Trồng chít nâng cao thu nhập cho người dân Vị Xuyên
BHG- Từ khi được UBND tỉnh công nhận làng nghề vào năm 2013, Làng nghề chổi chít thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) ngày càng hoạt động hiệu quả, từ 500 nghìn sản phẩm vào năm 2010 đã tăng lên 1 triệu 200 nghìn sản phẩm vào năm 2014. Cấp ủy, chính quyền huyện Vị Xuyên đã quy hoạch vùng trồng chít nguyên liệu, vừa để đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho làng nghề, vừa mở ra hướng đi mới cho bà con trong phát triển kinh tế, đó là trồng chít để nâng cao thu nhập, góp phần XĐGN ở địa phương.
Đồi chít của gia đình anh Vi Thanh Nông, tổ 11, thị trấn Việt Lâm. |
Năm 2014, UBND huyện đã quy hoạch vùng trồng chít nguyên liệu tại các xã Bạch Ngọc, Ngọc Minh, Quảng Ngần và Thượng Sơn với tổng diện tích lên đến gần 60 ha. Cuối năm 2014, huyện đã triển khai trồng thí điểm 5 ha tại xã Bạch Ngọc; hiện nay, cây chít phát triển rất tốt. Anh Nông Khánh Toàn, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vị Xuyên cho biết: “Chít là cây dễ trồng, chịu mưa, chịu hạn tốt, có sức sống khỏe, phù hợp với vùng đồi núi thấp ở Vị Xuyên. Trồng chít không mất nhiều công chăm sóc, lại cho thu hoạch nhiều năm liên tục. Thân và bông chít dùng để làm chổi, lá chít có thể tận dụng để làm thức ăn cho trâu, bò, cá...”. Hiện nay, 1 ha chít cho thu nhập khoảng 20 triệu, từ năm thứ 3 trở đi có thể cho thu nhập lên đến gần 30 triệu/ha. So với trồng các cây lâu năm khác như keo, mỡ... thì trồng chít cho thu hoạch nhanh hơn và hiệu quả kinh tế mang lại cũng cao hơn.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Ban quản lý Làng nghề chổi chít thị trấn Việt Lâm, Nguyễn Văn Mịch cho biết: “Năm 2014, Làng nghề sản xuất ra 1 triệu 200 nghìn sản phẩm, doanh thu đạt 25 tỷ đồng. Dự kiến năm 2015 này sẽ tăng lên 1 triệu 500 nghìn sản phẩm, doanh thu ước đạt 32 tỷ đồng. Vì thế nguồn nguyên liệu để phục vụ cho làng nghề là rất lớn. Hiện nay, nguyên liệu trong tỉnh vẫn chưa đủ đáp ứng cho Làng nghề. Vì chít chỉ thu hoạch theo mùa, thường là từ tháng Giêng đến tháng 2, nên vừa rồi để chủ động nguyên liệu sản xuất cho cả năm, chúng tôi phải sang các tỉnh bạn như: Lai Châu, Lào Cai... thu mua với số lượng lên đến gần 100 tấn. Như vậy vừa tốn thời gian lại thêm chi phí vận chuyển và nhân lực. Nếu trong tỉnh mình có thể đáp ứng đủ nguyên liệu thì việc thu mua sẽ thuận tiện hơn, tiết kiệm được thời gian và chi phí”.
Hiện nay ở thị trấn Việt Lâm, một số hộ cũng đang nhen nhóm trồng chít vì nhận thấy đây là hướng đi mới có thể nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Như ở tổ 11 đang có vài hộ trồng với tổng diện tích khoảng 10 ha, trong đó nhiều nhất là hộ anh Vi Thanh Nông với diện tích 5 ha. Gặp vợ chồng anh đang chở những khóm chít giống lên đồi để trồng trong cái nắng chói chang của tháng 5, anh Nông chia sẻ: “Năm 2014, gia đình tôi trồng 1 ha chít, đến tháng Giêng vừa rồi đã cho thu hoạch đạt 20 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây chít mang lại cao hơn hẳn so với các cây trồng khác nên năm nay gia đình tôi mở rộng diện tích trồng chít lên 5ha. Những khóm chít giống này gia đình tôi mua tận trên Thượng Sơn về với giá 700 đồng/khóm”. Theo anh Nông thì trồng chít có rất nhiều ưu thế: Chít chỉ trồng một lần là cho thu hoạch nhiều năm liền; vốn đầu tư ban đầu ít, cho thu hoạch nhanh, không cần sử dụng đến các thuốc bảo vệ thực vật vì vậy không ảnh hưởng đến môi trường, không sợ mất mùa... Chít cho thu hoạch tốt nhất là từ năm thứ 2 – 3 trở đi. Chít trồng bông thường to hơn so với chít tự nhiên, được các thương lái ưa chuộng hơn và giá thành cũng cao hơn. Trăn trở lớn nhất của anh Nông cũng như các hộ trồng chít ở thị trấn Việt Lâm là mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương có thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật chăm sóc để cây chít mang lại hiệu quả cao nhất, vừa đáp ứng nguồn nguyên liệu cho làng nghề, vừa nâng cao thu nhập cho bà con trồng chít.
Rời thị trấn Việt Lâm, màu xanh mơn mởn của những khóm chít cứ đọng lại mãi trong tâm trí chúng tôi. Chẳng bao lâu nữa những khóm chít xanh tươi ấy sẽ đến mùa thu hoạch, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nơi đây. Mong rằng, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa để trồng chít thực sự trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn huyện.
Nguyễn Phương
Ý kiến bạn đọc