Nhiều khó khăn trong cấp quyền khai thác vật liệu xây dựng
BHG- Tính đến nay, trong tổng số hàng chục điểm khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường trên địa bàn tỉnh, số điểm được cấp quyền khai thác (QKT) chỉ có... 1 điểm. Mặc cho nhiều điểm khai thác chưa được cấp QKT, nhưng việc khai thác vẫn diễn ra. Thực tế đó đặt ra nhiều khó khăn trong quản lý khai thác loại vật liệu thiết yếu cho xây dựng này.
Một điểm khai thác cát ở khu vực cầu Gạc Đì, phường Quang Trung, TPHG, dù đã hết hạn khai thác, nhưng vẫn hoạt động. |
Chặt chẽ thủ tục cấp quyền khai thác.
Những năm qua, nhu cầu xây dựng ngày càng tăng cao. Trong khi các quy định, thủ tục của Nhà nước về cấp QKT khoáng sản, trong đó có cát, sỏi xây dựng ngày càng chặt chẽ. Các quy định, thủ tục giống nhau trong cả nước, kể cả khu vực miền núi, nơi có điều kiện trữ lượng, địa hình và mức độ khai thác khác với các tỉnh đồng bằng.
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng nhiều điểm khai thác cát sỏi làm VLXD trong tỉnh hiện nay chưa được cấp QKT, anh Tô Danh Xuân, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên khoáng sản, nước và khí tượng thủy văn, Sở TN&MT cho biết, hiện nay đối với lĩnh vực khai thác cát, sỏi làm VLXD, muốn được cấp QKT phải qua nhiều khâu thẩm định, xem xét theo quy định của pháp luật. Vì bản chất Nhà nước mong muốn đơn vị được cấp QKT phải có đủ năng lực. Nói về lí do hiện nay, nhiều đơn vị khai thác cát, sỏi làm VLXD có nhu cầu, nhưng chưa được cấp QKT, anh Xuân cho biết thêm, do năng lực của đơn vị khai thác còn hạn chế, chưa lập hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật nên chưa đủ điều kiện cơ sở để cấp QKT. Hơn nữa, khi Luật Bảo vệ môi trường mới được sửa đổi, ban hành và có hiệu lực từ tháng 1.2015, nhiều quy định, thủ tục thuộc lĩnh vực khoáng sản vẫn đang phải chờ hướng dẫn từ trên.
Được biết, để được cấp QKT cát, sỏi, quy trình đề nghị cũng khá chặt chẽ. Muốn được cấp QKT cát, sỏi làm VLXD ở một địa điểm nằm trong quy hoạch được khai thác, đơn vị khai thác cần thực hiện qua 3 bước, gồm: Lập hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò khoáng sản; trình hồ sơ đề nghị phê duyệt trữ lượng khoáng sản; lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác hoáng sản. Trong 3 bước trên, các đơn vị khai thác cần phải qua nhiều khâu ở các sở: TN&MT, Kế hoạch và đầu tư, Khoa học và công nghệ và UBND cấp huyện, thành phố. Với những khâu, thủ tục như vậy, nếu đơn vị không đủ năng lực đáp ứng các quy định của Nhà nước, rất khó để được cấp QKT.
Cát được hút lên cao ngất như… núi. |
Cần cơ chế đặc thù cho khai thác cát, sỏi!?.
Qua tìm hiểu tại một số cơ sở khai thác cát, sỏi làm VLXD, được biết trước những quy trình thủ tục pháp lý, trong điều kiện các doanh nghiệp, hợp tác xã ở tỉnh như hiện nay, rất khó để nhiều đơn vị tự mình hoàn thiện được các thủ tục. Đặc biệt là các khâu lập dự án đầu tư, đề án phục hồi, cải tạo môi trường... Từ đó, có những đơn vị phải thuê tư vấn chuyên ngành thực hiện các khâu này.
Theo một số cán bộ tài nguyên môi trường của tỉnh và một số huyện, thành phố, đặc thù khai thác cát, sỏi làm VLXD ở những tỉnh miền núi khác với các tỉnh đồng bằng. Trữ lượng các điểm khai thác không lớn, rải rác, không tập trung. Do đó, việc khai thác cũng phải đa dạng hơn, ít có chỗ có thể áp dụng khai thác với máy móc lớn, có chỗ chỉ có thể khai thác đơn giản, khai thác nhỏ... Các đơn vị khai thác ít có những đơn vị lớn, có tầm cỡ và năng lực. Trong khi thủ tục đề nghị cấp QKT cát, sỏi làm VLXD thông thường không khác gì với các loại khoáng sản khác, cả nước đều có một quy trình chung.
Tại thành phố Hà Giang, hiện có đến 9 đơn vị khai thác cát, sỏi làm VLXD tại 9 điểm. Nhưng, chỉ có 1 đơn vị được cấp QKT là công ty TNHH 282. Số còn lại hiện vẫn chưa được cấp quyền, nhưng việc khai thác tại một số điểm hiện vẫn diễn ra. Anh Hoàng Văn Hậu, Phó trưởng Phòng TN&MT thành phố cho biết, trong khi các quy định ngày càng chặt chẽ, đa phần các đơn vị khai thác cát, sỏi từng được cấp QKT, nay đã hết thời hạn khai thác, không có giấy phép khai thác. Nhưng nếu dừng hết các điểm khai thác hiện nay thì rất khó khăn vì nhu cầu xây dựng ngày càng lớn. Trước khó khăn về nguồn cát, sỏi xây dựng, thực tế thời gian qua, tại một số địa bàn trong tỉnh, chúng ta cũng đã cho phép một số cơ sở khai thác cát, sỏi phục vụ xây dựng Nông thôn mới.
Từ thực tế trên, nên chăng Hà Giang nói riêng, các tỉnh miền núi nói chung cần nghiên cứu, đề xuất T.Ư có cơ chế, thủ tục pháp lý cấp quyền khai thác đặc thù, phù hợp với địa bàn miền núi. Để từ đó, tháo gỡ khó khăn trước tình trạng QKT chưa được cấp, nhưng nhiều đơn vị khai thác cát, sỏi vẫn khai thác ầm ầm như hiện nay. Qua đó, không chỉ góp phần quản lý tốt vấn đề khai thác cát, sỏi, đảm bảo nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước mà còn khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu VLXD đang ngày càng gia tăng.
TOAN SẮCK
Ý kiến bạn đọc