Người dân Bắc Quang trăn trở về việc gắn biển "Nhà sạch, vườn đẹp"
BHG- Từ năm 2012 đến nay, khi mô hình (MH) “Nhà sạch, vườn đẹp” (NSVĐ) trở thành phong trào lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động tích cực đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Bắc Quang thì việc gắn biển MH khiến nhiều hộ dân trăn trở: Nên hay không nên?.
Nhiều ý kiến cho rằng việc công nhận "Nhà sạch, vườn đẹp" nên chuyển sang hình thức khác thay cho việc gắn biển mô hình. Trong ảnh: Mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp" của gia đình chị Trần Thị Nhuận, xã Tân Quang. |
Từ thực tiễn...Hưởng ứng phong trào: “Phụ nữ cả nước chung tay xây dựng Nông thôn mới” (NTM) năm 2010, T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam quyết định lấy Cuộc vận động Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” làm nòng cốt, nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM. Cụ thể hóa cuộc vận động này, Hội LHPN Hà Giang có cách làm sáng tạo, linh hoạt khi triển khai MH NSVĐ tới các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. “Qua quá trình thực hiện, 3/8 tiêu chí của cuộc vận động được thực hiện có hiệu quả thông qua MH NSVĐ gồm: Sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp. Những tiêu chí này đóng góp tích cực cho sự thành công của nhiều địa phương khi triển khai thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông và số 17 về môi trường” (theo 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM), Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Dương Ánh Phượng chia sẻ.
Không thể phủ nhận, nhiều hộ dân của huyện Bắc Quang tự hào khi gia đình thực hiện tốt phong trào trên, được Hội LHPN, sau là Ban chỉ đạo Xây dựng NTM huyện Bắc Quang gắn biển ghi nhận thành tích NSVĐ. Điều đó nhắc nhở họ tiếp tục giữ kết quả đạt được và động viên những hộ khác hoàn thiện khuôn viên gia đình, để được gắn biển NSVĐ. Điều đặc biệt, vị trí biển NSVĐ được gắn trang trọng tại phía ngoài của tường nhà (đối với gia đình không có cổng), gắn ngoài cổng hoặc một vị trí khác phù hợp. Tuy vậy, việc gắn biển cũng tạo hiệu ứng trái chiều khi nhiều hộ dân không muốn gắn biển NSVĐ. Bởi, một số gia đình e ngại mình chưa xứng đáng nhận biển NSVĐ. Vì không dám đảm bảo ngày nào, giờ nào nhà cũng sạch và vườn cũng đẹp. Nhiều hộ khác cảm thấy mất mỹ quan khi tấm biển được gắn với ngôi nhà xây khang trang hay nhà sàn kiến trúc đẹp, khiến tâm lý gia chủ thiếu thoải mái. Một nhóm hộ khác có chung suy nghĩ: Sau nhiều năm triển khai thực hiện, từ MH NSVĐ đến nay đã trở thành phong trào chung nên NSVĐ là việc nên làm và làm thường xuyên của mỗi gia đình. Do vậy, không nhất thiết phải gắn biển NSVĐ.... đến kế sáchXuất phát từ thực tế trên, nhiều gia đình được gắn biển NSVĐ cho rằng: Phong trào NSVĐ đã được đông đảo người dân biết và triển khai thực hiện. Do vậy, thay vì ghi nhận kết quả đạt được bằng cách gắn biển NSVĐ thì nay, có thể tuyên dương dưới hình thức: Nêu tên các gia đình thực hiện tốt phong trào NSVĐ qua hệ thống loa phát thanh tại địa phương. Từ đây, việc người dân nghe, phân tích rồi truyền tin cho người khác sẽ góp phần làm cho công tác nêu gương, tuyên truyền đạt hiệu quả. Theo đó, các hộ NSVĐ sẽ ý thức giữ tiêu chí và hộ chưa đạt cố gắng thực hiện tốt để được nêu gương. Cùng với đó, thông qua các buổi họp thôn, xóm nên lồng ghép phong trào thi đua thực hiện NSVĐ gắn với biểu dương hoặc tặng Giấy khen, Giấy chứng nhận cho các hộ đạt tiêu chí NSVĐ trước tập thể. Như vậy, sẽ tạo nên hiệu quả tích cực. Bởi tâm lý “một miếng giữa làng” sẽ hơn “một sàng xó bếp”.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay, huyện Bắc Quang đã gắn biển NSVĐ cho 1.000 hộ trên tổng số 2.618 hộ đạt tiêu chí NSVĐ, với chi phí 100.000 đồng/biển, tương đương 100 triệu đồng. Số tiền này được trích từ nguồn ngân sách của huyện. Điều đáng lưu ý này được nhiều người phân tích: Hiện nay, khi ngân sách của huyện Bắc Quang còn hạn chế thì nguồn kinh phí thực hiện gắn biển NSVĐ liệu có đủ cho tất cả các hộ dân xứng đáng được gắn biển?. Nhất là khi phong trào NSVĐ đã có sức lan tỏa mạnh mẽ nên số lượng gia đình được gắn biển qua các năm tiếp tục tăng?. Do vậy, với tổng số tiền trên, nếu đặt những tấm biển trang trọng, kích thước phù hợp, ghi nội dung cần đạt của tiêu chí NSVĐ tại các khu vực sinh hoạt cộng đồng như Nhà văn hóa, Hội trường thôn,... không chỉ giảm chi phí mà còn có tác dụng nhắc nhở trực quan đến tất cả các hộ dân để duy trì và phát triển phong trào NSVĐ một cách bền vững.Từ những ý kiến trên, nên chăng: Thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, đơn vị hữu quan nên có phiếu Điều tra xã hội học để nắm bắt nguyện vọng của người dân. Chỉ cần 3 câu hỏi ngắn kèm theo các đáp án được chuẩn bị sẵn, đơn vị hữu quan sẽ biết: Các hộ dân có muốn được gắn biển NSVĐ hay không. Nếu câu trả lời “Không” thì lý do và hình thức biểu dương, ghi nhận là gì?. Khi thực hiện cách làm này cần đảm bảo sự riêng tư (giống bỏ phiếu kín) để biết nguyện vọng thực sự của người dân.
Hiện nay, không riêng huyện Bắc Quang thực hiện MH NSVĐ mà đó còn là phong trào chung của nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Thiết nghĩ, những trăn trở của người dân Bắc Quang về việc gắn biển NSVĐ nên được các đơn vị hữu quan lưu tâm, để một phong trào hay thêm thiết thực.
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc