Phát triển chè Shan tuyết, lợi thế của Hoàng Su Phì

10:47, 06/07/2015

BHG- Nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, với khí hậu mát mẻ, trong lành, những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở huyện Hoàng Su Phì có mùi thơm rất đặc trưng, vị đậm, nước xanh, hiếm nơi nào có. Chè Shan tuyết đã, đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trở thành một trong những cây trồng xóa đói, giảm nghèo bền vững của huyện.

Thương hiệu chè xanh Shan tuyết đang từng bước tạo dựng được uy tín trên thị trường. Trong ảnh: Người dân ở thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên thu hái chè Shan tuyết.
Thương hiệu chè xanh Shan tuyết đang từng bước tạo dựng được uy tín trên thị trường. Trong ảnh: Người dân ở thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên thu hái chè Shan tuyết.

Tận dụng lợi thế về đất đai và khí hậu phù hợp với cây chè Shan tuyết, hiện nay, toàn huyện có 21/25 xã, thị trấn phát triển trồng chè với tổng diện tích hơn 4,4 nghìn ha, diện tích chè thu hoạch 3,3 nghìn ha với sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 12 nghìn tấn; diện tích trồng chè mới hàng năm không ngừng được mở rộng. Mặc dù là địa phương có diện tích chè đứng thứ 2 trong tỉnh, tuy nhiên, trên thực tế sản lượng, năng suất chè của vùng vẫn còn thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, việc quảng bá giới thiệu sản phẩm cũng như mẫu mã, bao bì sản phẩm còn hạn chế… Nguyên nhân xuất phát từ công nghệ trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến còn lạc hậu.

Để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất chè theo hướng phát triển bền vững trong chuỗi giá trị từ sản xuất – thu mua – chế biến – tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chè Shan tuyết trên thị trường… Huyện Hoàng Su Phì xây dựng Đề án “Phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè huyện Hoàng Su Phì đến năm 2020” nhằm xác định vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung có trọng điểm và lâu dài. Đồng chí Nguyễn Quang Duẩn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Đề án thực hiện sẽ giúp cho người làm chè tăng thêm thu nhập, giải quyết được nhiều việc làm cho khu vực nông thôn. Với mục tiêu cụ thể đến năm 2020 tạo được các vùng sản xuất chè tập trung, hỗ trợ thâm canh, tăng năng suất chè bình quân của huyện đạt 40 tạ/ha; phấn đấu chế biến công nghiệp đạt 75% sản lượng chè búp tươi theo hướng 70% chè xanh, trong đó có 30 - 35 % chè đặc sản, 30 % chè vàng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần tăng thu ngân sách hàng năm từ sản xuất chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm...

Trong những năm qua, sản xuất chè của huyện đạt được những kết quả đáng khích lệ: Năng suất, sản lượng chè liên tục tăng qua các năm; việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đầu tư thâm canh, sản xuất chè theo hướng an toàn, bền vững đưa cơ giới hoá vào sản xuất được đẩy mạnh; đã hình thành được các vùng sản xuất chè thâm canh, tập trung gắn với cơ sở chế biến. Bên cạnh đó, huyện cũng ban hành triển khai thực hiện một số cơ chế chính sách về phát triển cây chè, như hỗ trợ trồng mới, trồng dặm chè, hỗ trợ một lần cho các HTX chế biến chè như: Phìn Hồ, Chiến Hảo, Thuận An, Hồ Thầu..., qua đó góp phần tăng diện tích – năng xuất – sản lượng chè; hỗ trợ một số HTX chế biến chè đầu tư công nghệ, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm; chỉ đạo các xã trong vùng chè tiến hành tạm giao vùng nguyên liệu cho các HTX, các cơ sở chế biến chè. Đến nay, có 10 xã ban hành quyết định phân vùng nguyên liệu chè cho 6 HTX, 153 cơ sở chế biến chè. Sau khi tạm giao vùng nguyên liệu cơ bản các HTX, cơ sở chế biến đều thống nhất được với các hộ trồng chè về giá thu mua nguyên liệu theo giá thị trường. Có thể nói, sự vào cuộc, hỗ trợ kịp thời, đúng hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương đã từng bước tạo dựng uy tín cho chè Shan tuyết Hoàng Su Phì.

Nâng cao chất lượng cây chè, xây dựng vùng chè nguyên liệu tập trung là yêu cầu bắt buộc để tăng giá trị cho sản phẩm chè. Chỉ khi nào làm được như vậy thì cây chè mới thực sự là cây xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân ở Hoàng Su Phì. Hy vọng rằng, với việc xây dựng Đề án “Phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè huyện Hoàng Su Phì đến năm 2020”, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực, tự giác của người trồng chè sẽ góp phần đưa cây chè Shan tuyết thực sự là cây chủ lực, mũi nhọn, cây làm giầu trong phát triển kinh tế của huyện trong thời gian tới.

TIẾN LÂM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nghề đan nón lá trên vùng Cao nguyên đá

BHG - Đối với đồng bào dân tộc Giấy huyện Mèo Vạc, chiếc nón lá dừa không chỉ sử dụng như phương tiện che, đội đầu rất hữu ích và thiết thực trong đời sống hàng ngày, những dịp đi xa hay xuống chợ nhằm đáp ứng trước các hiện tượng mưa, nắng của thiên nhiên, giúp họ trong lao động sản xuất, mà chiếc nón lá dừa còn là nét đặc trưng văn hóa của người Giấy trên vùng Cao nguyên đá.

30/06/2015
Tín hiệu vui từ hoạt động thương mại - dịch vụ 6 tháng đầu năm của thành phố Hà Giang

BHG- Thành phố Hà Giang là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, trong đó thương mại - dịch vụ (TMDV) có phần đóng góp quan trọng tới phát triển kinh tế. Xác định rõ điều đó, thời gian qua, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo hoạt động TMDV trên địa bàn đảm bảo đúng quy trình về pháp lý Nhà nước và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMDV thuận lợi. 

06/07/2015
Để thói quen sử dụng hàng Việt "bám rễ" vào đời sống người dân

BHG - Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã đi được chặng đường gần 6 năm kể từ khi có thông báo số 264 – TB/TW ngày 31.7.2009 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các sở, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức và thói quen mua sắm của người dân, hàng Việt đang dần có chỗ đứng trên thị trường nội địa. 

06/07/2015
Điểm sáng sau cổ phần hóa

BHG - Từ năm 2010 đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản luôn ngập trong khó khăn, nhiều nhà máy, nhiều khai trường phải đóng cửa. 

06/07/2015