Nghề đan nón lá trên vùng Cao nguyên đá
BHG - Đối với đồng bào dân tộc Giấy huyện Mèo Vạc, chiếc nón lá dừa không chỉ sử dụng như phương tiện che, đội đầu rất hữu ích và thiết thực trong đời sống hàng ngày, những dịp đi xa hay xuống chợ nhằm đáp ứng trước các hiện tượng mưa, nắng của thiên nhiên, giúp họ trong lao động sản xuất, mà chiếc nón lá dừa còn là nét đặc trưng văn hóa của người Giấy trên vùng Cao nguyên đá.
Thi đan nón lá tại Lễ hội “Chợ tình Khâu Vai” |
Đan nón lá là một trong những nghề cổ truyền của dân tộc Giấy, biểu hiện sự khéo tay, đức tính chăm chỉ, cẩn thận từ việc chuốt từng sợi giang, sợi guột... Nguyên liệu chủ yếu để làm nón là giang, guột, lá chít, lá cọ rừng. Công việc đan nón được tiến hành quanh năm, nhưng phổ biến nhất là vào các dịp nông nhàn. Hiện nay do sự phát triển của xã hội nên những người phụ nữ dân tộc Giấy chỉ đội những chiếc nón này khi mặc những trang phục của dân tộc mình và còn rất ít gia đình làm nghề đan nón, sản phẩm chủ yếu là tự cung, tự cấp. Đồng bào dân tộc Giấy là cư dân sinh sống lâu đời trên vùng đất Nậm Ban, Tát Ngà dọc trên những triền núi đá đất thuộc huyện Mèo Vạc. Điều kiện thiên nhiên nơi đây rất khắc nhiệt, nắng nhiều, mưa cũng nhiều. Để thích ứng với môi trường trên, từ lâu người Giấy đã biết dùng các loại lá cây rừng để làm phương tiện che, đội của tộc người mình.
Bác Nùng A Ý, 60 tuổi, dân tộc Giấy hiện đang sinh sống tại thôn Bắc Làng, xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc, thành viên tham gia Hội thi đan nón lá trong Tuần văn hoá Du lịch Lễ hội “Chợ tình” Khâu Vai cho biết: Để làm được một chiếc nón lá rừng rất khó khăn, không phải đàn ông dân tộc Giấy nào cũng làm được, chỉ có những người đàn ông Giấy khéo tay mới tạo ra chiếc nón đẹp và hoàn hảo, dẫu rằng không có một quy chuẩn về cả kích thước, khuôn mẫu định sẵn. Với người Giấy quê tôi, chỉ biết ước chừng làm ra chiếc nón tốn bao nhiêu thời gian. Theo tìm hiểu, để tạo ra một chiếc nón đúng tiêu chuẩn thì khâu chuẩn bị nguyên liệu đóng vai trò then chốt. Người đàn ông thường tốn rất nhiều thời gian và công sức để vào rừng tìm cây giang và lá cọ rừng. Theo kinh nghiệm, người Giấy thường khai thác lá dừa rừng không quá già mà cũng không quá non. Mùa khai thác lá dừa rừng là những ngày cuối tháng hoặc vào những dịp không có trăng thì lá dừa sẽ không bị sâu và có độ bền cao.
Khi tìm được lá dừa từ rừng đem về, họ bắt tay vào làm khung xương nón, kích cỡ 45cm đến 50cm. Với nghệ thuật đan long mốt, các lỗ nan có dáng hình lục giác. Để tạo dáng và khung đỡ cho chiếc nón, phần rìa và các đường đan được bẻ gập làm cho khung nón không bị bung ra. Khi khung làm xong, họ tiến hành lợp lá, số lượng lá cho một chiếc nón thường từ 2 - 3 lá dừa rừng. Việc tiếp theo là cạp vành bằng kỹ thuật rút vành trong cho đến vành ngoài. Có thể nói, từ lâu chiếc nón lá dừa đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người Giấy nơi đây. Qua thời gian đã có sự chuyển biến và ảnh hưởng lẫn nhau nhưng dẫu rằng trong điều kiện hội nhập như hiện nay, do có sự giao lưu văn hóa vùng miền của các dân tộc sống cận cư trong vùng diễn ra mạnh mẽ, đã và đang làm cho những yếu tố văn hóa cổ truyền của đồng bào dân tộc Giấy huyện Mèo Vạc đang bị mai một, nhưng với chiếc nón lá dừa nó luôn là vật dụng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, trong lao động sản xuất, những dịp đi xa mà nó còn là hình ảnh thân quen lưu lại trong ký ức của người Giấy nơi đây. Chính sự tự nhiên với dáng vẻ hoang sơ, đơn giản của những chiếc nón lá, với những kỹ sảo đan lát độc đáo đã tạo nên kiểu dáng riêng của chiếc nón và chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa của cộng đồng người Giấy ở huyện Mèo Vạc.
Hiện nay, nghề đan nón lá còn được làm tại xã Nậm Ban và Tát Ngà. Chúng tôi hy vọng rằng, nón lá của người Giấy sẽ trở thành một sản phẩm được nhiều du khách tìm mua làm kỷ niệm mỗi khi đến tham quan, du lịch “Chợ tình Khâu Vai” hàng năm. Lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa chứa đựng trong từng chiếc nón và nghề đan nón lá của người Giấy cũng chính là góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc huyện Mèo Vạc./.
Bài, ảnh: VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc