Giải quyết việc làm lúc nông nhàn cho lao động nông thôn ở Đồng Văn.
BHG - Thực tế cho thấy, để xoá đói giảm nghèo một cách bền vững ở nông thôn thì vấn đề cơ bản nhất là tạo công ăn việc làm cho người lao động, có thu nhập ổn định, trên cơ sở điều kiện thực tế và tiềm năng sẵn có của địa phương. Xác định rõ những yếu tố đó, thời gian qua huyện Đồng Văn đã có các giải pháp cụ thể cho lĩnh vực nông thôn, ở từng khâu, từng bước trong giải quyết việc làm cho người lao động lúc nông nhàn.
Là một huyện vùng cao biên giới của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhưng lại có tiềm năng lao động dồi dào, số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 51% dân số (có 37.958 người nằm trong độ tuổi lao động) và số người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới 85% trên tổng số người trong độ tuổi lao động, được tập trung chủ yếu tại các thôn, bản. Thời gian nhàn rỗi của người lao động nơi đây là khá dài, vào khoảng từ tháng 6-12 hàng năm (sau khi chăm sóc và thu hoạch ngô xong). Để khai thác tiềm năng lao động, tạo đột phá trong phát triển nông thôn, giải phóng nguồn lao động lúc nông nhàn, huyện Đồng Văn đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn vào cuộc kết hợp giữa tạo việc làm và đào tạo nghề, nâng cao trình độ của người lao động, kết hợp giữa sự đầu tư của Nhà nước với phát huy chính nội lực trong dân để giải phóng nguồn lao động của nông thôn. Trong đó, có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động ở nông thôn thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như: Chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn với các mô hình kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; phát triển kinh tế tập thể; Hợp tác xã; kinh tế hộ gia đình theo mô hình kết hợp; phát triển mạnh các làng nghề truyền thống đi đôi với xây dựng làng nghề mới, phát triển tiểu thủ công nghiệp tại các xã, chế biến nông sản, phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng… Huyện đã xác định vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động lúc nông nhàn ở Đồng Văn là chiến lược mang tính lâu dài phải tháo gỡ từng bước, từ tác động tư duy nhận thức của người lao động đến định hướng nghề, nâng cao trình độ nghề, lựa chọn phương thức lao động phù hợp... Bởi hiện nay, số lao động nông thôn ở đây vẫn còn có nhiều nơi sản xuất và lao động mang tập quán truyền thống có cái đã lạc hậu không còn phù hợp nữa cần phải thay thế (sản xuất không tập trung, đơn lẻ, trong phát triển sản xuất chỉ dựa trên kinh nghiệm là chính không biết áp dụng khoa học kỹ thuật, nên hiệu quả không cao... ), nhưng cũng có tập quán, nghề truyền thống cần phải khôi phục, giữ gìn để phát triển (thêu dệt thổ cẩm, sản suất nông cụ...). Từ phân tích đánh giá cụ thể đối với nông thôn vùng cao nơi đây, tâm lý tập quán sản xuất của người dân, huyện có định hướng cụ thể và xây dựng các kế hoạch đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong vấn đề xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Huyện đã có giải pháp giúp người lao động tự giải phóng lao động cho chính bản thân mình thông qua các chương trình cho vay vốn đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình của Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Măt trận tổ quốc... và chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn trong huyện tạo điều kiện cho các gia đình ở nông thôn vay vốn từ các nguồn Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn và các nguồn vốn khác. Bên cạnh đó, huyện đã chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn dựa trên điều kiện thực tế của địa phương, như đào tạo về kỹ thuật xây dựng; kỹ thuật trồng cây lương thực, thực phẩm; trồng hoa, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Huyện đã xây dựng lộ trình cụ thể trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo điều kiện cho người lao động có việc làm, thu nhập ổn định, giúp cho người lao động nông thôn từng bước nâng cao nhận thức phù hợp theo hướng “chuyên nghiệp hoá. Nhân rộng các mô hình trang trại, khuyến khích phát triển các ngành nghề truyên thống, giúp người dân có định hướng, kế hoạch sử dụng quỹ thời gian tương ứng với ngành nghề cụ thể, tránh chỉ lao động theo thời vụ, cụ thể: Mỗi năm huyện Đồng văn đã có những chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho trên 1.300 lao động, đặc biệt trong năm 2014 vừa qua huyện đã giải quyết mới cho 1.422 lao động (chủ yếu là lao động nông thôn), số lao động được giải quyết việc làm chủ yếu thông qua các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, các hợp tác xã (may trang phục dân tộc, nấu rượu..), kinh tế trang trại, hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh. Mức thu nhập của người lao động trung bình từ 150-200 nghìn đồng/ngày. Chỉ đạo Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức đào tạo được tổng số 47 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 1.500 học viên với các ngành nghề đào tạo chủ yếu là: Nuôi và phòng trị bệnh cho bò, nuôi ong lấy mật, trồng và nhân giống nấm; trồng rau an toàn, lắp đặt điện nội thất, xây dựng dân dụng, cắt may trang phục...
Để giải quyết triệt để vấn đề việc làm cho lao động ở nông thôn cũng như giải quyết việc làm lúc nông nhàn ở Đồng văn cần phải có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị của huyện và người lao động ở nông thôn cũng phải nâng cao nhận thức tự giải phóng lao động cho chính bản thân mình dựa trên điều kiện của gia đình kết hợp với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.
MẠNH TƯỜNG
Ý kiến bạn đọc