Điểm sáng sau cổ phần hóa

10:38, 06/07/2015

BHG - Từ năm 2010 đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản luôn ngập trong khó khăn, nhiều nhà máy, nhiều khai trường phải đóng cửa. Thế nhưng, Công ty Cổ phần cơ khí (CPCK) và khoáng sản Hà Giang không những đứng vững còn luôn chủ động tìm kiếm cơ hội đầu tư trong khủng hoảng, vẫn “ăn nên làm ra”, sản phẩm Angtimon kim loại đã chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản và gần như không có đối thủ cạnh tranh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn đạt những con số ấn tượng như tổng doanh thu từ năm 2010 - 2014 đạt gần 831 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 500 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 156 tỷ đồng, năng suất lao động năm 2014 đạt hơn 3,5 tấn sản phẩm/lao động, tăng gần 26% so với năm 2010...

20 năm hình thành, phát triển, khoảng mươi năm hoạt động dưới hình thức cổ phần hóa, với sự nỗ lực không mệt mỏi, tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, sáng tạo, đào sâu suy nghĩ, quyết đoán của tập lãnh đạo và người lao động, Công ty CPCK và khoáng sản Hà Giang đã vươn lên, khẳng định đẳng cấp doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực khai khoáng của tỉnh, thương hiệu mạnh trên sàn chứng khoán. Điều gì đã làm lên kỳ tích của doanh nghiệp sau cổ phần hóa? Giải đáp những băn khoăn đó, Chủ tịch HĐQT Công ty CPCK và khoáng sản Hà Giang, Trịnh Ngọc Hiếu cho biết: Trong quá trình hoạt động, khâu nghiên cứu, phân tích thị trường, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tế của doanh nghiệp, thực trạng cung cầu tiêu thụ luôn được đặt lên hàng đầu. Không những vậy, hàng loạt các giải pháp kỹ thuật được vận dụng nhằm nâng cao hiệu quả điều hành, giải quyết công việc và sản xuất như lắp đặt hệ thống camera giám sát nhằm kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh; đưa công nghệ khí hóa than thay phương pháp đốt than trực tiếp trong tinh luyện, sử dụng than antrxits trong nước thay thế than cốc để chủ động sản xuất, giảm giá thành sản phẩm; áp dụng quy trình luyện xỉ sô đa vào sản xuất giải quyết được lượng xỉ tồn kho, thu hồi sản phẩm kim loại Antimon... Các giải pháp công nghệ được vận dụng thành công, đã đưa doanh thu, lợi nhuận và năng suất lao động tăng cao, đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương.

Cùng với việc mở rộng sản xuất, chú trọng chất lượng sản phẩm, Công ty CPCK và khoáng sản Hà Giang còn thực hiện tốt các quy định của pháp luật về khoáng sản, quản lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tổ chức khai thác theo thiết kế đảm bảo an toàn về người, tài sản. Vấn đề môi trường trong sản xuất được thực hiện hiệu quả thông qua xây dựng bãi chứa chất thải tại khai trường; trồng cỏ vetiver tại các khu vực bãi thải, sườn đồi, lòng suối chống sói mòn, sạt lở; trồng bổ sung 12 ha keo vào các khu vực chưa khai thác, nâng diện tích trồng rừng lên hơn 24 ha, tăng mật độ phủ xanh khu vực mỏ; đắp đập tạo hồ chứa nước điều hòa khí hậu và thả cá bảo vệ môi trường. Ban lãnh đạo Công ty luôn coi trọng, thực hiện hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động, đảm bảo bố trí đủ việc làm cho 100% lao động với thu nhập bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng, được đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thất nghiệp. Hàng năm, người lao động được tổ chức khám sức khỏe định kỳ, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật, được đi thăm quan trong và ngoài nước.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước xây dựng hình ảnh doanh nhân trong thời đại mới, có văn hóa, có trí tuệ, trình độ quản trị tiên tiến... từ nhiều năm qua, ban lãnh đạo Công ty, từng cá nhân người lao động đều chú trọng tạo dựng, gìn giữ và phát huy hình ảnh doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân. Công ty đã tập trung chỉnh sửa, bổ sung Điều lệ hoạt động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế thi đua khen thưởng, quy chế hoạt động Ban điều hành, quy chế phân cấp quản lý... xây dựng và tập huấn cho cán bộ, công nhân về văn hóa doanh nghiệp. Cán bộ, công nhân làm công tác nghiệp vụ, xây dựng tác nghiệp theo tháng và năm, định kỳ một năm 2 lần viết báo cáo kết quả công việc để Hội đồng đánh giá xếp lương, hàng tháng tổ chức họp xét thi đua xếp loại lao động xét thưởng theo quý, năm. Công ty từng bước xây dựng, hoàn thiện các nội quy, quy chế hoạt động, tạo dựng đội ngũ công nhân lành nghề, kỹ thuật cao, sử dụng thành thạo công nghệ mới, tạo ra sản phẩm giá trị cao đáp ứng nhu cầu thị trường, gia tăng tích lũy tài chính, đầu tư vào các dự án có tiềm năng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Ngọc Hiếu cho rằng, Công ty CPCK và khoáng sản Hà Giang có nhiều lợi thế mở rộng kinh doanh, có nguồn vốn, sức mạnh tài chính thực hiện các dự án đầu tư mới, đội ngũ cán bộ công nhân kỹ thuật trình độ cao, kinh nghiệm và trách nhiệm, sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước và trên thế giới. Tuy nhiên, sự giảm giá của thị trường kim loại thế giới, mức thuế tài nguyên tăng gần gấp đôi, khai thác quặng ngày một xuống sâu, lòng moong hẹp, chi phí bốc xúc đất đá thải và công tác bảo vệ môi trường ngày càng tăng, thiết bị máy móc cần phải đầu tư, đổi mới công nghệ, vật tư nhiên, nguyên liệu có xu hướng tăng... cũng tạo áp lực không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hóa giải được điều này, đòi hỏi sự đoàn kết, chung sức, chung lòng nỗ lực phấn đấu của mỗi cán bộ, đảng viên và người lao động.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, năng lực thực tế, thời gian tới, Công ty CPCK khoáng sản Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; xây dựng các dự án đầu tư chiến lược, mang tính đột phá; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật trình độ, tay nghề cao, thích ứng với cơ chế thị trường, xu thế hội nhập. Đối với hoạt động khai thác quặng sẽ hoàn chỉnh dự án thăm dò, nâng cấp trữ lượng mỏ Antimon Mậu Duệ giai đoạn III trên toàn bộ diện tích được cấp phép; xây dựng phương án khai thác, đổ thải có trình tự hợp lý, hạn chế đổ thải ra ngoài; đổi mới thiết bị mỏ, dự án tuyển quặng, hạn chế tổn thất tài nguyên trong khai thác, đặc biệt chú trọng các giải pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn bảo vệ tài nguyên, môi trường. Đồng thời, hoàn thiện các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất; nghiên cứu đầu tư, đổi mới dây chuyền thiêu kết, đổi mới hệ thống cung cấp bột ôxít từ thiêu sang tinh luyện; tăng cường quản lý, sử dụng vật tư, nguyên nhiên liệu trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả thu hồi chung, giảm giá thành sản xuất...

