Trồng rừng kinh tế - hướng phát triển bền vững ở xã Tiên Yên
BHG- Tiên Yên là xã vùng thấp của huyện Quang Bình có trên 700 ha đất lâm nghiệp. Xác định rõ việc phát triển kinh tế rừng là một trong những hướng đi đúng đắn nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con nhân dân, những năm gần đây cấp ủy, chính quyền xã Tiên Yên thực sự quan tâm đến vấn đề này, đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đoàn thể tuyên truyền vận động nhân dân tập trung trồng rừng kinh tế, nhằm giúp người dân địa phương có nguồn thu nhập ổn định. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi nên người dân chú trọng trồng cây keo là chính, theo đánh giá của người dân thì đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Đồi keo nhà chị Phùng Thị Xưa ở thôn Yên Ngoan đang sinh trưởng và phát triển tốt. |
Giữa cái nắng oi ả của những ngày hè tháng 6, chúng tôi được cán bộ nông nghiệp xã đưa đến thăm gia đình chị Phùng Thị Xưa, ở thôn Yên Ngoan, một trong những gia đình tích cực tham gia trồng rừng kinh tế. Vừa trèo đồi, vừa nói chuyện với phóng viên, chị Xưa chia sẻ: “Mấy năm trước, gia đình tôi trồng hơn 2 ha rừng keo, năm kia đã cho thu hoạch. Để tiết kiệm chi phí, công sức, gia đình bán cả đồi (thương lái tự cho người đến đốn cây và vận chuyển), thu lãi được gần 40 triệu đồng. Năm nay, vợ chồng tôi vừa mới trồng 3 ha keo giống, thời tiết thuận lợi nên cây sinh trưởng và phát triển tốt. Trồng keo cũng phải sang năm thứ 5 mới cho thu hoạch nên vợ chồng tôi chăm thêm đàn lợn thịt, mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa nuôi từ 40 – 50 con và trồng hơn 1,5 ha lúa, hoa màu để đảm bảo nguồn lương thực cho gia đình; trồng hơn 100 gốc cam ghép dưới đồi cũng đã bước sang năm thứ 3, cây phát triển nhanh và đang cho bói quả”.
Xã Tiên Yên có diện tích đất tự nhiên hơn 3 nghìn ha, trong đó diện tích rừng phòng hộ hơn 500 ha, đất lâm nghiệp có thể trồng rừng của xã khoảng 700 ha. Thời gian trước, người dân trong xã tập trung trồng rừng theo Dự án 661. Dự án quy định nghiệm thu phải từ 5 ha rừng trồng trở lên, do địa lý liền vùng, liền khoảnh của địa phương không nhiều nên xã phải thiết kế khoanh vùng. Dự án hỗ trợ một lần cho các hộ gia đình có 1 ha rừng trồng được 1,5 triệu đồng tiền giống và phân bón. Do đó, năm trước toàn xã chỉ trồng mới được gần 50 ha diện tích rừng. Chủ tịch UBND xã Tiên Yên, Phùng Minh Thanh cho biết: Năm nay, cơ chế chính sách của tỉnh, của huyện có nhiều ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển trồng rừng theo định hướng “trồng rừng lâm nghiệp xã hội”. Người dân không nhất thiết phải trồng tập trung mà có thể trồng phân tán không liền vùng liền khoảnh. Chính sách trên tỉnh hỗ trợ người dân 600 đồng/cây giống, đến khi cây cho thu hoạch (nghiệm thu được) sẽ trả cho dân số tiền này.
Chính quyền xã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) theo đề nghị của huyện và được hỗ trợ 200.000đ/ha. Xã phân công các thành viên BCĐ phụ trách các thôn, đi tuyên truyền, vận động thường xuyên, giúp đỡ người dân làm tốt công tác PCCC. Hiện nay, 6/6 thôn đều triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2015. Nhà ít cũng có khoảng 1 – 2ha, nhà nhiều có hàng chục ha rừng. Theo tính toán thì 1 ha rừng trồng cần đầu tư khoảng 2 triệu đồng từ phát đồi đến trồng và chăm sóc cây giống thời gian đầu. Xã vận động những hộ gia đình có điều kiện kinh tế không có đất rừng liên kết với những hộ có đất nhưng thiếu vốn cùng đầu tư để cùng trồng rừng. Do cách làm này nên nhiều hộ dân đã tích cực tham gia trồng rừng phát triển kinh như gia đình anh Tả Văn Nàng, đã trồng được hơn 10 ha; Chu Văn Úy, trồng trên 4,5 ha; Tả Văn Quẹ, trên 4,5 ha... Thôn Tân Bể là thôn có diện tích rừng trồng nhiều nhất với hơn 100 hộ dân tham gia trồng được khoảng 220 ha rừng, chiếm gần 50% tổng diện tích rừng trồng theo kế hoạch của toàn xã.
Thực tế cho thấy, đầu ra cho cây trồng cũng rất ổn định, khả quan. Anh Hoàng Văn Thụ, cán bộ nông nghiệp xã cho biết: Hiện nay, trung bình khoảng 1ha keo giống, trồng từ 1.600 – 2.000 cây, sau 5 – 7 năm thu được từ 50 - 100 triệu đồng/ha. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã đã có 2 xưởng gỗ bóc tư nhân của ông Vũ Đức Nội ở thôn Yên Ngoan và anh Hoàng Văn Kiên ở thôn Yên Chàm liên tục thu mua. Nhà máy bột giấy trong khu công nghiệp Nam Quang (Bắc Quang) thu mua cả cây với giá 900 đồng/cân (mảnh vụn, cành nhỏ các loại đều tận thu) để nghiền bột giấy. Ngoài ra, các thương lái từ dưới Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội... cũng đến tận nơi để bao tiêu đầu ra cho cây trồng.
Đến nay toàn xã Tiên Yên có 470 ha rừng sản xuất với gần 300 hộ dân gắn bó lợi ích kinh tế gia đình với việc trồng rừng. Trồng rừng kinh tế đã đem lại những lợi ích thiết thực về KT – XH từ việc tăng độ che phủ, bảo vệ môi trường tự nhiên đến tạo việc làm, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân địa phương.
YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc