Vị Xuyên, hứa hẹn mùa chanh leo bội thu
BHG- Đề án trồng mới cây chanh leo trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã được triển khai thực hiện hơn 1 năm. Qua vụ đầu thu hoạch, mặc dù là vụ đầu tiên, mới là quả bói, nhưng cây chanh leo đã khẳng định được hiệu quả kinh tế và phù hợp với nhiều vùng đất đai, khí hậu của huyện. Đề án trồng cây chanh leo đã nhận được sự đồng tình cao của người dân; sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc tích cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên từ các cơ quan chuyên môn đến cán bộ các xã trong vùng thực hiện đề án và sự liên kết chặt chẽ của doanh nghiệp.
Cán bộ phòng Nông nghiệp - PTNT kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây. |
Nhằm góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả, tạo công ăn việc làm ổn định cho khu vực nông thôn, phát triển nông nghiệp bền vững, có sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân, huyện Vị Xuyên đã đưa Đề án trồng chanh leo vào thực hiện tại 3 xã: Trung Thành, Bạch Ngọc và Ngọc Linh với diện tích 50 ha với 99 hộ dân thực hiện. Sau khi thẩm định đợt cuối, huyện đã cho các hộ tham gia thực hiện Đề án có hiệu quả vay toàn bộ số vốn 50 triệu đồng/ha theo hình thức cho vay có thu hôi với tổng số vốn 2.152.800.000 đồng, đạt 92% kế hoạch. Tổng nguồn vốn Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã cho vay là 642.328.000 đồng, trong đó, tiền giống 537.600.000 đồng, bằng 17.920 cây; tiền thuốc bảo vệ thực vật 105.728000 đồng, bằng 1.792 lọ. Đến thời điểm này, mặc dù trên một số vườn trồng xuất hiện một số loại sâu bệnh như: Dế mèn, rệp hại chồi non, sâu ăn lá, bọ rùa, ruồi đục quả, bệnh xoắn lá, bệnh lở cổ rễ... tuy nhiên tỷ lệ nhiễm sâu bệnh không nhiều. Các tổ chỉ đạo, cán bộ kỹ thuật của Công ty Đồng Giao, cán bộ chuyên môn của Phòng Nông nghiệp - PTNT đã hướng dẫn các hộ dân thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Cùng với việc được tập huấn kỹ lưỡng về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây canh leo, hầu hết diện tích của các hộ thực hiện đề án đều phát triển, sinh trưởng tốt, đã ra hoa và cho quả.
Một phần vườn chanh leo mẫu do phòng Nông nghiệp – PTNT thực hiện tại thôn Hai Luồng, xã Trung Thành. |
Trao đổi với đồng chí Lê Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Vị Xuyên được biết: Phòng đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần thực phẩm Đồng Giao thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển, diễn biến sâu bệnh hại trên cây chanh leo. Hướng dẫn, đôn đốc các hộ dân thực hiện chăm sóc, cắt tỉa cành lá, bón thúc, tưới nước, làm giàn đúng quy trình kỹ thuật. Tiếp tục trồng dặm bổ sung vào diện tích cây đã chết bằng nguồn giống do Công ty cấp phát hoặc các hộ dân tự hom giống từ các cây sinh trưởng phát triển tốt. Làm tốt công tác quản lý nguyên liệu đầu ra, đảm bảo cho Công ty Đồng Giao thu mua 100% sản phẩm Chanh leo sau thu hoạch. Dẫn chúng tôi đến thăm diện tích trồng mẫu do Phòng Nông nghiệp – PTNT thực hiện, không riêng gì đồng chí Lê Thanh Hải vui mừng mà bất cứ ai cũng phải trầm trồ khi nhìn thấy những giàn chanh leo trĩu quả căng mọng, hứa hẹn một ngày bội thu không xa. Xác định cây chanh leo rất phù hợp với điều kiện thổ những, khí hậu trên địa bàn; là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế, thiết thực giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Năm 2015, huyện Vị Xuyên tiếp tục mở rộng thêm vùng dự án, triển khai trồng mới thêm 33,8 ha cây chanh leo tại các xã Trung Thành, Bạch Ngọc, Ngọc Linh, Đạo Đức, Việt Lâm, Kim Thạch, Tùng Bá và thị trấn Việt Lâm.
Trưởng phòng Lê Thanh Hải cũng cho biết thêm, thực hiện chủ trương của tỉnh, khi thực hiện đề án phải có vườn đối chứng. UBND huyện đã xây dựng vườn mẫu chanh leo với quy mô 3 ha tại xã Trung Thành. Đơn vị thực hiện là Phòng Nông nghiệp và PTNT cùng với 2 hộ bà Nguyễn Thị Tuyết (2 ha tại thôn Thủy Lâm), ông Lưu Bá Kê (1 ha tại thôn Đồng) trông coi và chăm sóc. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện diện tích trên là 250 triệu đồng. Diện tích mẫu được trồng cùng lô giống đợt II (trồng ngày 25/4/2014), được đầu tư, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, được cán bộ thường xuyên theo dõi. Đến nay, hầu hết tất cả các cây trồng sinh trưởng phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, đã ra hoa, đậu quả, tiêu biểu có những cây đạt trên 200 quả, chất lượng quả khá tốt. Sản lượng ước đạt khoảng 20 tấn/ha/năm, cho thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/ha. Theo ước tính, sau khi trừ chi phí, doanh thu đạt trên 100 triệu đồng/ha trong năm thứ 2.
Có thể nói, sau 1 năm triển khai, được sự chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc, sâu sát, có đánh giá kết quả hàng tháng, từ đó giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Dự án tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của người sản xuất, nguồn vốn thực hiện 100% là nguồn vốn tái đầu tư có thu hồi, nên cũng nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện dự án. Một số hộ đã có thu nhập từ cây chanh leo từ đó tái đầu tư, sử dụng tiền đã bán sản phẩm vào việc đầu tư thêm phân bón, vật tư làm giàn và hệ thống tưới tiêu. Thăm những giàn chanh leo xanh mướt, tốt tươi, quả sai trĩu giàn ở hầu khắp diện tích của dự án, tin tưởng rằng người dân trồng chanh leo sẽ có một mùa quả bội thu.
AN DƯƠNG
Ý kiến bạn đọc