơ bản đáp ứng được chức năng, nhiệm vụ cung cấp điện vào lưới điện Quốc gia, góp phần ổn định an ninh năng lượng, tham gia điều tiết nước giảm nhiều tác hại lũ lụt cho nhân dân ở khu vực hạ du, tăng nguồn thu ngân sách từ thuế, giải quyết việc làm cho người lao động.

Quá trình kiểm tra của cơ quan chức năng cũng chỉ rõ, bên cạnh những tín hiệu tích cực, việc nâng cao ý thức của một số chủ đập còn nhiều chuyện đáng bàn. Mặc dù đã có cảnh báo, đã có sự cố vỡ đập xảy ra tại một số địa phương trên cả nước, nhưng qua kiểm tra thực tế, vẫn có những chủ đập thủy điện nhỏ còn chủ quan, thực hiện các quy định đảm bảo an toàn hồ đập còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quy định về quản lý an toàn đập, chưa thực hiện kiểm định đúng thời hạn quy định, chưa xây dựng phương án bảo vệ đập, phương án PCLB; phòng, chống lũ lụt vùng hạ du hoặc đã xây dựng các phương án nhưng chưa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa tổ chức diễn tập PCLB theo phương án được phê duyệt. Ngoài ra, công tác báo cáo số liệu thủy văn hồ chứa về BCH PCLB trong mùa mưa lũ chưa được các chủ đầu tư thủy điện thực hiện chưa đầy đủ; việc thu thập số liệu khí tượng, thủy văn phục vụ công tác vận hành hồ chứa chưa được thực hiện thường xuyên...

Những hạn chế này cần sớm được các chủ đầu tư khắc phục, nhằm đảm bảo công tác phối hợp PCLB, giảm nhẹ thiên tai hiệu quả; để các hồ chứa được vận hành an toàn, đảm bảo môi trường sống người dân vùng hạ du các nhà máy thủy điện.          

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đầu tư tái thu hồi – "luồng gió" mới trong phát triển nông nghiệp ở Yên Minh

BHG- Đầu tư tái thu hồi (ĐTTTH) - hình thức hỗ trợ người dân vay vốn để phát triển kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định rồi thu hồi lại để tái đầu tư, hỗ trợ cho hộ dân khác đã được triển khai nhiều năm nay ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh và đã cho thấy hiệu quả thiết thực, nâng cao giá trị kinh tế của mô hình kinh tế cũng như ý thức, trách nhiệm của người dân trong sử dụng nguồn vốn. 

23/09/2015
Hiệu quả từ mô hình cam VietGAP ở Yên Hà

BHG- Yên Hà là xã có điều kiện thuận lợi để phát triển trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP trên đất Quang Bình. Hiện nay, cây cam được xác định là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Sản phẩm cam VietGAP của địa phương đang dần khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

23/09/2015
Lực lượng Quản lí thị trường: Tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

BHG- Là địa bàn không có những điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả như một số địa phương biên giới hay một số tỉnh ở vùng xuôi, Hà Nội. Nhưng, những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh của thị trường cả nước, thị trường Hà Giang cũng chịu ảnh hưởng bởi sự xâm nhập hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. 

23/09/2015
Agribank Vị Xuyên góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương

BHG- Vị Xuyên là một trong những huyện được coi là động lực của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, cùng với những phát triển chung của nhiều lĩnh vực trong hoạt động phát triển KT-XH khác, Agribank Chi nhánh Vị Xuyên đã có những kết quả đáng khích lệ, từng bước nâng cao mức tăng trưởng tín dụng trên địa bàn, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.

23/09/2015