Xác định hướng đi trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc
BHG- Là một tỉnh còn vô vàn khó khăn, song trong những năm qua, Hà Giang luôn nỗ lực vươn lên, tạo được dấu ấn riêng, từng bước thu hút được sự quan tâm của bạn bè trong khu vực cũng như cả nước. Hội thảo “Phát triển KT-XH tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc” được tổ chức vào trung tuần tháng 3 vừa qua chính là một trong những nỗ lực của tỉnh nhằm xác định hướng đi trong thời gian tới.
Hội thảo bao gồm 3 phiên hội thảo chuyên đề về các lĩnh vực kinh tế biên mậu, phát triển du lịch, tái cơ cấu nông nghiệp và công - nông nghiệp dược liệu cùng phiên hội thảo trung tâm với sự tham gia của hàng trăm đại biểu là lãnh đạo một số bộ, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học và các nhà nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp... Các phiên hội thảo đã đánh giá một cách đúng đắn, khách quan các tiềm năng, lợi thế phát triển KT-XH cũng như vị trí, vai trò của Hà Giang trong liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Tại phiên hội thảo chuyên đề về kinh tế biên mậu, các ý kiến đều khẳng định Hà Giang là tỉnh có vị trí đặc biệt trong vùng chiến lược Tây Bắc của nước ta, đây cũng là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của biến động về KT-XH, QP-AN từ đất nước Trung Quốc láng giềng. Nhưng đó cũng chính là lợi thế, tiềm năng cần khơi dậy trong phát triển kinh tế của tỉnh. Điều đó đã được minh chứng bằng những kết quả khá khả quan mà kinh tế biên mậu đạt được thời gian qua, như: Hoạt động thương mại biên giới tương đối sôi động, tổng kim ngạch hàng hóa xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh từ năm 2010 đến 2014 tăng 12,33%; hệ thống chợ, khu kinh tế cửa khẩu tại các xã biên giới được đầu tư xây dựng và mở rộng; cặp Cửa khẩu Thanh Thủy - Thiên Bảo (Trung Quốc) đã được nâng cấp thành Cửa khẩu Quốc tế... Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy hoạt động thương mại qua biên giới chưa tương tương xứng với tiềm năng, giá trị xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh còn thấp, thị trường xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, công tác quản lý Nhà nước về thương mại còn hạn chế. So với các địa phương khác, Hà Giang có nhiều yếu tố không thuận lợi về khí hậu, khoảng cách địa lý, mạng lưới giao thông chưa phát triển đồng bộ... Vì vậy, để phát triển kinh tế biên mậu, đỏi hỏi phải có tầm nhìn dài hạn đặt trong tổng thể chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh và được sự ủng hộ của Chính phủ cũng như các bộ, ngành Trung ương với những cơ chế ưu đãi cụ thể, như điều tiết 100% nguồn thu hoạt động xuất - nhập khẩu trên địa bàn tỉnh để đầu tư hạ tầng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, các cửa khẩu phụ và lối mở...
Nếu kinh tế biên mậu còn khá mờ nhạt so với các tỉnh trong khu vực thì du lịch Hà Giang trong vài năm trở lại đây đã có những bước phát triển đáng kể, trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước, nhất là với giới trẻ. Tiềm năng du lịch của Hà Giang có những lợi thế so sánh và điều kiện tốt để hình thành nên các khu, điểm, sản phẩm du lịch, như có Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, khí hậu ôn hòa, đồng bào các dân tộc ít người giữ được bản sắc độc đáo, có hệ thống danh thắng, cảnh quan hoang sơ, hùng vĩ, có nhiều di sản, di tích được công nhận... Vì vậy, tại phiên hội thảo về phát triển du lịch, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp đã tập trung cho các giải pháp nhằm thực hiện được mục tiêu đặt ra, đó là phát triển du lịch Hà Giang trở thành trung tâm trọng điểm của cả nước. Nhiều giải pháp cũng như kiến nghị, đề xuất với các cấp, ngành chức năng đã được đưa ra và nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu. Trong đó nhấn mạnh, cùng với việc nâng cao chất lượng các quy hoạch, việc đầu tư xây dựng các sản phẩm đặc thù mang thương hiệu Hà Giang cần được quan tâm làm tốt.
Là một tỉnh tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 86% cơ cấu lao động xã hội, trong khi đó giá trị kinh tế thu về từ nông nghiệp còn thấp, tỷ trọng trồng trọt cao (69,7%), tỷ trọng lâm nghiệp, chăn nuôi còn thấp...; vì vậy Hội thảo chuyên đề tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với phát triển chuỗi giá trị đặc sản và nông- công nghiệp dược liệu Hà Giang nhận được rất nhiều kỳ vọng. Với 23 bài tham luận, các đại biểu đã phân tích, đánh giá khá kỹ thực trạng về ngành Nông nghiệp và các tiềm năng như phát triển dược liệu, chăn nuôi bò vùng cao. Hiện nay, nhu cầu dược liệu trong nước khoảng 60.000 tấn/năm, tuy nhiên nước ta mới cung cấp cho thị trường khoảng 15.600 tấn/năm, còn lại phải nhập khẩu. Vì vậy, việc Hà Giang xây dựng chiến lược phát triển dược liệu là hướng đi hoàn toàn phù hợp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để phát triển KT-XH. Cùng với truyền thống trồng cây dược liệu cũng như các tri thức bản địa trong sử dụng cây dược liệu, người dân Hà Giang còn có truyền thống chăn nuôi bò. Chất lượng thịt bò vùng cao Hà Giang từ lâu đã được người tiêu dùng ưa chuộng, nên mục tiêu phát triển đàn bò trở thành hàng hóa có tiêu chuẩn và thương hiệu mang tầm quốc tế, khu vực là rất khả thi. Vấn đề đặt ra ở cả 2 chương trình trọng tâm này chính là từ một nền sản xuất còn thấp, giờ chuyển sang một nền sản xuất cao, kỹ thuật tiên tiến với sự hợp tác vào cuộc của rất nhiều thành phần từ cơ chế quản lý của Nhà nước, nghiên cứu của các nhà khoa học, nguồn lực của các doanh nghiệp, trình độ của người nông dân...; vì vậy, các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ từ quy hoạch, thị trường, chuẩn hóa sản phẩm, chính sách đầu tư, phát triển doanh nghiệp, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu.
Ba phiên hội thảo chuyên ngành và hội thảo trung tâm đã đưa ra những luận cứ khoa học xác đáng để Hà Giang có thể triển khai đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án tập trung vào nhóm ngành: Du lịch, kinh tế biên mậu, nông - công nghiệp dược liệu. Từ đây xây dựng các định hướng chiến lược phát triển KT-XH gắn với đảm bảo QP-AN; đề xuất các giải pháp có tính đột phá và khả thi, như về kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính, huy động và sử dụng vốn đầu tư, khoa học và công nghệ... Đồng thời, đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh lên tầm cao mới.
Có thể khẳng định, Hội thảo “Phát triển KT-XH Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc” không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với việc phát triển KT-XH tỉnh ta mà còn góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế kinh tế, đẩy mạnh liên kết và phát triển KT-XH vùng trung du và miền núi phía Bắc.
HÙNG HIỀN (Văn phòng Tỉnh ủy)
Ý kiến bạn đọc