Phát triển chăn nuôi dê ở Thàng Tín
BHG - Những năm gần đây, mô hình nuôi dê lấy thịt ở xã Thàng Tín (Hoàng Su Phì) đang được nhân rộng và trở thành mô hình sản xuất bền vững với quy mô gia đình, mở ra nhiều triển vọng thoát nghèo cho người dân địa phương.
Với đặc tính dễ nuôi, khả năng thích nghi tốt, ít bệnh tật, ít tốn công chăm sóc và có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương... Đặc biệt, là mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên được nhiều hộ nông dân chọn mô hình chăn nuôi dê thịt để thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Trước đây, gia đình ông Giàng Sín Phòng, thôn Hoàng Lao Chải thuộc diện hộ nghèo. Để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, anh Phòng đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để làm chuồng trại và mua 15 con dê giống, trong đó: 14 con cái và 1 con đực về nuôi. Do chăm sóc tốt, đến nay, gia đình anh đã có đàn dê lên đến gần 30 con, mỗi năm cho thu nhập từ 20 – 25 triệu đồng từ tiền bán dê thịt và dê giống. Anh Phòng cho biết: Nuôi dê khá nhàn vì đây là động vật ít bệnh, ăn tạp, sinh sản nhanh. Hình thức nuôi chủ yếu là bán chăn thả, nghĩa là vừa nuôi nhốt kết hợp chăn thả, nhưng cơ bản vẫn là chăn thả để kiếm nguồn thức ăn có trong tự nhiên. Cách thức chăn nuôi này vừa tốn ít thời gian, đàn dê lại nhanh lớn, thịt ăn cũng đảm bảo chất lượng, được khách hàng ưa chuộng hơn.
Mô hình nuôi dê lấy thịt đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân ở xã Thàng Tín. Trong ảnh: Mô hình nuôi dê thịt theo hình thức bán chăn thả của gia đình anh Giàng Sín Phòng, thôn Hoàng Lao Chải. |
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình chăn nuôi dê lấy thịt tại địa phương nên từ năm 2011, sau khi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, gia đình anh Lù Văn Thư, thôn Tả Chải đã đầu tư con giống, chuồng trại để phát triển nuôi dê. Vốn ban đầu bỏ ra 15 triệu đồng để mua 6 con dê giống, giờ đây đàn dê đã tăng lên 26 con. Anh Thư chia sẻ: Nhờ chăn nuôi dê mà gia đình anh đã thoát được nghèo từ năm 2013. Nếu so với chăn nuôi lợn thì nuôi dê hiệu quả hơn nhiều vì vốn đầu tư ít, không phải tốn nhiều tiền mua thức ăn. Giá thịt dê thương phẩm luôn ổn định từ 120 – 150 nghìn đồng/kg, vì thế rất thuận lợi cho người chăn nuôi. Hiện nay, gia đình anh đang tiếp tục mở rộng quy mô đàn dê. Theo tính toán của anh Thư thì đàn dê của anh hiện tại trị giá gần 100 triệu đồng và mỗi năm, 1 con dê cái đẻ được 2 lứa, mỗi lứa từ 1 – 2 con thì vài năm nữa đàn dê của anh sẽ lên đến con số hàng trăm con.
Chủ tịch UBND xã Thàng Tín Bùi Tuyên Hùng cho biết: Trong khi chăn nuôi trâu, bò đang gặp khó khăn về nguồn vốn, điều kiện chăn thả..., thì mô hình nuôi dê lấy thịt là lựa chọn phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con nông dân, nhất là những hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hiện tổng đàn dê của xã có gần 600 con, trong đó phát triển mạnh ở các thôn: Cóc Rạc, Ngài Trồ, Tả Chải, Hoàng Lao Chải; mỗi hộ trung bình nuôi từ 20 – 30 con dê. Để tăng số lượng đàn dê, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT về chăn nuôi dê; quy hoạch vùng chăn thả dê kết hợp trồng cỏ để làm nguồn thức ăn cho dê; chủ động phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo cho đàn dê sinh trưởng và phát triển; tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay và con giống để phát triển chăn nuôi... Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Ý kiến bạn đọc