Quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và quản lý đấu thầu ngày càng hiệu quả
BHG - Là một trong những tỉnh khó khăn nhất cả nước, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế... Để đảm bảo nguồn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH, trong những năm qua, tỉnh ta đã tích cực phối kết hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành T.Ư trong việc đẩy mạnh vận động, thu hút nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Nguồn vốn này đã góp phần thúc đẩy KT-XH của tỉnh ngày càng phát triển và đạt được nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực.
Bằng các nguồn vốn lồng ghép đầu tư, nhiều công trình giao thông trên địa bàn tỉnh được nâng cấp, cải tạo, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho KT-XH phát triển. Trong ảnh: Nâng cấp, cải tạo đường giao thông tỉnh lộ 183 Vĩnh Tuy – Quang Bình. |
Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông cho biết: UBND tỉnh đã có Quyết định số 1952/QĐ-UBND ngày 16.9.2013 về việc kiện toàn bổ sung thành viên Ban vận động thu hút, quản lý sử dụng nguồn vốn ODA trên địa bàn tỉnh. Ban vận động đã hoạt động theo quy chế rất hiệu quả. Đặc biệt, trong thời gian qua, tỉnh ta đã nỗ lực chủ động nghiên cứu nắm bắt các định hướng thu hút nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ và các nhà tài trợ, đồng thời tích cực đề xuất với các Bộ, ngành của T.Ư các dự án hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động làm việc với các Bộ, ngành T.Ư, các nhà tài trợ và các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ của các dự án đang tiến hành vận động. Vì vậy từ năm 2013 đến hết tháng 3.2015, tỉnh ta đã tiếp nhận và ký kết hiệp định được 14 chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ như: Ả rập, WB, ADB, JICA, IFAD... với tổng nguồn vốn ODA vận động trên 2.240,4 tỷ đồng, tương đương 106,68 triệu USD, gồm: 2 dự án ký kết hiệp định với tổng mức đầu tư trên 1.294,4 tỷ đồng (vốn ODA cam kết 665,3 tỷ đồng, vốn đối ứng và các nguồn vốn khác 629,1 tỷ đồng); tiếp nhận 9 dự án với tổng mức đầu tư 907 tỷ đồng (vốn ODA 850 tỷ đồng, vốn đối ứng và các nguồn vốn khác 57 tỷ đồng); 3 chương trình dự án được bổ sung thêm 39 tỷ đồng để triển khai thực hiện. Các chương trình dự án đã tập trung hỗ trợ các lĩnh vực như: Điện sinh hoạt, đường giao thông, phát triển nông nghiệp - nông thôn, cấp thoát nước, y tế, giáo dục - đào tạo...
Các chương trình, dự án được đầu tư, hỗ trợ bằng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi được triển khai đúng quy trình chặt chẽ từ cơ sở, có sự tham gia tích cực và dân chủ của người hưởng lợi. Việc quản lý nguồn vốn của các dự án được thực hiện nghiêm túc theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước và thông lệ quốc tế. Đặc biệt các dự án triển khai đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả đầu tư, đáp ứng một phần nhu cầu cấp thiết, giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của nhân dân, góp phần nâng cao năng lực, cải thiện hệ thống giao thông, xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế, phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng thông qua hoàn thiện mạng lưới cơ sở y tế.
Cùng với công tác quản lý sử dụng nguồn vốn ODA, công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện nghiêm túc, theo đúng trình tự, quy định. Việc phân cấp cho chủ đầu tư thực hiện: phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đã nâng cao trách nhiệm cũng như năng lực của chủ đầu tư trong công tác đấu thầu và tiết kiệm được thời gian trong đấu thầu. Việc phân chia các gói thầu được thực hiện nghiêm túc; việc áp dụng các hình thức đấu thầu, chỉ định thầu theo đúng quy định hiện hành; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về đấu thầu được quan tâm thường xuyên. Do làm tốt những nội dung trên nên từ năm 2013 đến tháng 6.2015, tỉnh ta đã thực hiện được 2.701 gói thầu được đầu tư từ các nguồn vốn như ngân sách T.Ư, vốn Trái phiếu Chính phủ thực hiện Nông thôn mới, các chương trình mục tiêu Quốc gia, vốn ODA của các nhà tài trợ... với tổng gói thầu trên 3.784,2 tỷ đồng; tổng giá trúng thầu trên 3.698,7 tỷ đồng; tỷ lệ tiết kiệm đạt được 0,99%, tương đương với 85,5 tỷ đồng. Phần lớn các gói thầu đều được đấu thầu rộng rãi theo quy định, đảm bảo tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, công bằng, tạo sự bình đẳng giữa các nhà thầu tham gia đấu thầu. Vì vậy đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước, chống thất thoát, lãng phí.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng vốn ODA và quản lý đấu thầu theo Luật Đấu thầu hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông cho biết thêm: Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước, về đấu thầu, quản lý các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, tiến hành thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột suất đảm bảo tối thiểu hàng năm có 20% số dự án đang triển khai ở các ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình vận động và quản lý các dự án ODA đảm bảo thực hiện đúng quy trình chặt chẽ từ cơ sở, có sự tham gia tích cực và dân chủ của người hưởng lợi. Việc quản lý nguồn vốn của các dự án được thực hiện nghiêm túc theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước và theo thông lệ Quốc tế... Như vậy mới nâng cao được hiệu quả của nguồn vốn, góp phần đưa nền KT-XH của tỉnh ngày càng phát triển...
Hiến Chương
Ý kiến bạn đọc