Bỏ lỡ... "tấc vàng"
BHG - Câu ca dao đúc kết kinh nghiệm quý ngàn đời xưa để lại: “Ai ơi! Chớ bỏ ruộng hoang/ Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu”, nay đau đáu trong lòng chúng tôi trước hiện thực: Nhiều thửa ruộng ngay tại xã Phương Độ (thành phố Hà Giang), vụ Xuân này... cỏ dại vẫn đua nhau mọc khắp ruộng hoang.
Bước vào sản xuất lúa vụ Xuân, đối với những chân ruộng không chủ động về nguồn nước tưới, thường được người dân chuyển sang trồng các loại cây khác như: Ngô, lạc, bí, dưa chuột... Vậy nhưng, ở 3 thôn vùng cao của xã Phương Độ: Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vài; trong một năm, sau khi kết thúc sản xuất lúa vụ Mùa thì phần nhiều diện tích đất ruộng bước vào giai đoạn “ngủ đông” cho đến hết vụ Xuân.
Vừa sản xuất chè, Thảo quả nhưng gia đình chị Trương Thị Dần (thôn Nà Thác) vẫn sắp xếp thời gian, trồng thêm ruộng ngô xen lẫn bí đỏ, đỗ, dưa chuột để tăng thu nhập. |
Dọc tuyến đường liên thôn từ Nà Thác, Khuổi My lên đến thôn Lùng Vài, hình ảnh được lặp lại một cách quen thuộc chính là những thửa ruộng bậc thang vẫn còn “ngủ đông”. Nhưng điều đặc biệt, xen với những diện tích trên, rải rác một vài thửa ruộng có màu xanh tốt của ngô, vươn mình lên cao, dành khoảng đất bên dưới cho cây rau bí, đỗ và dây dưa chuột phát triển... Đem những hình ảnh không đồng nhất trên thắc mắc với Bí thư Chi bộ thôn Khuổi My Trương Văn Bài, chúng tôi được biết: Cả thôn có 56 hộ với trên 17 ha đất trồng lúa. Trong một năm, thôn chỉ có thể sản xuất duy nhất vụ lúa Mùa. Sang vụ Đông, chủ yếu đất bỏ trống. Còn vụ Xuân này, do không chủ động về nguồn nước tưới tiêu nên chỉ có khoảng 2 ha đất trồng lúa được chuyển đổi sang trồng ngô và các loại rau màu. Những diện tích đất còn lại vẫn để hoang là bởi: Các gia đình không có đủ nguồn nhân lực để cùng một thời vụ, có thể vừa trồng, chăm sóc cây hoa màu, vừa thu hái chè và chăm sóc rừng Thảo quả. Trong khi đó, nguồn thu lợi từ 14/31 ha chè và 30/72 ha Thảo quả đã cho thu hoạch hằng năm, luôn cao hơn so với nguồn thu từ sản phẩm hoa màu. Thêm vào đó: Theo tâm lý người dân, để trống đất ruộng vụ Xuân sẽ thuận tiện cho việc chăn thả gia súc, gia cầm khi chúng không thể phá hoại rau màu – Trưởng thôn Khuổi My, Tương Văn Kiảng cho biết thêm.
Chung thực tế với thôn Khuổi My, trong tổng số 17 ha đất trồng lúa của thôn Nà Thác, vụ Xuân này chỉ có gần 7 ha được chuyển đổi sang trồng ngô, lạc và các loại rau, đậu tương. Còn thôn Lùng Vài, diện tích đất ruộng vụ Xuân được chuyển đổi mới dừng ở con số khiêm tốn, 5,5 trên tổng số 22 ha. Trưởng thôn Nà Thác, Tương Văn Lòng chia sẻ: Để ngô, lạc vụ Xuân cho năng suất cao, đòi hỏi người dân phải đầu tư thâm canh vì hiện nay, đất đã nghèo chất dinh dưỡng. Nhưng một phần do thiếu nhân lực, một phần thiếu vốn đầu tư thâm canh nên đây cũng là lý do khiến người dân không “mặn mà” phủ xanh đất ruộng. Còn đối với các loại cây trồng khác, nhất là bí đỏ, dưa chuột, đỗ... được trồng xen trong ruộng ngô sinh trưởng, phát triển tốt, có chất lượng quả thơm, ngon. Nhưng vì diện tích trồng nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày nên sản phẩm chưa trở thành hàng hóa, kích thích người dân nâng cao hệ số sử dụng đất, để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.
Bïn caånh àoá, haâng chuåc ha ruöång vuå Xuên naây vêîn boã hoang. |
Thực tế chứng minh, đất là tài nguyên vô giá của Quốc gia và là sinh kế bao đời nay của người nông dân nơi cực Bắc Tổ quốc. “Tấc đất” chỉ trở thành “tấc vàng” khi có bàn tay, khối óc, tình yêu lao động của con người tác động để biến ruộng hoang thành cơ nghiệp. Nhưng thực tế, phần nhiều diện tích đất ruộng ở Phương Độ vẫn nhường chỗ cho cỏ dại phát triển. Mặc dù, sau nguồn thu nhập chính từ cây chè và Thảo quả thì chăn nuôi gia súc, gia cầm lên đến hàng nghìn con, tại các thôn vùng cao của xã Phương Độ vẫn rất cần những sản phẩm như ngô, bí... từ chính những diện tích đất ruộng bỏ hoang, để giảm chi phí đầu tư trong chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình hoặc cải thiện bữa ăn hằng ngày...
Dẫu biết rằng so sánh là khập khiễng. Nhưng nếu như đồng bào 4 huyện vùng Cao nguyên đá – nơi ngửa mặt lên thấy núi, cúi xuống thấy vực thẳm, bao mùa khô hạn vẫn “khát nước” sinh hoạt, sản xuất nhưng họ không khuất phục sự khắc nghiệt của tự nhiên để tạo nên điều kỳ diệu – thổ canh hốc đá, biến những nương đá tai mèo xám xịt rợp màu xanh của ngô. Vậy những lý do giải thích cho việc để đất “ngủ đông” sang tận vụ Xuân như đã nêu ở trên, có thực sự thuyết phục để khiến người dân của các thôn Nà Thác, Khuổi My hay Lùng Vài của xã Phương Độ – đơn vị trực thuộc thành phố với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH, so với những địa phương khác trên địa bàn tỉnh, vẫn cứ để phần nhiều diện tích đất ruộng bỏ hoang, qua bao vụ sản xuất từ Đông sang đến vụ Xuân?.
Rời Khuổi My, Nà Thác, đọng lại trong tâm trí chúng tôi là trải lòng của các đồng chí lãnh đạo thôn: Vẫn biết để đất ruộng bỏ hoang là lãng phí tài nguyên đất; là kinh tế gia đình hụt phần thu nhập; là con cái bớt tiền mua sách, vở, quần áo mới... Nhưng không thể làm khác được. Vậy, không biết cấp ủy Đảng, chính quyền sở tại đồng tình với trải lòng trên hay có cách làm khác, hiệu quả hơn để biến “tấc đất” thực sự trở thành “tấc vàng”?.
HẢI ANH
Ý kiến bạn đọc