Thực hiện hiệu quả các giải pháp trên, Công ty CPCK và khoáng sản Hà Giang đặt kỳ vọng, doanh thu tăng trưởng bình quân 10%/năm. Đồng thời, chi trả đúng, đủ, kịp thời chế độ tiền lương cho người lao động, đảm bảo thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/người/tháng trở lên, đóng nộp và thanh toán các chế độ cho 100% người lao động.

                                                                    Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nghề đan nón lá trên vùng Cao nguyên đá

BHG - Đối với đồng bào dân tộc Giấy huyện Mèo Vạc, chiếc nón lá dừa không chỉ sử dụng như phương tiện che, đội đầu rất hữu ích và thiết thực trong đời sống hàng ngày, những dịp đi xa hay xuống chợ nhằm đáp ứng trước các hiện tượng mưa, nắng của thiên nhiên, giúp họ trong lao động sản xuất, mà chiếc nón lá dừa còn là nét đặc trưng văn hóa của người Giấy trên vùng Cao nguyên đá.

30/06/2015
Bắc Mê: Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng năm 2015

BHG- Theo kế hoạch, năm 2015 huyện Bắc Mê triển khai trồng mới 7.500 ha rừng lâm nghiệp xã hội nhưng đến thời điểm này, tổng diện tích các hộ gia đình đã đăng ký trồng rừng chỉ mới đạt hơn 50% kế hoạch (gần 4 nghìn ha); diện tích trồng rừng mới được trên 1.125 ha. Để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, huyện Bắc Mê đang tập trung mọi nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, quyết tâm thực thiện hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao. 

30/06/2015
Trồng rừng kinh tế - hướng phát triển bền vững ở xã Tiên Yên

BHG- Tiên Yên là xã vùng thấp của huyện Quang Bình có trên 700 ha đất lâm nghiệp. Xác định rõ việc phát triển kinh tế rừng là một trong những hướng đi đúng đắn nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con nhân dân, những năm gần đây cấp ủy, chính quyền xã Tiên Yên thực sự quan tâm đến vấn đề này, đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đoàn thể tuyên truyền vận động nhân dân tập trung trồng rừng kinh tế, nhằm giúp người dân địa phương có nguồn thu nhập ổn định. 

06/07/2015
Vị Xuyên hướng tới xã hội hóa quản lý, đầu tư chợ nông thôn

BHG- Hiện nay huyện Vị Xuyên có 21/24 xã, thị trấn được đầu tư xây dựng chợ tại trung tâm, tuy nhiên theo báo cáo của Phòng Công thương huyện, các chợ này chưa phát huy hết công năng và hiệu quả. Thậm chí nhiều chợ được xây dựng kiên cố, quy củ nhưng người dân không bán hàng tập trung trong khuôn viên mà tràn ra lòng lề đường gây cản trở giao thông và lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước. 

06/07/2015